Thông tin này được ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tại cuộc họp báo chuyên đề vừa diễn ra sáng nay, 30-7. Nội dung cuộc họp báo là thông tin về kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2019.
Sau phần báo cáo kết quả của Ban Chỉ đạo 389, báo chí đặt nhiều câu hỏi. Trong đó có vấn đề về vụ việc Asanzo, hàng Trung Quốc vào Việt Nam, hàng giả xuất xứ Việt Nam được báo giới đặt ra.
Ông Đàm Thanh Thế cho hay: Ban chỉ đạo 389 đã giao các lực lượng chức năng như công an, tài chính, hải quan, thuế… xem xét vụ việc này. Các cơ quan đang tập trung làm rõ hành vi đúng sai của Asanzo.
“Kết quả sẽ được thông báo cho các cơ quan truyền thông với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, khách quan, toàn diện. Nếu Asanzo có hành vi vi phạm phải xử lý nghiêm bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng như lợi ích người tiêu dùng”, ông Thế nói và khẳng định lại vụ việc này đang được chỉ đạo quyết liệt.
Về vấn đề hàng giả, không rõ nguồn gốc, hàng dán nhãn mác Việt Nam, ông Thế nói Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã thấy, đã có văn bản yêu cầu cơ quan thường trực 63 tỉnh thành tập trung rà soát đánh giá, báo cáo Ban chỉ đạo 389 quốc gia.
“Thời gian này, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo. Mới đây, Ban chỉ đạo 389 quốc gia vừa có kế hoạch đấu tranh tăng cường chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn mác xuất xứ Việt Nam. Kế hoạch này do Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Phó trưởng ban 389 ban hành. Kế hoạch nêu rõ mục đích yêu cầu nội dung, giao cho các lực lượng chức năng thực hiện, ngăn chặn không để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo nhãn mác tiếp tục hoành hành”, ông Thế thông tin.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Chính phủ cũng đã phân định rõ chức năng nhiệm vụ các bộ ngành, địa phương. Theo đó, cửa khẩu thuộc trách nhiệm của hải quan, ngoài biên giới, đường bộ trách nhiệm của biên phòng, trên biển thuộc trách nhiệm của cảnh sát biển, trong quản lý lưu thông hàng hóa nội địa thì thuộc trách nhiệm quản lý thị trường…
Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho hay: tình trạng buôn bán, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đặc biệt khu vực đô thị, với nhiều mặt hàng như: xăng dầu. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng bách hóa tiêu dùng, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu.
Hoạt động buôn bán hàng hóa qua mạng Internet diễn ra rất phổ biến nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị trà trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dung.
“Hiện các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp để đấu tranh ngăn chặn tình trạng này”, báo cáo cho hay.
Vụ Asanzo
Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá hưởng ưu đãi thuế quan nhưng chưa áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam.
Theo quy định hiện hành ở Nghị định 43/2017, hàng hoá lưu thông trong nước bắt buộc phải dán nhãn tên người sản xuất, tổ chức cá nhân, xuất xứ hàng hoá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tự xác định và có trách nhiệm với thông tin về xuất xứ mình đưa ra.
Trước đó, theo điều tra của báo Tuổi Trẻ TP HCM, Asanzo đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Asanzo khẳng định không có chuyện bóc tem Trung Quốc rồi dán tem Việt Nam lên. Theo ông Tam, Tivi Asanzo có 3 linh kiện được nhập từ Trung Quốc gồm: bo mạch, tấm panel và tấm kính (màn hình) chiếm khoảng 70% trên toàn sản phẩm. Còn tất cả chi tiết khác như là vỏ nhựa, remote điều khiển... do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.