Sau đây là bài của Sputnik về nội dung này.
Cuộc chiến ngấm ngầm
Khi nền kinh tế tăng trưởng, các loại tiền tệ mạnh có ưu tiên. Nhưng, các cuộc chiến thương mại đã gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia khẳng định rằng, vào cuối năm nay mọi người sẽ cảm nhận thấy những hậu quả, nhưng, cú đánh chính sẽ là vào năm 2020-2021.
Theo ước tính của WTO, năm 2018 tổng kim ngạch thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm 0,5 nghìn tỷ USD, và năm nay sẽ giảm 1,5 nghìn tỷ USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo rằng, nếu cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn tiếp tục, thì GDP toàn cầu sẽ giảm 5%, tức là khoảng 455 tỷ USD.
Trong tình huống này các ngân hàng trung ương đều sử dụng những biện pháp khác nhau để hỗ trợ nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, khả năng giảm lãi suất bị hạn chế, vì chúng đã giảm đến mức tối thiểu. Công cụ duy nhất để hỗ trợ nền kinh tế là việc giảm giá trị của đồng nội tệ so với các loại ngoại tệ khác để củng cố sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu trên thị trường thế giới. Và nếu một số quốc gia đang tranh đua hạ giá đồng tiền nội tệ thì đây là một cuộc chiến tiền tệ.
Theo Bank of America Merrill Lynch, cuộc chiến tiền tệ đang diễn ra,và các ngân hàng trung ương của tất cả các quốc gia hàng đầu đang bị cuốn vào cuộc chiến này.
"Các ngân hàng không thể tác động đến chi phí đi vay vì lãi suất đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, vì vậy cách duy nhất để giảm bớt áp lực là làm suy yếu chính đồng tiền của họ", - ông Thanos Vamvakidis, trưởng nhóm tiền tệ G-10 tại Bank of America Merrill Lynch, nói với CNBC.
Đổ thêm dầu vào lửa
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ là một chủ đề quan trọng trên truyền thông thế giới trong những tháng gần đây, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo sắp cắt giảm lãi suất.
Donald Trump đã đổ thêm dầu vào lửa: ông đã cáo buộc ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cố ý làm suy yếu đồng euro.
“Mario Draghi vừa thông báo sẽ có thêm các gói nới lỏng, điều ngay lập tức khiến euro giảm giá so với USD, tạo lợi thế bất công bằng cho họ đối với nước Mỹ. Họ đã thực hiện việc này trong nhiều năm, cùng với Trung Quốc và các quốc gia khác”, - ông Trump đã tweet vào đầu tháng 7.
Đồng thời, Tổng thống Mỹ lại một lần nữa lưu ý rằng, Trung Quốc cố ý làm suy yếu đồng nhân dân tệ, khiến xuất khẩu rẻ hơn và làm mất cân bằng thương mại với Hoa Kỳ. Theo ý kiến của Trump, Cục Dự trữ Liên bang (FED) chưa đồng hành với kế hoạch làm suy yếu đồng USD, và đồng đô la đắt đỏ cản trở xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
Những tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ đã gây ra làn sóng đầu cơ mạnh mẽ ở Phố Wall. Các nhà phân tích rút ra kết luận rằng, trong tương lai gần Trump sẽ quyết định hạ giá đồng USD.
Ngay sau khi Bộ Tài chính đưa ra lệnh thích hợp, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York sẽ bắt đầu can thiệp vào chính sách tiền tệ: sẽ bắt đầu bán đô la và mua các loại ngoại tệ khác, các nhà phân tích của ngân hàng cảnh báo. Điều này sẽ làm suy yếu đồng USD, mà theo Bank of America, hiện nay đồng USD được đánh giá cao hơn khoảng 13% so với tỷ giá hối đoái thực tế.
Con đường bế tắc
Những quan ngại đó là có cơ sở. Ngay vào tháng 7, ông chủ Nhà Trắng đề nghị các trợ lý tìm cách hạ giá đồng bạc xanh. Theo Bloomberg, Tổng thống Mỹ đã thảo luận về tình hình với đồng đô la với Judy Shelton và Christopher Waller, hai người mà ông đã đề cử vào Hội đồng Thống đốc FED.
Tập đoàn đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới PIMCO cũng cho biết rằng, hiện nay các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, bao gồm cả FED, đang cố ý hạ giá đồng tiền quốc gia.
“Sau khoảng thời gian nghỉ vào đầu năm 2018, cuộc chiến tranh lạnh trong lĩnh vực tiền tệ đã không ngừng lớn dần giữa các nước giữ vai trò đối tác thương mại lớn của Mỹ. Hơn thế nữa, khả năng căng thẳng leo thang thành cuộc chiến tiền tệ toàn diện với sự can thiệp trực tiếp từ phía Mỹ và chính phủ/ngân hàng trung ương nhiều nước dù không trở thành hiện thực trong ngắn hạn nhưng cũng không thể bị loại bỏ được nữa”, - theo trưởng bộ phận tư vấn kinh tế toàn cầu tại quỹ PIMCO, ông Joachim Fels.
Chuyên gia Vamvakidis từ Bank of America Merrill Lynch cho rằng, các ngân hàng trung ương trên thế giới sớm muộn cũng sẽ rơi vào "vòng xoáy tiền tệ", khiến cho thị trường trở nên bế tắc hơn.
“Tuy nhiên, biện pháp làm suy yếu đồng tiền quốc gia rất khó để cân bằng vì khi tất cả mọi người đều làm giống nhau, thì giá trị đồng tiền thực tế không hề di chuyển, bạn chăng được lợi gì cả và cuối cũng bạn chỉ lãng phí thời gian mà không có kết quả”, - ông giải thích.
Do đó, nếu tất cả cùng một lúc cố gắng ảnh hưởng đến tỷ giá đồng tiền quốc gia của mình, thì không ai được hưởng lợi. Các biện pháp can thiệp như vậy chỉ tạo ra nhiều tác dụng phụ tiêu cực hơn.
Các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu chứng khoán của chính phủ Hoa Kỳ đáng tin cậy nhất sẽ hoảng sợ và sẽ bắt đầu bán ra chúng, theo Bank of America.
Chuyên gia phân tích ngân hàng nổi tiếng Dick Bove nhận xét rằng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không tài trợ cho nợ công Mỹ nếu chính sách của Hoa Kỳ chống lại sự ổn định của đồng đô la. Và Hoa Kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào việc đồng USD được coi là tiền tệ dự trữ toàn cầu.
Trong cuộc đua hạ giá tiếp theo, hàng tỷ đô la sẽ di chuyển khắp thế giới - từ chứng khóan này sang chứng khoán khác, hình thành những bong bóng tài chính trên thị trường. Và cuộc khủng hoảng mới không còn xa vời.