Kỷ niệm 5 năm ngày hy sinh của phóng viên Andrei Stenin – gặp gỡ phóng viên chiến trường chống Mỹ Chu Chí Thành
Ngày 6/8 kỷ niệm 5 năm ngày hy sinh của phóng viên chiến trường Andrei Stenin. Andrei Stenin là phóng viên ảnh chuyên về những sự kiện khẩn cấp, bạo loạn, xung đột quân sự. Anh đã từng tác nghiệp ở Syria, Gaza, Ai Cập, Libya, Thổ Nhĩ Kỳ và các khu vực khác. Anh hy sinh khi đang tác nghiệp tại Ukraina, là nhà báo Nga thứ tư bị giết trong cuộc xung đột vũ trang ở miền đông Ukraina. Cái chết của Stenin đã gây ra tiếng vang lớn trong cộng đồng. Theo sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin, Andrei Stenin đã được truy tặng Huân chương Dũng cảm.
Để hiểu hơn về điều kiện tác nghiệp đặc biệt của những phóng viên chiến trường, Sputnik đã có cuộc phỏng vấn ông Chu Chí Thành, một cựu phóng viên ảnh chiến trường của Thông Tấn xã Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cựu Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông Chu Chí Thành đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2012) với cụm tác phẩm "Từ ngục tối thắng lợi trở về”. Với sự nhạy cảm của một phóng viên chiến trường, phóng viên ảnh Chu Chí Thành đã chụp được nhiều bức ảnh chân thực, phản ánh khát vọng hòa bình, thống nhất và hòa hợp dân tộc. Và chắc chắn, một phóng viên chiến trường như ông sẽ có những chia sẻ đầy ý nghĩa là lý thú về nghiệp làm báo của những phóng viên chiến trường.
Chiến tranh là ghê rợn, tàn phá và đau thương
Sputnik: Cảm ơn ông đã giành thời gian cho Sputnik.
Ông Chu Chí Thành, Cựu phóng viên chiến trường của Thông Tấn xã Việt Nam
Đó là buổi trưa một ngày oi bức của tháng 5 năm 1968 tại xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh linh, tỉnh Quảng Trị, phía Bắc khu phi quân sự, thuộc vĩ tuyến 17. Nơi đây bị bom đạn Mỹ dội xuống hàng ngày. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn bám trụ sản xuất và chiến đấu kiên cường. Những hố bom cũ, hố bom mới chồng chất lên mhau,nối tiếp nhau thành một vùng hồ ao rộng mênh mông xen kẽ những vạt lúa xanh rì, những bụi tre cháy xém,những căn hầm thay nhà ở lô nhô quanh làng. Trong miệng những hố bom ngập nước ấy có các đàn vịt trắng bơi lội tung tăng gợi cho tôi một cảm giác yên ắng hoang dã giữa cái sống và cái chết. Tôi và nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng đến đây bằng xe đạp, gặp đoạn đường hỏng thì vác xe lên vai, đi vòng qua miệng hố bom, đến đoạn đường còn nguyên vẹn thì lại đạp xe băng băng.
Chúng tôi đến trụ sở Ủy ban xã trình giấy tờ rồi phân công nhau mỗi người một việc. Lương Nghĩa Dũng ra ngoài làng trên đồi cao chụp đơn vị pháo cao xạ trực chiến. Tôi chụp dân quân tự vệ sản xuất ở trong làng. Vừa kịp uống xong bát nước chè tươi, chưa được miếng cơm trưa vào bụng, vậy mà, máy bay Mỹ đã ập đến dội bom. Tôi vội vàng xuống hầm của Ủy ban xã trú ẩn. Một mình ngồi trong căn hầm rộng dài chờ hết đợt bom nổ thì ra. Nhưng bom nổ rất rền kéo dài liên tục. Nhìn ra cửa hầm, tôi thấy một con lợn trúng mảnh bom chết ngay ở cửa hầm. Mấy phút sau, một con gà dò bước đến mổ vào vết thương con lợn đầy máu, nó vô tư có một bữa ăn lạ ngon lành... Nhưng ngay sau đó có tiếng bom bi nổ lục bục, con gà lăn ra chết cạnh con lợn. Lúc ấy tôi mới biết mình đang trong vòng tọa độ lửa của máy bay B52 rải thảm bom. Một ý nghĩ ghê rợn mơ hồ thoáng qua: Liệu mình có cùng số phân với những con vật sấu số kia hay không ? Và cứ chờ, cứ chờ xem bom có trúng hầm hay không? Một tiếng bom nổ rất gần, trầm và nặng giật đứt dây màn căng trong hầm. Tôi bị choáng, tai ù đặc, thiếp đi một lúc. Bỗng thấy mùi dầu hỏa xộc lên mũi, thì ra cái đèn dầu hỏa bị trấn động mạnh đã đổ ra sàn hầm, dầu hỏa chẩy ra bốc mùi nồng nặc đã làm tôi tỉnh dậy. Tôi thấy đầu hầm phía bên kia bị hở toang hoác do quả bom vừa nổ đã hất tung ụ đất đắp trên góc hầm!
Tôi nghe ngóng, tất cả lại trở về im ắng. Ba đợt bom rải thảm đã qua. Tôi biết mình còn sống. Một cô dân quân chạy qua hầm, hớt hải gọi: Anh nhà báo, anh có làm sao không? Tôi trả lời: Không! Tôi không sao cả. Thế là cô bỏ đi cứu hộ các hầm khác. Ít phút sau Lương Nghĩa Dũng chạy về trụ sở Ủy ban xã gọi tướng lên: Đồng chí Thành, có làm sao không? Nghe tiếng anh, tôi mừng quá, trả lời: Không!, Không sao cả, Thế là tôi từ trong hầm lóp ngóp bò ra. Nghĩa Dũng ôm trầm lấy tôi, nói: Chú mày không sao, thế là tốt rồi. Thôi, máy ảnh đâu, chụp khắc phục hậu quả nhá. Lúc ấy tôi mới hết bàng hoàng...
Những khó khăn của tác nghiệp trên chiến trường chống Mỹ
Sputnik: Chắc ngày đó là một ngày không thể nào quên trong thời gian làm phóng viên chiến trường của ông. Trong điều kiện chiến trận như vậy, thì những khó khăn của tác nghiệp ở chiến trường là gì, thưa ông?
Những năm ấy đất nước chúng tôi còn thiếu thốn đủ thứ, nghèo và lạc hậu trong mọi lĩnh vực.Tuy nhiên, có những gì tốt nhất đều dồn cho chiến trường. Chúng tôi, những nhà báo chiến trường được ưu tiên nhiều thứ. Gạo, thực phẩm nhiều hơn cán bộ ở tuyến sau, máy ảnh loại tốt hơn, phim chụp ảnh nhiều hơn, được mua xe đạp đi công tác v,v... Phóng viên ở ngoài Miền Bắc gặp khó khăn ít hơn ở Miền Nam. Tuy nhiên, khi tác nghiệp cũng đầy nguy hiểm và trở ngại. Ở Hà Nội, mỗi khi máy bay Mỹ đến oanh tạc đều có báo động, mọi người chạy xuống hầm trú ẩn, còn phóng viên ảnh chạy ngược lên gác thượng để chụp máy bay Mỹ bị bắn rơi, và quan sát nơi nào bị bom đạn để tìm đến chụp ảnh. Cái khó nhất là thiếu phương tiện đi lại, Ô tô cho phóng viên đi tác nghiệp rất it, chủ yếu là đi bộ và xe đạp. Ảnh chụp sự kiện xẩy ra cách Hà Nội từ 50 km trở lên, thường không kịp đưa lên báo in ra sáng hôm sau, hạn chế nhiều tới tính thời sự nóng hổi. Lúc ấy, chúng tôi dùng máy ảnh Exackta, Pratica do Cộng hòa Dân chủ Đức viên trợ. Đó là loại máy ảnh cơ, chụp kiểu một. Gần cuối cuộc chiến, tôi mới được trang bị bộ máy ảnh Milonta kèm một ống kính Tele và một ống kính góc rộng sản xuất tại Nhật bản. Do chụp máy ảnh cơ, thao tác chậm, nên nhiều khi lỡ mất những thời điểm vàng tạo ra những bức ảnh sinh động, giá trị. Muốn có ảnh chân thật phải lao vào vùng chiến sự, chụp cảnh pháo cao xạ nổ súng bắn máy bay Mỹ, cảnh Mỹ dội bom, cảnh xe vận tải vượt gềnh thác, cảnh thanh niên xung phong mở đường v.v ... Do chiến sự ác liệt nên đã có nhiều phóng viên bị thương và hy sinh. Riêng Thông tấn xã Việt Nam có trên 250 phóng viên, và cán bộ hy sinh vì sự nghiệp thông tấn báo chí. Chụp xong các sự kiện xa Hà Nội, phóng viên tự tráng phim dưới hầm trú ẩn, phơi phim khô, viết chú thích, gói trong giấy chống ẩm hoặc bao nynon gửi qua bưu điện, hoặc đường quân bưu về Ban biên tập ở Hà Nội. Có nhiều bao bì phim ảnh mất hàng tuần mới chuyển tới Thủ đô.
Chiến trường là một môi trường tác nghiệp hấp dẫn
Sputnik: Mặc dù tác nghiệm trong những điều kiện khó khăn, gian khổ, nguy hiểm như thế, nhưng chắc chiến trường là một môi trường tác nghiệp hấp dẫn...
Ông Chu Chí Thành, Cựu phóng viên chiến trường của Thông Tấn xã Việt Nam
Đối với tôi cái hấp dẫn nhất là sức chiến đấu kiên cường, tinh thần lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của người chiến sĩ quân đội nhân dân việt Nam, của thanh niên xung phong, của mọi người dân phục vụ chiến đấu. Cái đáng quí nhất là tình thương yêu đồng đôi, giành khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn của mọi ngưởi mặt trận. Và đặc biệt là tình cảm tốt đẹp quí mến của họ dành cho phóng viên báo chí. Tới đâu phóng viên cũng được chăm sóc ăn,ở chu đáo, nhất là sự an toàn. Khi tác nghiệp có bộ đội đi kèm bảo vệ và hỗ trợ.
Sputnik: Hôm nay, nhân kỷ niệm 5 năm ngày hy sinh của phóng viên chiến trường Andrei Stenin, chúng ta dành những phút giây tưởng niệm anh, và cả trên 250 phóng viên của TTXVN đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ, và những phóng viên chiến trường khác, những người đã cho những hình ảnh chân thực, thời sự về chiến tranh, với thông điệp khát khao hòa bình. Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã trả lời phỏng vấn cho Sputnik.