Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus, Mỹ rất lo ngại khi Bắc Kinh đang "leo thang chính sách tống tiền đối với các hoạt động thăm dò dầu khí lâu dài của Việt Nam tại Biển Đông".
"Điều này đặt ra câu hỏi về cam kết của Trung Quốc ... đối với một giải pháp hòa bình về tranh chấp trên biển", Ortagus nói.
"Đây là một sự leo thang những nỗ lực của Bắc Kinh để đe dọa những nước khác trong việc phát triển tài nguyên của biển Đông," đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
"Hành động của Trung Quốc làm suy yếu sự hòa bình và ổn định trong khu vực, gây tổn thất ho các quốc gia khu vực Nam Á vì (Bắc Kinh) đang chặn quyền tiếp cận của họ đến trữ lượng hydrocarbon, ước tính khoảng 2,5 nghìn tỷ đô la", Ortagus nói.
Theo bà, Hoa Kỳ sẽ bảo vệ an ninh năng lượng của các đối tác và đồng minh trong khu vực.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu
Hôm nay tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến phản ứng của Hà Nội sau khi nhóm tàu Trung Quốc Hải Dương 8 đã quay trở lại vùng biển Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, phía Việt Nam đã nắm được tình hình về hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc trong những ngày qua, khi các tàu này tiếp tục xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được khẳng định theo đúng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
“Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm và rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố.
Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam hiện vẫn đang theo dõi, thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Bà nhấn mạnh nguyên tắc xuyên suốt của Hà Nội trong giải quyết các tranh chấp không đáng có trên biển chính là bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ đúng luật pháp quốc tế.