Josef Resch nói, ông sẽ làm như vậy nếu cuộc điều tra quốc tế do Văn phòng công tố Hà Lan dẫn đầu không đáp ứng yêu cầu lặp đi lặp lại của ông về việc tiếp nhận những bằng chứng này.
Chưa rõ họ tên
Trước đó, Josef Resch từng cố gắng chuyển cho Hà Lan, nước có Văn phòng Công tố lãnh đạo Nhóm điều tra chung (JIT) những tư liệu mới về thảm họa MH17, chưa được tính đến trong tuyên bố cuối cùng của JIT hồi tháng 6, nhưng ông chỉ nhận được lời từ chối của phía Hà Lan, vì ông nêu điều kiện cần công bố bằng chứng trong sự hiện diện của báo chí-truyền thông.
“Bây giờ tôi cùng với luật sư của tôi sẽ viết thêm một lần nữa cho JIT, điều này sẽ được phát tán ở tầm thế giới và chúng ta sẽ xem phản ứng thế nào. Tôi không thể ép buộc bất cứ ai từ JIT hoặc từ đâu đó chấp nhận những bằng chứng này... Nhưng có thể cho rằng nếu JIT vẫn không muốn tiếp thu bằng chứng, thì khi đó tôi sẽ công khai cùng với Malaysia, với Nga hay bất kỳ quốc gia nào liên quan đến vụ việc này và muốn tham gia... Sẽ là công khai, với bất kỳ Nhà nước nào muốn tham gia", - Josef Resch tuyên bố.
Nói đến những nhân vật cụ thể chịu trách nhiệm về thảm họa, thám tử lưu ý rằng "khi công khai mọi thứ… sẽ trình bày rõ đó là ai... với tên họ đầy đủ”. Tuy nhiên, ông từ chối gọi ra những danh tính đó bây giờ.
Hình ảnh từ vệ tinh của Mỹ
Thám tử Josef Resch tuyên bố rằng ông muốn thu hút cả các quốc gia khác vào việc nghiên cứu những bằng chứng của ông, gồm Hà Lan, Ukraina, Malaysia, Australia, Đức, Bỉ và Hoa Kỳ.
"Hình ảnh từ các vệ tinh đang sẵn có, những bức ảnh mà dường như không còn ở Hoa Kỳ nữa ... Những ảnh này cũng sẽ được công khai”, - Josef Resch nói và thêm rằng hình ảnh vệ tinh "tất nhiên đóng vai trò" trong cuộc điều tra. Ông đã lưu ý đến phản ứng không nhất quán của JIT về vấn đề này, vì rằng trước đó "người ta liên tục nói rằng ảnh từ vệ tinh là cần thiết, nhưng vào một thời điểm thì ảnh lại không cần đến nữa, bởi rõ ràng đã không còn quan trọng".
Sẵn sàng làm nhân chứng tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR)
Theo thám tử Josef Resch, chính phủ CHLB Đức đã được thông báo về thực tế che giấu thông tin trong vụ tai nạn MH17, mặc dù có cả những khẳng định ngược lại, và tên họ của nhân vật có lỗi che giấu được chỉ ra trong các bằng cứ do ông thu thập.
Josef Resch tuyên bố trong cuộc phỏng vấn rằng ông sẵn sàng điều trần tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) với tư cách nhân chứng trong vụ kiện của gia đình các nạn nhân vụ tai nạn MH17 trên vùng trời Donbass tháng 7 năm 2014, nếu như tiến trình tư pháp như vậy được tổ chức.
Trước đó, luật sư người Đức Elmar Giemulla thông báo với Sputnik rằng ông sửa soạn đưa Josef Resch tham gia vụ án MH17 tại ECHR nếu Tòa án chấp nhận đơn kiện. Luật sư Giemulla đại diện cho quyền lợi của thân nhân 4 công dân CHLB Đức thiệt mạng trong thảm kịch MH17.
Trò đùa
Josef Resch cũng kể rằng trong năm 2016 ông bị thẩm vấn tại Văn phòng Cảnh sát Hình sự Liên bang ở Köln và tại Tòa án Liên bang ở Karlsruhe với sự tham gia của Thẩm phán Renate Wimme và đại diện Tổng Chưởng lý Christian Ritscher.
"Điều đập vào mắt là vụ án rất lộn xộn và họ (đại diện của Tổng Công tố Đức) nói với luật sư của tôi rằng: hãy cứ để ngài Resch nói rằng đó là một trò đùa, và họ sẽ gửi mọi thứ sang Hà Lan, tất cả sẽ hài lòng và mọi chuyện chấm dứt”, - thám tử nói. Theo lời Josef Resch, đề xuất như vậy khiến ông bị sốc, bởi "không được phép đùa cợt với cái chết của 298 con người".
"Và khi đó tôi thấy ngờ vực, liệu rằng họ có tin vào những gì chính họ đang làm hay chăng”, - Josef Resch nói.
Cuộc điều tra của thám tử Resch
Josef Resch nhận điều tra vụ tai nạn của MH17 kể từ năm 2014. Bên đặt hàng mà Resch không nêu tên do các điều khoản trong hợp đồng, đã đề xuất mức thưởng thoạt tiên là 30 triệu, và sau đó thêm 17 triệu USD cho những thông tin về nguyên nhân thảm kịch.
Vào giữa năm 2015, có một nguồn cung cấp cho thám tử những thông tin giá trị. Đổi lại, người này đã nhận phần thưởng trị giá 15,5 triệu USD tiền mặt bằng ba loại tiền tệ khác nhau - euro, USD và đồng franc Thụy Sĩ. Theo lời Josef Resch, ông nhiều lần nhận những lời đe dọa nặc danh liên quan đến cuộc điều tra. Ngoài ra, đã có cuộc lục soát căn hộ của ông, cả hộp kín trong ngân hàng lưu giữ những tài liệu về vụ MH17 cũng đã được mở ra ở Thụy Sĩ theo đòi hỏi của Hà Lan.
Thảm kịch với MH17
Chiếc máy bay Boeing của Malaysia, bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur trong chuyến bay số hiệu MH17, đã bị rơi ngày 17 tháng 7 năm 2014 ở ngoại vi Donetsk. Trên khoang có 298 người, tất cả đều thiệt mạng. Kiev cáo buộc lực lượng dân quân gây ra thảm họa, còn phía này phản bác rằng họ không có phương tiện nào đủ sức bắn trúng máy bay ở độ cao như thế. Nhóm điều tra chung dưới sự lãnh đạo của Tổng Công tố Hà Lan mà không có sự tham gia của LB Nga đang điều tra các tình tiết của vụ tai nạn, sau đó trình bày kết quả tạm thời. Chuyên viên điều tra khẳng định rằng máy bay Boeing đã bị bắn rơi vì hệ thống tên lửa phòng không “Buk” thuộc Lữ đoàn tên lửa phòng không số 53 của Lực lượng Vũ trang Nga từ Kursk. Theo tuyên bố của Phó Tổng Công tố Nga Nikolai Vinnichenko, phía Nga đã chuyển cho Hà Lan không chỉ các dữ liệu của radar Nga mà còn cả tài liệu chứng tỏ tên lửa “Buk” bắn trúng máy bay Boeing là vũ khí của Ukraina. Thế nhưng thông tin này đã bị các nhà điều tra bỏ qua.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng các cáo buộc của JIT về sự dính líu của Nga trong vụ tai nạn máy bay Boeing của Malaysia là đáng tiếc vì vô căn cứ, thiên vị và một chiều. Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý rằng người ta không cho Nga tham gia điều tra vụ tai nạn máy bay ở miền đông Ukraina, còn Matxcơva có thể thừa nhận kết quả điều tra nếu được tham gia đầy đủ vào quá trình này. Toàn bộ các tên lửa, động cơ mà Ủy ban Hà Lan điều tra vụ tai nạn MH17 trưng ra thì trên thực tế đều đã bị loại bỏ từ sau năm 2011, - Bộ Quốc phòng Nga thông báo. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nhiều lần tuyên bố rằng Nga kiên quyết bác bỏ những cáo buộc cho rằng Nga dính líu đến vụ tai nạn máy bay Boeing của Malaysia.
Kết luận tháng 6 của JIT
Hồi tháng 6, nhóm điều tra quốc tế về thảm kịch rơi máy bay MH17 đã công bố tên họ của bốn nghi phạm. Theo tuyên bố, trong số các nghi phạm có người Nga là Igor Girkin, Sergei Dubinsky và Oleg Pulatov, cũng như người Ukraina Leonid Kharchenko. Điều tra viên cho rằng những đối tượng này tham gia chuyển hệ thống tên lửa phòng không “Buk” tới trận địa ở Donbass và trong sự kiện vụ tấn công vào chiếc Boeing của Malaysia, như các đại diện JIT tuyên bố, những đối tượng này sẽ bị buộc tội giết người, cơ quan điều tra sẽ phát lệnh truy nã quốc tế. JIT cũng thông báo rằng phiên tòa xử vụ tai nạn MH17 sẽ diễn ra ở Hà Lan, bắt đầu vào ngày 9 tháng 3 năm 2020.