Nhà Trắng tin rằng các hành động của Trung Quốc đang làm suy yếu áp lực mạnh mẽ lên Iran. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói hợp tác của Trung Quốc với Iran là hợp pháp và Bắc Kinh phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt đơn phương và quyền tài phán ngoài lãnh thổ nào đối với các doanh nghiệp của họ.
Vào giữa năm 2018, Hoa Kỳ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran và tuyên bố khôi phục lại tất cả các lệnh trừng phạt đối với quốc gia này. Cụ thể lệnh cấm vận hoàn toàn được áp dụng đối với việc xuất khẩu và tất cả các giao dịch dầu mỏ từ Iran. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đối với Iran - có trữ lượng dầu lớn thứ ba trên thế giới, đây là một đòn nặng nề. Theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, trong năm 2018 - 2019, hai phần ba tổng mức tăng GDP của Iran là do ngành khai thác dầu mỏ tạo ra.
Rõ ràng là trong điều kiện như vậy, Iran sẽ làm hết sức mình để tìm khách mua dầu, như đã từng xảy ra trong những năm trước đây dưới lệnh trừng phạt của Mỹ. Hoa Kỳ bắt đầu đe dọa các quốc gia khác bằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp nếu họ tiếp tục mua dầu Iran. Một số đồng minh Hoa Kỳ đã ngừng các thương vụ. Tuy nhiên, Trung Quốc rõ ràng sẽ không từ bỏ dầu mỏ Iran.
Như ấn bản Politico của Mỹ ghi nhận, vào tháng 6, một tàu hàng chứa 1 triệu thùng dầu Iran, đã cập cảng Thanh Đảo. Một nguồn cung khác gần 2 triệu thùng được chuyển qua cảng Thiên Tân. Những chính khách diều hâu trong Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ hiện đang thúc đẩy áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp lên các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc, vì các hành động của Trung Quốc làm suy yếu mọi nỗ lực của người Mỹ gây áp lực tối đa đối với Iran.
Nếu các lệnh trừng phạt được áp đặt, điều này sẽ làm phức tạp quá trình đàm phán thương mại, vốn đã khó khăn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vào tháng 5, sau 11 vòng, cuộc đàm phán đã kết thúc thất bại. Chỉ sau cuộc gặp của nhà lãnh đạo hai nước ở Osaka, mới có thể đạt được thỏa thuận nối lại cuộc thương thảo. Tuy nhiên cho đến nay, ngay cả thời điểm diễn ra cuộc họp mới của các nhà đàm phán từ hai nước vẫn chưa được xác định. Trong tình huống như vậy, Trung Quốc không thể để cho Hoa Kỳ dẫn dắt. Các cuộc thảo luận vốn đã phức tạp, sẽ không nêu ra vấn đề Iran – mà sẽ là một điều gì đó khác, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Trung Quốc về khu vực Trung Cận Đông, Li Weijian nói với Sputnik:
“Tôi nghĩ ngay cả khi không có vấn đề về dầu mỏ, vẫn còn rất nhiều việc chưa được giải quyết trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng Hoa Kỳ dường như không chú trọng nhiều đến việc Trung Quốc mua dầu Iran để gây áp lực lên Trung Quốc trong quá trình bàn thảo. Rốt cuộc, nếu các cuộc đàm phán thất bại, sẽ không chỉ là một lệnh trừng phạt đơn phương đối với Trung Quốc. Điều quan trọng đối với Hoa Kỳ là hai nước ngồi vào bàn đàm phán, đó là vì lợi ích của chính họ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều lên kinh tế trong nước Mỹ. Vì vậy Hoa Kỳ, tất nhiên sẽ tính đến dầu mỏ Iran, nhưng sẽ không phải là yếu tố quyết định. Thương mại Mỹ và Trung Quốc là con đường hai chiều, và điều này cũng rất quan trọng đối với Hoa Kỳ trong đàm phán. Mỹ đã cố gắng gây áp lực lên Trung Quốc, đe dọa chúng tôi, để đảm bảo một chiến thắng ngắn hạn. Tuy nhiên, hóa ra quan điểm của Trung Quốc cực kỳ rõ ràng: Trung Quốc ở vị trí tốt hơn về mọi mặt so với Hoa Kỳ. Vì vậy, tác động của vấn đề mua dầu Iran, tất nhiên sẽ là rõ ràng, nhưng không đáng kể. Và nếu Mỹ quyết định áp dụng bất kỳ biện pháp trừng phạt nào vì điều này, trước hết sẽ ảnh hưởng đến chính họ”.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của dầu mỏ Iran. Theo cổng thông tin Tanker Trackers, vào tháng Tư năm nay, nguồn cung dầu từ Iran đến Trung Quốc đạt mức kỷ lục 913 nghìn thùng mỗi ngày. Và trung bình trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã mua 600.000 thùng dầu mỗi ngày từ Iran, chiếm hơn 40% tổng lượng dầu xuất khẩu Iran. Do các biện pháp trừng phạt, Iran bán dầu với giá rẻ. Và Trung Quốc rất cần đến nguồn cung cấp nhiên liệu đen ổn định và rẻ tiền để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, vốn đang chậm chạp. Do đó, người ta khó có thể mong đợi Trung Quốc sẽ từ chối các đề xuất của Iran, Li Weijian nói.
“Tôi nghĩ rằng trong tương lai cần phải tiếp tục mua dầu Iran. Các biện pháp trừng phạt đơn phương là các quy tắc nội bộ của Mỹ và cả thế giới không nhất thiết phải tuân theo. Cả IEA và Iran đã nhiều lần công nhận Iran đang tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân. Việc Trung Quốc mua dầu từ Iran đã là một thông lệ. Và chỉ cần ngừng giao dịch – đó là sự không bình thường. Hiện giờ nhiều quốc gia đang cố gắng đưa ra giải pháp để duy trì thỏa thuận với Iran, làm thế nào để chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ. Châu Âu và một số quốc gia khác đang nghĩ về điều này. Nhưng theo quan điểm của Iran, thế vẫn chưa đủ. Đối với Iran, điều quan trọng là xuất khẩu dầu không bị gián đoạn để đảm bảo hoạt động bình thường của nền kinh tế. Còn hỗ trợ nhân đạo do một số quốc gia đề xuất chỉ là biện pháp nửa vời. Do đó Iran hiện đang thực hiện một số bước nhất định, và vấn đề không phải là nước này muốn phá hủy thỏa thuận, mà là gây áp lực lên các quốc gia khác để giúp Iran chống lại các lệnh trừng phạt bất công của Mỹ. EU hiện đang cố gắng giúp Iran duy trì các thỏa thuận đã đạt được trước đó. Nếu không thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể bị coi là đã chôn vùi”.
Hay mục tiêu của Mỹ có thể không phải là chương trình hạt nhân Iran, mà là thị trường dầu mỏ? Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán việc sản xuất dầu nhiều quá mức trên thế giới vào năm tới. Trong nửa đầu năm 2019, nguồn cung dầu vượt quá nhu cầu 900 nghìn thùng mỗi ngày, IEA cho biết. Năm tới hiệu quả từ thỏa thuận OPEC + sẽ trở nên thấp hơn, vì các nước không phải thành viên, chủ yếu là Hoa Kỳ, sẽ tăng cường sản lượng khai thác, nghiên cứu của IEA cho biết.
Trong tình huống như vậy, điều quan trọng là Hoa Kỳ phải tạo ra sự thiếu hụt dầu mỏ trên thị trường để kịp thời chiếm lĩnh bằng các sản phẩm của mình. Theo Reuters, trong quý đầu tiên năm 2019, Iran đã xuất khẩu trung bình 1,3 triệu thùng mỗi ngày. Nếu khối lượng cung cấp này biến khỏi thị trường thế giới sau một đêm, sẽ có một sự bổ sung bằng sản phẩm dầu đá phiến Mỹ.
Liệu các lệnh trừng phạt của Mỹ có ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ thế giới hay không vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Nhưng họ đã hành động theo thỏa thuận hạt nhân. Từ ngày 7 tháng 7, Iran bắt đầu làm giàu uranium trên 3,67%. Mốc này được quy định bởi các điều khoản trong giao dịch hạt nhân. Quyết định cắt giảm các cam kết của Iran do thực tế các nước châu Âu tham gia vào thỏa thuận hạt nhân đã không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để bảo vệ nước Cộng hòa Hồi giáo khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ, theo Tehran tuyên bố.