Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam hôm nay có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, các Bộ: NN&PTNT, Ngoại giao, Quốc phòng về việc lên án, phản đối hành động của Trung Quốc vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam, gây ảnh hưởng và cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động khai thác hải sản trên lãnh thổ vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo phản ánh của nhiều hội viên, ngư dân vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong thời gian qua nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông (gần bãi Tư Chính) gây cản trở công việc khai thác hải sản của ngư dân tại vùng biển này.
Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt lên án và phản đối hành động của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam, gây ảnh hưởng, cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hội đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam có các biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức nhóm tàu Hải Dương 8 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Hội cũng đề nghị cơ quan chức năng chỉ đạo tăng cường các lực lượng tuần tra, giám sát trên biển để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ cho ngư dân. Có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân hoạt động trên biển.
Vụ Bãi Tư Chính
Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và do đó hoàn toàn không nằm trong vùng biển tranh chấp song Trung Quốc lại cho rằng bãi này nằm trong cái gọi là “Đường 9 đoạn” - một yêu sách phi lý đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế tuyên là vô hiệu nhưng Bắc Kinh hoàn toàn phớt lờ. Gần đây, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc đã có các hoạt động vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông này.
Ý kiến của Bộ Ngoại giao Việt Nam
Về phía Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng hôm 25/7 khẳng định:
"Về vụ việc nghiêm trọng này, chúng tôi đã đề cập nhiều lần trong các phát biểu trước đây. Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đã được xác lập tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế".
Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật.