Đồng minh mới Việt Nam, Australia bày tỏ quan ngại về căng thẳng Biển Đông
Theo Reuters, Việt Nam và Australia được đánh giá là những “đồng minh mới” của nhau. Cả hai bên đều cùng bày tỏ sự quan ngại về hoạt động bất thường và những căng thẳng gần đây từ phía Trung Quốc trên Biển Đông. Nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Bắc Kinh hiện đã hai lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Thủ tướng Australia, Scott Morrison cùng phu nhân đã đến Hà Nội ngày 22/8, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị cấp nhà nước tới Việt Nam kéo dài đến 24/8.
Đón tiếp người đồng cấp, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tiến hành thảo luận về hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực cũng như thẳng thắn trao đổi về những căng thẳng ngày một gia tăng trên Biển Đông. Được biết, đây là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Australia tới Hà Nội kể từ khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên tầm “đối tác chiến lược” vào tháng 3/2018.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông và kiên quyết quan điểm nhất quán về hợp tác trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với ông Morrison tại cuộc họp báo chung ngày 23/8.
Nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc tiếp tục khảo sát vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) vào hôm thứ Sáu dưới sự hộ tống của ít nhất 7 tàu Trung Quốc khác, theo dữ liệu từ Marine Traffic, trang web chuyên theo dõi chuyển động của tàu trên biển.
Cũng theo dữ liệu mà trang này cung cấp, cũng có sự xuất hiện của tàu hải quân Việt Nam (tàu hộ vệ tên lửa 016 Quang Trung, thuộc lớp Gepard do Nga chế tạo) đang giám sát hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Việt Nam hiện chưa xác nhận thông tin này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus tuyên bố hôm 22/8 bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, và khẳng định việc triển khai các tàu thăm dò thuộc sở hữu của Chính phủ cùng với nhóm tàu hộ tống có vũ trang là “sự leo thang của Bắc Kinh trong những nỗ lực đe dọa các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền đang tiến hành nhiều hoạt động khai thác tài nguyên trên Biển Đông”.
“Điều này đặt ra câu hỏi về cam kết của Trung Quốc đối với giải pháp hòa bình về tranh chấp trên biển”, bà Ortagus nói.
Ông Scott Morrison khẳng định, cả Australia và Việt Nam đều cùng ủng hộ nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhằm duy trì ổn định trong khu vực.
“Các nguyên tắc như tự do hàng hải, hàng không phải được đảm bảo để các quốc gia có thể cùng theo đuổi những cơ hội phát triển hiện có trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Đồng thời, tiến hành công việc khai thác phù hợp với luật pháp, công ước quốc tế cho phép”, ông Morrison nhấn mạnh.
Thủ tướng Australia Morrison một lần nữa nhắc lại “các nguyên tắc của luật pháp quốc tế phải được duy trì trong khu vực”.
Hồi tháng 5, hai tàu chiến Úc đã cập cảng căn cứ hải quân chiến lược Việt Nam tại vịnh Cam Ranh khi hai hải quân tăng cường hợp tác.
Australia hôm thứ Tư tuyên bố sẽ tham gia vào nhiệm vụ an ninh Hoa Kỳ nhằm bảo vệ tàu buôn đi qua các tuyến đường thủy chính ở Trung Đông sau khi Iran bắt giữ một tàu mang cờ Anh.
Hảo hữu và đồng chí
Ông Morrison đã có mặt tại Hà Nội trong tâm thế quan hệ Việt Nam- Australia đã là những “đối tác chiến lược” của nhau.
Thương mại song phương tăng 19,4% lên 7,72 tỷ USD trong năm 2018, theo dữ liệu hải quan của Chính phủ Việt Nam.
Australia là nhà cung cấp than nước ngoài lớn nhất cho Việt Nam, trong bối cảnh đất nước đang ngày càng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện, đáp ứng nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng.
Các lô hàng than từ Australia đến Việt Nam đã tăng gấp ba lần trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 từ một năm trước lên 8,51 triệu tấn, theo dữ liệu hải quan.
“Australia và Việt Nam là bạn bè và, ngày nay, nói theo cách nói của Australia, chúng ta đã chuyển từ bạn bè sang hảo hữu”, Thủ tướng Morrison khẳng định.
Việt Nam đang mong đợi điều gì từ chuyến thăm của Scott Morrison?
Nhà phân tích Le Thu Huong, chuyên gia cao cấp của Viện Chính sách chiến lược Australia, nhận định:
“Hà Nội muốn Úc hỗ trợ ngoại giao và thương mại trong cuộc đấu với Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp trong khu vực”, tạp chí Australian Financial Review dẫn lời nhà phân tích cho biết.
Có nhiều điểm nổi bật trong mối quan hệ hai nước. Australia là đối tác đáng tin cậy trong việc hỗ trợ cho các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Họ đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng ở khu vực sông Mê Kông, bao gồm hoàn thành cây cầu Cao Lãnh vào năm ngoái, dự án viện trợ lớn nhất của Canberra ở Đông Nam Á. Quan hệ thương mại và kinh tế là chìa khóa mở ra những mối quan tâm chung. Việt Nam là đối tác thương mại tăng trưởng nhanh thứ hai của Australia và khối lượng thương mại song phương đã liên tục tăng 12% trong 5 năm qua. Nhưng vẫn còn nhiều điều mà các doanh nghiệp Australia có thể làm.
Việt Nam là một thị trường hấp dẫn. Đây là một trong bảy nền kinh tế, theo Standard Chartered Bank, có mức tăng trưởng GDP sẽ duy trì ở mức khoảng 7% cho đến những năm 2020, với điều kiện không có sự gián đoạn lớn nào từ cuộc chiến thương mại. Dân số trẻ sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng đáng kể - GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần trước năm 2030. Trong khi đó, các thương hiệu Úc nằm trong số những thương hiệu nông nghiệp, y tế và giáo dục đáng tin cậy nhất đối với tầng lớp trung lưu Việt Nam – với khoảng 33 triệu người, và con số vẫn tiếp tục tăng 1,5 triệu mỗi năm. Khoảng 30.000 người Việt Nam hiện đang học tập tại Australia và tiềm năng tăng cao hơn nhiều. Nhu cầu đào tạo tiếng Anh và kỹ thuật số cũng rất lớn. Nền kinh tế Australia và Việt Nam thật sự bổ sung cho nhau.
Nhưng ngoài những cơ hội phát triển, còn có những thách thức địa chiến lược. Kể từ khi ký kết hợp tác, môi trường chiến lược đã xuống cấp đáng kể. Trước đó, khái niệm “Ấn Độ-Thái Bình Dương” vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa hoàn toàn bắt đầu.
Trong lúc Hà Nội đang chào đón ông Morrison, Việt Nam phải đối mặt với sự chèn ép của Trung Quốc khi lực lượng dân quân và lực lượng bảo vệ bờ biển hộ tống các tàu khảo sát dầu khí Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngoài Hoa Kỳ, phản ứng quốc tế đối với các sự cố liên tiếp trên biển vẫn tương đối im ắng. Australia vẫn chưa lên án rõ ràng hành động của Bắc Kinh. Canberra đã ký các tuyên bố tập thể gần đây từ AUSMIN và cuộc đối thoại chiến lược của Hoa Kỳ - Australia - Nhật Bản đã ám chỉ sự kiện này là các hoạt động gây rối, liên quan đến các dự án dầu khí và thủy sản ở Biển Đông.
Chính phủ ông Morrison nhậm chức vào thời điểm quan hệ Australia - Trung Quốc ngày càng khó xử lý, trên nhiều mặt. Khi thủ tướng Morrison ngồi lại đàm phán với các nhà lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội trong tuần này, ông cũng đã trả lời những câu hỏi về tính nhất quán trong chính sách của Australia ở Biển Đông. Lý tưởng nhất, người Việt Nam muốn có thêm sự hỗ trợ ngoại giao và thực tế từ Canberra, được cung cấp bởi các công ty khai thác dầu khí của Australia, hợp tác thương mại với Việt Nam trong vùng biển tranh chấp. Làm sao có thể có mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên nếu họ không thể tin tưởng lẫn nhau trong chương trình nghị sự bảo mật quan trọng?
Tinh thần độc lập Việt Nam không chỉ được phản ánh trong các vấn đề truyền thống về chủ quyền, mà còn trong cách quản lý tác động của công nghệ mới. Việt Nam có tham vọng mạng 5G nhưng cũng chia sẻ mối lo ngại về công nghệ của Huawei. Các công ty viễn thông Việt Nam đã hợp tác với Ericsson và đã thử nghiệm thành công mạng tại Hà Nội. Nếu giai đoạn thứ hai hoàn thành, Việt Nam sẽ là một trong những nước có mạng 5G đầu tiên không phụ thuộc vào Huawei – điều có nét tương đồng với việc Australia từ chối thiết bị Trung Quốc cho mạng của mình.
Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, và các hạn chế thuế quan hiện nay đối với các linh kiện điện tử của Trung Quốc đã tăng lên về số lượng. Samsung và LG của Hàn Quốc cũng đã chuyển sản xuất chất bán dẫn sang Việt Nam. Chính phủ Việt Nam, dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người đã ký kết hợp tác chiến lược với Australia năm ngoái, đã biến các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thành ưu tiên hàng đầu của đất nước.
Đối với Canberra, tầm quan trọng của Việt Nam vượt xa quan hệ song phương với Trung Quốc; đất nước hình chữ S đang ngày càng trở thành một yếu tố ngoại giao và chiến lược quan trọng trong khu vực. Khi Việt Nam chuẩn bị nắm quyền chủ tịch ASEAN vào năm 2020 (cùng với việc tham gia Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với tư cách là thành viên không thường trực), Hà Nội coi an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là vô cùng quan trọng. Lưu ý rằng Việt Nam sẽ là chủ tịch ASEAN đầu tiên sau khi Tổ chức này đưa ra quan điểm về “Ấn Độ-Thái Bình Dương”, đây là cơ hội để ông Morrison truyền đạt các nguyên tắc cốt lõi của Australia trong khu vực, nơi chứa đầy tiềm năng và đang diễn ra hàng loạt sự thay đổi nhanh chóng.