Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) vừa thực hiện chương trình quốc phòng hiếm hoi, phô diễn khả năng sức mạnh tên lửa của mình gần khu vực tranh chấp hàng hải trên Biển Đông vào ngày 15 tháng 7. Đây là một phần đợt tập trận quân sự quy mô lớn “Kerismas” và “Taming Sari”, trong bối cảnh căng thẳng mới leo thang trên Biển Đông, trang quân sự Janes.com đưa tin.
Nhiều tên lửa được tàu hộ tống lớp Kasturi (Loại FS 1500), KD Kasturi (25) và trực thăng hải quân Super Lynx phóng đi. Kasturi khai hỏa Exocet MM40 Block II, còn trực thăng Hải quân Hoàng Gia phóng cặp tên lửa chống hạm Sea Skua.
"Thành công của vụ bắn tên lửa là bằng chứng cho thấy Hải quân Hoàng gia Malaysia RMN có thể thực hiện rất tốt sứ mệnh và các hoạt động phòng thủ ở Biển Đông", Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Bin Sabu nói trong một tuyên bố đánh giá về đợt tập trận.
"Việc thực hiện thành công các cuộc diễn tập này là lời khẳng định đanh thép trước cộng đồng hàng hải quốc tế, đặc biệt là những thành viên thuộc Hội đồng Bán đảo phía Đông Malaysia, rằng Lực lượng Vũ trang Hoàng Gia và Chính phủ Malaysia sẵn sàng bảo vệ hòa bình và bảo vệ lợi ích của mình trên Biển Đông", ông nhấn mạnh.
Lần gần nhất Hải quân Hoàng gia Malaysia bắn tên lửa chống hạm là trong một cuộc tập trận trên biển hồi năm 2014.
Các khí tài quân sự khác của RMN tham gia tập trận bao gồm tàu ngầm diesel-điện lớp Perdana Menteri (Scorpene) KD Abdul Rahman, tàu hộ tống lớp Laksamana (Assad) Laksamana Hang Nadim (134) và Laksamana Tan Pusmah (137) tàu khu trục KD Lekiu (30).
Tranh chấp lãnh thổ Biển Đông
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gồm các tranh chấp về đảo và vùng biển. Quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là hai quần đảo trên các rạn san hô ở Biển Đông, trong đó quần đảo Hoàng Sa đang là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei; các quốc gia này tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa.