Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Biển Đông
Tin tức, sự kiện, quan điểm, bình luận về tình hình Biển Đông, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.

Vì sao Trung Quốc gây áp lực tại bãi Tư Chính?

© Ảnh : China Geological Survey Tàu Hải Dương Địa Chất 8
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Theo ý kiến cua chuyên gia, việc các tàu Trung Quốc có những hành vi sai trái ở khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam nằm trong chiến lược lâu dài nhằm độc chiếm Biển Đông.

GS. TS. Luật sư Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo, đưa ra nhận định trong bối cảnh, trong những tuần qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. 

Tham vọng lâu dài của Trung Quốc

Theo Giáo sư Diến, vấn đề Biển Đông cũng như tham vọng độc chiếm Biển Đông đã được Trung Quốc lên chiến lược và “lập trình” từ rất lâu và được phôi thai ngay từ khi thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949) với tham vọng vươn lên làm bá chủ thế giới. 

Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Trung Quốc cho thấy tham vọng phi lý ở Biển Đông

Để đạt được tham vọng này, Trung Quốc phải trở thành cường quốc biển, phải độc chiếm và thống trị Biển Đông - kho tài nguyên thiên nhiên (hải sản và khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt, băng cháy) giàu có và tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Vì vậy, ngay trong tuyên bố của mình năm 1958, khi ban hành Luật về Lãnh hải, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc có chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa” (trên thực tế là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Trong các tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, đều khẳng định, Biển Đông là “bể cá vàng” là “con đường sinh mệnh” là “yết hầu” của Trung Quốc. Đặc biệt là sau báo cáo của Ủy ban Kế hoạch Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc từ năm 1969 dự báo Biển Đông là một nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc bệt là dầu mỏ và khí đốt, Trung Quốc bắt đầu “để mắt” đến Biển Đông.

Đến năm 1992, Trung Quốc ngang ngược ký hợp đồng thăm dò dầu khí trên bãi Tư Chính của Việt Nam với một công ty tư nhân của Mỹ tên là công ty Crestone. Hợp đồng phi pháp này đã bị Việt Nam và cả Bộ ngoại giao Hoa Kỳ phản đối. Đến năm 2009, Trung Quốc chính thức đệ trình lên Liên Hợp Quốc yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp, “nuốt trọn” gần như toàn bộ Biển Đông, vi phạm các chuẩn tắc cơ bản Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc mà Trung Quốc đã cam kết.

Trung Quốc muốn “giải cơn khát năng lượng ngày càng tăng với cấp số nhân” và  đảm bảo về mặt an ninh năng lượng để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế rất mạnh với tham vọng vươn lên siêu cường và “Cảnh sát trưởng thế giới”. Các chuyên gia và nhà cầm quyền Trung Quốc từ lâu đã dự báo về sự “khát năng lượng” của nước này. Hiện nay, Trung Quốc đang nhập khẩu tới gần 60% dầu mỏ, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 66,6% và đến năm 2040 sẽ là 75%.

 Chiến sỹ Trường Sa ngày đêm canh gác biển trời Tổ quốc.  - Sputnik Việt Nam
Việt Nam hành động rất khôn ngoan

Hơn thế nữa, khoảng hơn 7 năm nay, xung đột tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi mà gần đây nhất là những diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Iran, nơi lượng dầu mỏ của Trung Quốc chủ yếu được nhập về qua eo biển Hormuz, khiến Trung Quốc cảm thấy bất an. Nếu căng thẳng leo thang, Iran hoàn toàn có thể tính đến phương án phong tỏa eo biển này. Điều này khiến Trung Quốc gặp muôn vàn khó khăn khi chính các chuyên gia của nước này ước tính, tổng dự trữ dầu mỏ của Trung Quốc không vượt quá 10-15 ngày.

Cũng theo Giáo sư Diến, hành vi của Trung Quốc ở bãi Tư Chính chính là cách để nước này “thử phản ứng” của Việt Nam như đã từng xảy ra khi nước này kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam hồi năm 2014. Trung Quốc cũng muốn thông qua hành động này để “nắn gân” Mỹ trong bối cảnh hai bên vẫn đang có tranh chấp về thương mại.

Hành động pháp lý- “nỏ thần” thời hiện đại của Việt Nam 

Trong khi đó, theo Giáo sư Diến, soi chiếu từ vị trí địa lý để xem xét trên khía cạnh pháp lý, đặc biệt là chiểu theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) – bản “Hiến pháp về Đại dương” và Phán quyết Tòa Trọng tài Quốc tế ngày 12/7/2016, được thành lập theo UNCLOS 1982 – bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Giáo sư Diến giải thích, bãi Tư Chính nằm cách bờ biển Vũng Tàu 160 hải lý và cách bờ biển Đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý. Trong khi đó, theo UNCLOS, một quốc gia ngoài vùng nội thủy và lãnh hải thì từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, quốc gia ven bờ được quyền có vùng đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý và có vùng thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý và tối đa là không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đằng sau 2.500m nước một khoảng cách là 100 hải lý.

Tàu Trung Quốc ở Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Thủ đoạn chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông

Như vậy, vùng thềm lục địa của Trung Quốc không thể kéo dài đến bãi Tư Chính. Không thể nói bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc. Trong khi đó, cũng chiểu theo UNCLOS, bãi Tư Chính nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Phán quyết Tòa Trọng tài Quốc tế ngày 12/7/2016, cũng đã bác bỏ yêu sách phi lý đường lưỡi bò của Trung Quốc, đồng thời nêu rõ các thực thể ở ngoài khơi Biển Đông, bao gồm một số thực thể ở Trường Sa chỉ có thể có lãnh hải 12 hải lý; không một  thực thể nào có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (theo Khoản 3 Điều 121 UNCLOS).

Từ lâu, Việt Nam cũng đã thực hiện quyền chủ quyền đối với bãi Tư Chính. Ngay từ năm 1971, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã cho tiến hành phân lô đấu thầu thăm dò khai thác. Năm 1988, Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam cũng đã phân lô và mời các nhà thầu nước ngoài đến thăm dò, khai thác dầu khí tại đây.

Đến năm 1994, Việt Nam cũng đã ký hợp đồng với một công ty năng lượng lớn của Mỹ là ExxonMobil để khai thác lô dầu khí ở bãi Thanh Long cùng nằm trong phạm vi bãi Tư Chính. Từ năm 1989 cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập Cụm Kinh tế, Khoa học và Dịch vụ có các trạm, nhà chòi, giàn khoan và đèn biển để tạo thuận tiện và hỗ trợ cho giao thông hàng hải, đánh bắt hải sản, nghiên cứu khoa học và các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí. Như vậy, có thể thấy, Việt Nam đã thực hiện quyền chủ quyền đối với bãi Tư Chính hoàn toàn phù hợp với pháp luật cũng như theo đúng UNCLOS.

Trong khi đó, trong những ngày qua, các tàu Hải cảnh của Trung Quốc đã có những hành vi đe dọa sử dụng vũ lực đối với các tàu của Việt Nam ở bãi Tư Chính. Các cơ quan chức năng Việt Nam đã sử dụng mọi biện pháp để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động của mình. Trên thực địa, các lực lượng chấp pháp Việt Nam cũng đã dùng các phương tiện, thiết bị, kể cả loa phát bằng tiếng Việt, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh để tuyên bố hành động của Trung Quốc là vi phạm pháp luật và xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam nhưng vẫn bị phía Trung Quốc trắng trợn phớt lờ.

Theo Giáo sư Diến: “Hành vi của Trung Quốc là đi ngược lại hoàn toàn phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông- nơi Trung Quốc từng thực hiện chính sách 3 không: “Không thừa nhận thẩm quyền, không tham gia tố tụng và không chấp nhận phán quyết” nhằm vô hiệu hóa trên thực địa phán quyết Tòa Trọng tài Quốc tế  ngày 12/7/2016, được thành lập theo Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc. Điều này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng dẫm đạp lên các nguyên tắc cơ bản nhất của luật pháp quốc tế và cho thấy sự ngang ngược và nguy hiểm của những âm mưu và các hành vi này”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông báo một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.  - Sputnik Việt Nam
Việt Nam lên án nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông

Để đối phó với những hành động sai trái của Trung Quốc, Giáo sư Diến cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên giải quyết tranh chấp trên Biển Đông dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, dựa trên các cơ sơ pháp lý bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc, UNCLOS, thỏa thuận giữa ASEAN với Trung Quốc và nhận thức chung của lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Giáo sư Diến khẳng định: “Các biện pháp pháp lý là giải pháp căn cơ, bền vững và lâu dài, văn minh, phù hợp với sự thật khách quan, phù hợp với xu thế chung của nhân loại và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là giải pháp ưu việt nhất, tối ưu nhất, là “bảo kiếm”, là “nỏ thần” của Việt Nam thời hiện đại. Việc chậm trễ sử dụng các biện pháp pháp lý có thể khiến chúng ta phải trả giá nặng nề hơn”.

Tranh chấp lãnh thổ Biển Đông

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gồm các tranh chấp về đảo và vùng biển. Quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa là hai quần đảo trên các rạn san hô ở Biển Đông, trong đó quần đảo Hoàng Sa đang là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan. Quần đảo Trường Sa là nơi tranh chấp chủ quyền của 6 quốc gia và lãnh thổ: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei; các quốc gia này tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала