Ông Trần Bắc Hà bất ngờ tử vong
Đại gia ngân hàng trước đó bị tạm giam ở trại quân đội ở Sóc Sơn phục vụ công tác điều tra đại án lớn.
Theo thông tin từ Bệnh viện Quân y 105, ông Trần Bắc Hà được người của trại giam T771 - Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đưa đến bệnh viện.
Một lãnh đạo bệnh viện đồng thời cũng xác nhận ông Hà được đưa đến Bệnh viện Quân y 105 lúc 6 giờ 30 phút cùng ngày trong tình trạng đã tử vong. Sau đó, thi thể ông được đưa vào nhà tang lễ bảo quản, chờ hoàn tất các thủ tục liên quan.
"Do ông Hà tử vong ngoại viện nên việc giám định nguyên nhân tử vong sẽ do cơ quan pháp y khác thực hiện. Trong chiều 18-7, cơ quan pháp y đã tiến hành xác định nguyên nhân tử vong của ông Hà" - lãnh đạo Bệnh viện Quân y 105 thông tin.
Một người thân trong gia đình ông Trần Bắc Hà đang sinh sống tại tỉnh Bình Định cho biết gia đình vừa nhận được thông báo về cái chết của ông Hà.
"Sáng cùng ngày, gia đình nghe râm ran trên mạng xã hội nói ông đã chết nhưng không rõ thế nào. Đến trưa, gia đình mới chính thức nhận được thông tin từ cơ quan chức năng. Hiện một số người thân chuẩn bị ra Hà Nội để lo thủ tục tang lễ" - người thân ông Hà nói.
Được biết, trước khi bị khởi tố bắt giam, cựu chủ tịch BIDV đã mắc ung thư gan, đã phẫu thuật cắt bỏ nửa lá gan nhằm tránh di căn và thường xuyên phải sang Singapore điều trị.
Ông Trần Bắc Hà có được miễn mọi tội lỗi?
Liên quan câu hỏi việc Cựu chủ tịch BIDV tử vong ảnh hưởng thế nào đến vụ án đang trong giai đoạn điều tra, nhiều chuyên gia, luật sư đã lên tiếng lý giải từ góc độ pháp lý.
Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính pháp chia sẻ với VOV rằng, “trong vụ án hình sự mà bị can chết phải đình chỉ điều tra với bị can đó. Tuy nhiên, vụ án đó có đồng phạm, cho nên không đình chỉ vụ án mà tiếp tục giải quyết vụ án đó và với các đồng phạm khác. Qua đó, xem xét trách nhiệm hình sự của từng bị can, để sau này sẽ đưa ra tòa xét xử”.
Vị luật sư này cũng khẳng định, “nếu kết luận cuối cùng của tòa án xác định bị can Trần Bắc Hà có tội, nhưng ông ấy chết nên không đặt ra vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu ông Hà có tội và tội đó gây thiệt hại cho Nhà nước vẫn truy cứu trách nhiệm dân sự của ông ấy tương ứng số tài sản ông ấy để lại. Những người thừa kế có trách nhiệm phải đứng ra thực hiện các thủ tục để bồi hoàn thiệt hại”.
“Trong trường hợp này, trách nhiệm hình sự có thể thoát nhưng trách nhiệm dân sự có thể không thoát nếu như cơ quan tố tụng có đầy đủ chứng cớ chứng minh ông ấy vi phạm”- luật sư Cường chia sẻ thêm.
Trách nhiệm dân sự của bị can Trần Bắc Hà được luật sư Cường chia sẻ cụ thể:
“Khi một người chết đi để lại các nghĩa vụ dân sự, đầu tiên phải dùng tài sản do người chết để lại để giải quyết các nghĩa vụ dân sự. Nếu còn thừa mới chia thừa kế. Nếu nghĩa vụ lớn hơn số tài sản người khác thừa kế thì chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản để lại”.
Luật sư Diệp Năng Bình cũng đồng tình quan điểm này, theo đó nếu bị can Trần Bắc Hà đã tử vong mà căn cứ này không liên quan đến tất cả các bị can còn lại, tòa sẽ chỉ đình chỉ điều tra riêng đối với cá nhân ông Hà. Các bị can khác vẫn phải chịu điều tra, truy tố và xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Vị chuyên gia khẳng định, đối với giai đoạn điều tra, việc đình chỉ điều tra được quy định tại Điều 230 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Luật sư Bình nhấn mạnh:
“Mục đích của việc áp dụng trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với người phạm tội là nhằm giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Mục đích đó chỉ có thể đạt được nếu áp dụng đối với người còn sống. Do vậy, trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà xác định được người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác”, luật sư Bình nói.
Đại án liên quan ông Trần Bắc Hà có được tiếp tục?
Cũng chia sẻ về diễn biến tiếp theo của vụ án sau khi cựu Chủ tịch BIDV tử vong, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định:
"Theo Bộ luật hình sự năm 2015, cơ quan tố tụng sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Trần Bắc Hà. Còn đối với các bị can khác trong vụ án vẫn tiến hành các hoạt động tố tụng bình thường khi có đủ căn cứ buộc tội đối với các bị can đó", NLĐ dẫn lời cho biết.
Nhưng việc một bị can bất ngờ qua đời trong giai đoạn điều tra, chắc chắn vụ án sẽ gặp những khó khăn nhất định, nhất là việc mở rộng điều tra nhiều vụ liên quan khác..
Về việc tiếp tục thu hồi tài sản sai phạm, một nguyên điều tra viên cao cấp của Công an Thành phố Hà Nội khẳng định:
“Nếu cơ quan điều tra chứng minh được tài sản của bị can trong vụ án thu lợi bất chính mà có thì tòa án có thể quyết định về phần dân sự, thu hồi những tài sản mà bị can làm sai, thu lợi bất chính trong vụ án”.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) diễn giải đối với vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà người phạm tội đã chết thì theo quy định của pháp luật, bị can vẫn phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại đến tài sản của cá nhân, tổ chức hoặc nhà nước.
"Để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của bị can Trần Bắc Hà theo điều 128, 129 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Do đó, khi bị can chết thì việc thu hồi tài sản sẽ được cơ quan thi hành án căn cứ vào bản án, quyết định của tòa khi xét xử các đồng phạm khác đã có hiệu lực pháp luật" - luật sư Thơm phân tích.
Sai phạm của ông Trần Bắc Hà
Trước đó, bị can Trần Bắc Hà (63 tuổi, quê quán Bình Định) đã bị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam hồi tháng 11/2018 để điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo khoản 4 điều 206 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Tháng 6-2018, ông Hà bị kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng do có nhiều vi phạm được Ủy ban Kiểm tra trung ương xác định "rất nghiêm trọng”, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Ủy ban Kiểm tra trung ương nêu rõ ông Trần Bắc Hà với tư cách nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch HĐQT BIDV phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.
Theo đó, ông Hà bị khởi tố do liên quan đến các sai phạm trong việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và đề xuất phê duyệt, ký hồ sơ đồng ý cấp tín dụng cho Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (Hà Tĩnh) vay vốn với các điều kiện ưu đãi sai quy định, vi phạm quy định của ngân hàng, gây thiệt hại cho BIDV hơn 800 tỉ đồng.
Việc khởi tố thêm tội danh do có hành vi sai phạm này liên quan đến việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng, trong khi công ty này không đủ điều kiện cấp tín dụng, vay vốn, với các điều kiện ưu đãi sai quy định, đến nay gây thiệt hại cho BIDV hàng trăm tỉ đồng.
Cá nhân ông Trần Bắc Hà liên quan mật thiết đến đại án Phạm Công Danh, cụ thể là việc ông phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Liên quan đến các sai phạm nêu trên, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Duy Tùng (36 tuổi, con trai ông Hà), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú (trụ sở TP Quy Nhơn), để điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Trần Lục Lang (52 tuổi), nguyên Phó tổng giám đốc BIDV; Đoàn Ánh Sáng (59 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM), nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam
(BIDV), phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp); Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh…
Cuộc đời và sự nghiệp ông Trần Bắc Hà
Ông sinh ngày 19 tháng 8 năm 1956 là doanh nhân, cựu lãnh đạo ngân hàng nổi tiếng ở Việt Nam. Ông từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (2008-2016) và Tổng Giám đốc BIDV (2003-2007).
Tháng 2 năm 1981, lúc 25 tuổi, ông bắt đầu làm việc ở BIDV.
Sau 10 năm công tác, ngày 1 tháng 7 năm 1991, lúc 35 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định. Trước đó ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Sở Giao dịch III của BIDV, Giám đốc Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản BIDV, Giám đốc Công ty Chứng khoán BIDV.
Ông giữ chức vụ Giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định đến ngày 30 tháng 9 năm 1999.
Từ ngày 1 tháng 10 năm 1999 đến ngày 14 tháng 5 năm 2003, ông là Phó Tổng giám đốc BIDV.
Tháng 5 năm 2003, ông là Ủy viên Hội đồng quản trị BIDV.
Từ ngày 15 tháng 5 năm 2003 đến ngày 31 tháng 12 năm 2007 ông là Tổng giám đốc BIDV.
Từ 1/1/2008 đến 20/10/2011, ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV.
Ngày 18/8/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Quyết định số 1662/QĐ-NHNN về việc cho ông thôi làm Người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV. Ông đại diện 40% vốn nhà nước (Ngân hàng nhà nước Việt Nam lúc này là cổ đông lớn nhất của BIDV với tỷ lệ sở hữu đạt 95,3%).
Ngày 1 tháng 9 năm 2016, ông nghỉ hưu.
Ngày 29/11/2018, ông bị bắt và khởi tố với tội danh Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.
Ngày 18/7/2019, Trần Bắc Hà được xác nhận đã tử vong khi đang trong thời gian tạm giam chờ điều tra về những sai phạm trong hoạt động ngân hàng tại BIDV.