Theo ông Lighthizer, các biện pháp mà Việt Nam nên thực hiện bao gồm “tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ và giải quyết các hạn chế về khả năng tiếp cận thị trường liên quan tới hàng hóa, dịch vụ, nông sản và sở hữu trí tuệ”.
Sự bất mãn của Washington là điều dễ hiểu. Theo Cơ quan Thống kê Dân số Hoa Kỳ, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt gần 40 tỷ USD vào năm ngoái, mức cao kỷ lục trong 18 năm qua. Trong năm tháng đầu năm nay, thặng dư đã vượt quá con số năm ngoái và lên tới 21,6 tỷ đô la. Điều này phần lớn là do việc nhiều cơ sở sản xuất đã chuyển sang Việt Nam từ Trung Quốc, ngoài ra Việt Nam gia tăng xuất khẩu hàng hóa để thay thế Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tình huống này là cơ sở để Tổng thống Donald Trump gọi Việt Nam là "kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”.
Hậu quả của sự kháng cự
Thời kỳ Washington tự mãn với Hà Nội đã kết thúc. Đây là đánh giá của Giáo sư Vladimir Mazyrin, chuyên gia hàng đầu của Nga về nền kinh tế Việt Nam đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Về mặt địa chính trị, Hoa Kỳ đã nhận được từ Việt Nam mọi thứ họ muốn, đã biến Việt Nam thành đồng minh của họ trong sự đối đầu với Trung Quốc, bây giờ Mỹ có ý định hành động nghiêm túc. Nếu Việt Nam cứ "ngoan cố" thì không thể chờ đợi bất cứ điều gì tốt, cả về chính trị hay kinh tế. Hà Nội có thể mất sự hỗ trợ của Washington trên trường quốc tế. Việt Nam sẽ không thể dựa vào Hoa Kỳ trong các vấn đề quan trọng, chủ yếu là trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Trong kinh tế, Mỹ có thể áp dụng mức thuế cho hàng hóa Việt Nam tương tự như cho hàng hóa Trung Quốc. Hoa Kỳ có cả những đòn bẩy khác.
Hà Nội và Washington đang đàm phán về hiệp định thương mại tự do song phương. Việt Nam rất quan tâm đến thỏa thuận này để giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm của mình trên thị trường Mỹ, để thâm nhập hoàn toàn vào thị trường rộng lớn này. Đây là nội dung trong chính sách ngoại thương của Hà Nội, đặc biệt là với các đối tác chính. Và trong lĩnh vực này Hoa Kỳ cũng có thể dễ dàng đưa ra các điều kiện riêng. Họ sẽ đưa vào thỏa thuận này những yêu sách chính trị, như đã được ghi trong văn bản TPP đầu tiên theo sáng kiến của Mỹ: quyền tự do công đoàn, các tập đoàn đa quốc gia có quyền ưu tiên khi giải quyết các vụ kiện trong toà trọng tài quốc tế đứng trên pháp luật quốc gia, luật pháp môi trường nghiêm ngặt, bảo vệ sở hữu trí tuệ, chủ yếu là của Mỹ, mà điều đó là rất quan trọng trong thương mại dịch vụ, vv. Tất cả điều này sẽ buộc Hà Nội phải nhượng bộ. Việc Việt Nam được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường cũng là một vấn đề quan trọng, và Mỹ sẽ sử dụng điều này như một món hàng thương lượng.
Tổn thất cho nền kinh tế Việt Nam
Nếu Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của Hoa Kỳ, thì có thể gây thiệt hại lớn cho một số lĩnh vực của nền kinh tế quốc gia, Giáo sư Mazyrin nói tiếp. Ví dụ, nhập khẩu từ Hoa Kỳ sẽ tăng thêm 20 tỷ USD và lên đến 33 tỷ USD, tức là hơn một phần bảy tổng nhập khẩu của đất nước trong năm 2018. Điều này có nghĩa là những hàng hóa mà Việt Nam sản xuất để thay thế hàng nhập khẩu tại các xí nghiệp liên doanh trên lãnh thổ nước mình, sẽ phải được thay thế bằng sản phẩm của Mỹ, chủ yếu là các sản phẩm công nghệ cao. Ở một mức độ nào đó, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến hợp tác Nga-Việt, ví dụ, trong lĩnh vực năng lượng. General Electric sẽ “xâm chiếm” khắp ngóc ngách Việt Nam với các sản phẩm của họ.
Một lĩnh vực quan trọng là hàng không dân dụng. Trong các chuyến thăm cấp cao tới Hoa Kỳ hoặc tới Việt Nam, hai bên ký kết các thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la về mua máy bay Mỹ cho các công ty hàng không Việt Nam. Nhưng đây là cho thuê chứ không phải là mua hàng. Mỹ có thể bất cứ lúc nào ép buộc VietJet Air phải mua các chiếc máy bay và công ty không có tiền để làm như vậy. Điều này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty.
Vì vậy, ban lãnh đạo Việt Nam sẽ phải giải quyết những vấn đề rất khó khăn. Nhưng, các nhà lãnh đạo Việt Nam được biết đến với sự khôn ngoan và khả năng duy trì cân bằng. Có lẽ, họ sẽ tìm được một sự lựa chọn để né tránh những mất mát lớn, chuyên gia Nga kết luận.