“Người cây” Việt Nam với 40 năm mang bệnh
Nạn nhân của căn bệnh quái ác này chính là anh Nguyễn Văn Sơn 48 tuổi ngụ tại xóm Tân Sơn, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Anh đã phải chịu đựng bệnh tật suốt 40 năm qua.
Hoàn cảnh gia đình anh Sơn vô cùng khó khăn. Bố là liệt sĩ đi B rồi hy sinh năm 1972. Trong căn nhà chật hẹp chỉ với 20m vuông, hai mẹ con dựa nhau sống qua ngày.
Mẹ anh Sơn, bà Nguyễn Thị Dệt thuật lại về căn bệnh của đứa con bất hạnh. Từ khi chào đời, thân thể yếu, ở trên lòng bàn chân xuất hiện mắt cá chân. Rồi mắt cá chân cứ lan dần sang chân phải. Đến khi 10 tuổi, vùng mắt cá ở chân bắt đầu nổi mụn cóc, xù xì ra, mềm rồi khô cứng lại. Mụn cóc chai sần, nứt nẻ khiến bàn tay và bàn chân của nạn nhân dần biến dạng. Anh Sơn đau, không tự mình đi lại, tắm rửa hay ăn uống được.
Lớp sừng ở lòng bàn chân, bàn tay của người đàn ông mọc ra như rễ cây và khi già thì rụng khiến anh Sơn vô cùng đau đớn. Căn bệnh cứ thế hành hạ anh. Người mẹ cũng đau ốm quanh năm.
Anh đau nhiều, nhất là khi đi lại. Mỗi lần đặt chân xuống đất là lại đau thấu xương. Anh Sơn đi lại bằng đầu gối trong mọi hoàn cảnh thời tiết. Chạy bão cũng bằng đầu gối.
Ở quê, hai mẹ con tìm đủ mọi cách, vái tứ phương để chữa bệnh. Năm 2000, anh có thăm khám ở Bạch Mai, rồi qua Bệnh Viện Y học cổ truyền Trung ương nhưng đều không có kết quả.
Như bao người đàn ông khác, anh cũng mong muốn có được tổ ấm gia đình, có người đỡ đần chăm sóc, nhưng người phụ nữ nào thấy anh cũng ái ngại. Chỉ còn người mẹ luôn bên anh, nấu nướng, cơm nước cho con. Mẹ con chỉ sống dựa vào tiền lương từ vợ liệt sĩ. Hoàn cảnh gia đình vô cùng éo le.
Hiện tượng “người cây” đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam
Theo ý kiến của BS da liễu tại Hà Nội- TS Lê Anh Tuấn, bệnh của anh Sơn chính là “người cây”. Hội chứng này là hệ quả của chứng rối loạn da di truyền đặc biệt hiếm gặp ở da có liên quan đến nguy cơ ung thư da cao. Nó được đặc trưng bởi tính mẫn cảm bất thường đối với các papillomavirus ở người (HPV) của da. Sự lây nhiễm HPV không kiểm soát được dẫn đến sự phát triển của các vảy, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân. Nguyên nhân của tình trạng này là một đột biến PH bất hoạt trong các gen EVER1 hoặc EVER2, nằm gần nhau trên nhiễm sắc thể 17.
Vị bác sĩ lý giải: Vì nhiễm trùng HPV lan rộng đưa đến các tổn thương da, gây sùi lòng bàn tay, bàn chân và các vùng tiếp xúc với ánh sáng, khiến nạn nhân trông giống như người mang rễ cây sần sùi.
Hiện y khoa thế giới chỉ mới ghi nhận 501 trường hợp mắc bệnh “người cây” kể từ ca đầu tiên được phát hiện và mô tả bởi Lewandowsky năm 1922. Như vậy ca của anh Sơn có thể coi là bệnh nhân thứ 502 trên toàn cầu và đầu tiên ở Việt Nam.
Theo BS Tuấn, hiện trên thế giới vẫn chưa có phác đồ điều trị triệt để chống lại EV.
Tiến trình điều trị cũng rất phức tạp. Hiện vị TS đang tiến hành xét nghiệm gen và virus cho bệnh nhân. Sau khi có kết quả sẽ xem xét các phương pháp thích hợp.
Theo các chuyên gia y tế, quan trọng nhất, sự hiểu biết của người bệnh, chẩn đoán sớm, và cắt bỏ các tổn thương khối u được xem là giải pháp ưu tiên để ngăn chặn sự phát triển của các khối u da.
Những trường hợp bệnh “người cây” đáng chú ý trên thế giới
Vào tháng 1 năm 2016, một bệnh nhân 25 tuổi tên là Abul Bajandar từ Khulna, Bangladesh đã được nhận vào trường Cao đẳng Y tế Dhaka và được chẩn đoán mắc bệnh này. Các bác sĩ tại bệnh viện quyết định thành lập một ban y tế để điều trị bệnh nhân. Trong năm sau, Bajandar trải qua ít nhất 16 ca phẫu thuật để loại bỏ mụn cóc - nặng hơn 5 kg (11 lb) - từ bàn tay, bàn chân và chân của mình.
Không chỉ bị khó khăn trong sinh hoạt, anh cũng bị mọi người xung quanh kỳ thị, xa lánh.
Từ năm 2016, trải qua 25 lần phẫu thuật, mong muốn cắt bỏ mụn cóc và điều trị triệt để căn bệnh. Tuy nhiên vào tháng 5/2018 bệnh lại tái phát khiến Bajandar vô cùng đau đớn.
“Tôi đã yêu cầu bác sĩ cắt bỏ hai bàn tay, ít nhất cách này cũng giúp giải tỏa những cơn đau”, Bajandar nói.
Yêu cầu của anh đã được BS thẩm mỹ Samanta Lal Sen và một hội đồng gồm 7 bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y khoa Dhaka ở thành phố Dhaka (Bangladesh) thảo luận, cân nhắc nhiều phương án.
Một trường hợp khác là cậu bé Ripon Sarker (Bangladesh) bắt đầu mắc bệnh người cây từ khi 3 tuổi, nhưng đến năm 7 tuổi bác sĩ mới xác định chính xác căn bệnh cho em.
Cơ thể cậu bé nổi đầy mụn cóc cứng, vảy, sinh hoạt, đi lại, ăn uống vô cùng đau đớn.
"Cháu đi lại rất khó khăn và không thể tự tắm rửa hay cầm được thức ăn bằng tay. Cháu cũng không có bạn bè, thậm chí phải nghỉ học thường xuyên", Ripon cho biết.
Các bác sỹ đều bày tỏ hy vọng sau phẫu thuật tình trạng của Ripon sẽ khá hơn, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên cha mẹ không thể đưa cậu đi điều trị sớm được.