Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, nhà sinh lý học thần kinh ở trường Đại học Florida (Mỹ) Leonid Moroz, và giáo sư Konstantin Krutovsky từ Đại học Göttingen (Đức), người đứng đầu Trung tâm khoa học và giáo dục nghiên cứu bộ gen tại Đại học Liên bang Siberia, nói lên ý kiến này.
Các nhà khoa học nhận xét, hiện nay nhân loại chỉ khám phá ra một phần nhỏ đáy đại dương, và biết về đại dương ít hơn về mặt trăng, mặc dù 71% bề mặt Trái đất được bao phủ bởi các đại dương. Dự án “Đại dương” được phát triển dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Leonid Moroz sẽ giúp giải quyết vấn đề này.
“Cả hiện nay và trong tương lai, hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu loài sinh vật biển (có lẽ chúng ta chỉ biết được khoảng 10%) xác định tình hình sức khỏe của hành tinh chúng ta. Chúng ta đã mất nhiều loài sinh vật và sẽ mất nhiều hơn nữa, mà thậm chí không có dữ liệu khoa học về những sinh vật sống trong đại dương và trên đáy đại dương”, - nhà khoa học Leonid Moroz nhận xét và nói thêm rằng, mục tiêu chính của dự án Đại dương là tìm hiểu rõ hơn và cứu lấy hành tinh này.
Theo kế hoạch, trong khuôn khổ dự án này sẽ tổ chức các cuộc thám hiểm nghiên cứu đại dương vòng quanh thế giới với mục tiêu tạo ra một bản đồ gen của tất cả các loài sinh vật sống trong đại dương. Các tác giả của dự án dự kiến sẽ tiến hành nghiên cứu, bao gồm giải trình tự bộ gen, trực tiếp trên tàu biển. Điều này sẽ cho phép mô tả các loài sinh vật không thể được chuyển đến phòng thí nghiệm truyền thống: ví dụ, các sinh vật dưới biển sâu, sinh vật hiếm hoặc dễ bị hư hại.
Nga, với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo dự án quốc tế, có khả năng trong vòng 5-7 năm thu thập khối lượng dữ liệu khoa học về các đại dương và cuộc sống trên hành tinh chúng ta nhiều hơn kiến thức của toàn bộ nhân loại tích lũy được trong các thế kỷ trước. Kết quả này có thể đạt được nhờ đường bờ biển dài nhất của Nga, lãnh thổ ven biển rộng lớn, cũng như đội tàu khoa học độc đáo.
Theo các nhà khoa học, việc thực hiện dự án với chi phí khá thấp sẽ cho phép thực hiện bước đột phá và sẽ có hiệu quả toàn cầu với nhân loại, sánh ngang với các dự án vũ trụ trong thập niên 60 thế kỷ XX. Dự án Đại dương cũng có thể ví với dự án Bộ gen người, mà chi phí ban đầu vào nghiên cứu khoa học cơ bản đã được bồi hoàn hàng trăm thậm chí hàng nghìn lần. Ngoài ra, dự án còn đảm bảo cho Nga có sự tham gia toàn diện và vị trí thủ lĩnh trong dự án quốc tế phạm vi toàn cầu Earth BioGenome Project.