Kênh truyền hình CNN dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đưa tin rằng 5 tàu chiến Iran đã tiến sát tàu chở dầu British Heritage khi nó di chuyển từ Vịnh Ba Tư đến Eo biển Hormuz, yêu cầu tàu Anh thay đổi lộ trình, và dừng lại ở vùng lãnh hải gần nhất của Iran. Trong lúc đó, tàu chở dầu với chiến hạm HMS Montrose của Hải quân Hoàng gia tháp tùng đã đưa súng ống vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu và phát loa phóng thanh đòi các tàu của Iran phải rút lui.
Phiên bản này có sự xác nhận của cơ quan quân sự Vương quốc Anh, Bộ Quốc phòng chỉ đính chính rằng không phải 5 mà là 3 tàu Iran đã cố chặn tàu buôn của Anh ở eo biển Hormuz.
Tuyên bố của Lầu Năm Góc và London về toan tính của 5 con tàu vũ trang của Iran nhằm ngăn chặn tàu chở dầu của Anh ở eo biển Hormuz không tương ứng với thực tế. Đó là khẳng định của bộ phận báo chí của Hải quân thuộc Khối Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Cũng có tuyên bố tương tự của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif: «Những gì tự họ thông báo, những gì tự họ rêu rao, đều nhằm mục đích đẩy leo thang căng thẳng. Những lời lẽ như vậy không có giá trị gì hết».
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, khi bình luận về tình huống này, nhà phân tích chính trị và chuyên gia về các vấn đề Trung Đông là ông Hassan Hanizadeh cho rằng những hành động nói trên là sự khiêu khích hướng tới bôi xấu nhục mạ hình ảnh Iran trước công luận.
«Tuyên bố của Anh và Hoa Kỳ là hành động khiêu khích nhằm làm mất uy tín của Iran trong con mắt cộng đồng thế giới. Trên thực tế, nếu quả là Iran muốn chiếm tàu chở dầu, thì họ sẽ làm điều đó ngay lập tức mà không cần che giấu gì. Hãy cứ nhớ lại việc bắn hạ máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ cách đây chưa lâu. Iran đã phản ứng tức khắc và ngay lúc đó tuyên bố đã bắn rơi chiếc UAV này. Nghĩa là, nếu Iran muốn thực hiện bất kỳ hành động nào chống Vương quốc Anh hoặc Hoa Kỳ, thì họ sẽ không ngần ngại mà công bố rõ ràng. Iran không e sợ gì vì hành động của mình: trước Hải quân Hoa Kỳ hay trước Anh ở Vịnh Ba Tư cũng thế.
Bản thân con tàu chở dầu British Heritage của Anh được sử dụng làm công cụ để tạo ra sự khiêu khích và cố tình đi vào vùng lãnh hải của Iran. Bất kể thực tế là Iran có quyền bắt giữ tàu chở dầu của Anh trên cơ sở đồng đẳng, giống như chính quyền Gibraltar của Anh đã hành xử với tàu chở dầu Grace 1 của Iran. Nhưng Tehran đã thể hiện sự kiên nhẫn và khôn ngoan kiềm chế trước động thái khiêu khích chủ ý», - ông Hassan Hanizadeh nhận xét.
Theo quan điểm của chuyên gia, cần lưu ý rằng Vương quốc Anh đang trên ngưỡng rút khỏi EU, phối hợp chính sách quân sự tiếp theo của mình cùng với Hoa Kỳ chống Iran và đang cố thúc đẩy Washington tới đối đầu quân sự dưới cái cớ dường như Cộng hòa Hồi giáo Iran chính là nguồn cơn tạo ra những mối đe dọa đối với lưu thông hàng hải ở Vịnh Ba Tư.
«Tuy nhiên, Iran biết rõ những chiêu thức khiêu khích này và sẽ không đi tới hành động vội vàng thiếu cân nhắc. Cộng hòa Hồi giáo Iran hiện đang hành động theo từng bước trong tương quan Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tùy những điều kiện nhất định cắt giảm nghĩa vụ của mình theo giao kèo hạt nhân, nhưng đồng thời, Tehran không muốn dấn vào đối đầu quân sự ở Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, nếu phía Anh hoặc Hoa Kỳ gia tăng hành động khiêu khích, Iran sẽ buộc phải có đáp trả thích đáng. Nếu buộc phải dùng đến kháng cự quân sự, Iran sẽ chuẩn bị đầy đủ cho kịch bản diễn biến sự kiện như vậy.
Bằng sự can thiệp vào không phận và lãnh hải của Iran, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đang muốn kích động để chúng tôi thành bên đầu tiên sử dụng vũ khí. Đối với Hoa Kỳ điều rất quan trọng là bằng mọi giá lừa dối và khiêu khích báo thù cho vụ bắn hạ máy bay Global Hawk gần đây».
Chuyên gia lưu ý rằng những cảnh báo gần đây của Trump về việc áp đặt gói trừng phạt cứng rắn mới chống Iran có liên quan trực tiếp đến vụ việc với tàu chở dầu của Anh. Ông Hassan Hanizadeh nêu giả thiết là Anh đang thông đồng với Hoa Kỳ thực hiện những bước đi như vậy để rút khỏi JCPOA.
«Trong khuôn khổ bối cảnh đang nóng lên cuộc đua tranh ghế Tổng thống sắp tới, Donald Trump đang cố gắng gây áp lực với Iran để buộc đàm phán theo ý người Mỹ. Còn Anh trong khi hùa theo ủng hộ Hoa Kỳ mọi điều cũng muốn rút khỏi giao kèo hạt nhân, và do đó cố tìm kiếm bất kỳ cái cớ nào cho việc này. Toàn bộ hành động của Trump và «ê-kip hung hăng» của ông ta cũng như Vương quốc Anh đều nhằm mục đích phá hoại uy tín, xuyên tạc bôi nhọ hình ảnh của Iran và phá vỡ tan tành Kế hoạch hành động chung toàn diện», - chuyên gia kết luận.