Theo đó, mức thuế của 2 bị đơn bắt buộc là Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta và Công ty Cổ phần Nha Trang Seafood về 0%.
Khoảng 30 doanh nghiệp tôm khác của Việt Nam là bị đơn tự nguyện đã nộp đơn xin xem xét mức thuế riêng biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất khẩu vào Mỹ trong giai đoạn 1/2/2017-31/1/2018 cũng được tuyên bố hưởng thuế suất 0%.
Trước đó, trong đợt công bố mức thuế sơ bộ của kỳ POR 13 hồi tháng 4, DOC cũng đưa ra thuế suất tương tự với kết luận các doanh nghiệp này không bán phá giá tôm vào Mỹ.
Kết luận này cho thấy sự trung thực trong kinh doanh của các doanh nghiệp tôm Việt Nam và là thành quả tốt nhất trong 13 lần xem xét hành chính về thuế chống bán phá giá tôm Việt vào Mỹ.
Tin vui này đến ngay sau khi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố số liệu xuất khẩu khả quan trong 7 tháng đầu năm của mặt hàng tôm, mang đến kỳ vọng tích cực cho ngành thủy sản này.
7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,8 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018. Nhưng xét riêng tháng 7, đây là lần đầu tiên trong năm xuất khẩu tôm đạt tăng trưởng dương với 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Mỹ đều tăng trưởng 2 chữ số, còn các thị trường EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương.
Theo VASEP, xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc trong tháng 7 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018, lần lượt đạt 77 triệu USD và 51,6 triệu USD 2018 do các nước này giảm nhập khẩu từ các nguồn cung khác.
VASEP đánh giá, nhu cầu thị trường tôm đang trở nên sôi động hơn, dự báo những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt.