Khá nhiều việc đã được xúc tiến, không những tạo ra những thành tố cơ cấu và bộ máy hoạt động mới cho nền kinh tế Nga, mà còn hữu hiệu cả về mặt tăng cường quan hệ với các đối tác châu Á. Đã đến lúc thảo luận cụ thể sự tham gia của các đại biểu hàng đầu từ các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Việt Nam - để tìm hiểu và trao đổi về cái nhìn của họ về những thành công và thất bại của quá trình, và xem đánh giá của châu Á: Làm thế nào để có thể phát triển hơn nữa. Các đối tác châu Á nhìn nhận ra sao về kết quả chuyển hướng của Nga sang phương Đông? Cái gì đã thành công và cái gì còn chưa được? Nước Nga ở đâu trong nhu cầu của châu Á? Cần làm gì cho hiện thực phát triển mạnh mẽ hơn nữa của Viễn Đông và củng cố vị thế của địa bàn này trong tiến trình kinh tế khu vực?
Đó chính là nội dung của một trong những phiên họp chính mở đầu Diễn đàn Kinh tế Đông 2019 (EEF) theo chủ đề “Viễn Đông và châu Á-Thái Bình Dương: cơ hội phát triển dành cho hợp tác” - “Tấm gương châu Á: chuyển hướng về phía Đông trong cái nhìn của các nước châu Á”. Chủ trì phiên họp này là Phó Thủ tướng Yuri Trutnev Đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại khu Liên bang Viễn Đông và Câu lạc bộ Valdai – sàn tranh biện chính trị kinh tế độc đáo và nổi tiếng thế giới, được mệnh danh là “Davos Nga”.
Trên đoàn Chủ tịch phiên họp có các đại biểu từ Trung Quốc, Giám đốc đại diện Nhóm Ngân hàng Thế giới, Cựu Đại sứ Singapore tại Nga kiêm sáng lập gia Foundation for the Arts and Social Enterprise, Chủ tịch Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế của Hàn Quốc…
Vị khách nước ngoài được mời phát biểu đầu tiên là Thứ trưởng Ngoại giao CHXHCN Việt Nam Tô Anh Dũng, cách sắp xếp cho thấy sự trọng thị dành cho Việt Nam của nước chủ nhà, mà cụ thể là BTC Diễn đàn Kinh tế Đông và Câu lạc bộ Valdai. Cử toạ rất hào hứng khi đại diện Việt Nam thông báo chia sẻ góc nhìn của Hà Nội “về khu vực, chính sách hướng Đông của Nga, những thuận lợi và khó khăn trong hợp tác song phương và nêu một số biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt–Nga và giao lưu kinh tế - thương mại hiệu quả giữa hai nước trong giai đoạn mới”.
Châu Á-Thái Bình Dương hấp dẫn và tạo cơ hội. Nga đáp ứng sự trông đợi
Ông Tô Anh Dũng khái quát những đặc thù quan trọng của châu Á-Thái Bình Dương, khu vực có vị trí ngày càng quan trọng trên thế giới; chiếm 42,6% tổng GDP và 53% thương mại toàn cầu, phát triển năng động nhất thế giới với các nền kinh tế mới nổi, có tốc độ tăng trưởng cao khoảng 6%, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình toàn cầu. Trên đà phát triển mạnh theo xu hướng liên kết thương mại, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ, châu Á đang mở ra những cơ hội đầy triển vọng cho các nước trong khu vực đẩy mạnh hợp tác và phát triển.
Chắc chắn không ngẫu nhiên mà ông Tô Anh Dũng đưa ra tổng quan như vậy về châu Á-Thái Bình Dương hôm nay. Bởi những đặc thù đó cũng chính là tiêu chí chủ yếu để nhìn nhận về giá trị trong chính sách chuyển hướng về phía Đông của ban lãnh đạo Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam nhận định:
“LB Nga là quốc gia có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị và kinh tế thế giới, là cường quốc Á – Âu với phần lãnh thổ châu Á rộng lớn. Chính sách hướng Đông với trọng tâm ưu tiên phát triển vùng Viễn Đông, thúc đẩy hội nhập kinh tế, khuyến khích các nước ký FTA với Liên minh kinh tế Á – Âu thể hiện nỗ lực của Nga trong tăng cường tự do thương mại, là định hướng đúng đắn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Nga, đồng thời phù hợp với lợi ích của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam…Nhờ chính sách đúng đắn này, Nga đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hội nhập và tham gia sâu rộng vào các cơ chế đối thoại của khu vực, đáp ứng sự trông đợi của các tổ chức đa phương cũng như các quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Đánh giá và bài học theo cái nhìn Việt Nam
Trong quá trình Nga chuyển hướng mạnh sang phía Đông, Việt Nam trân trọng đánh giá cao việc Matxcơva coi Hà Nội là một trong những đối tác quan trọng then chốt tại khu vực, - ông Tô Anh Dũng thông báo.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam nêu nhận định đáng chú ý:
“Định hướng phát triển kinh tế của Việt Nam và Nga hiện nay có nhiều điểm tương đồng, nhất là trong việc chú trọng phát triển công nghệ, nâng cao hàm lượng tri thức của nền kinh tế, thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư chất lượng cao”.
Với dân số hơn 96 triệu người và nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam hiển nhiên là một thị trường quan trọng và đầy triển vọng dành cho Nga. Trong khi đó, Nga sở hữu tiềm năng dồi dào tài nguyên khoáng sản và năng lượng để phát triển lâu dài, có nền khoa học công nghệ tiến bộ, giữ được vị trí một nền kinh tế lớn của thế giới. Trong bối cảnh đầy biến động và không ít khó khăn Nga vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Như vậy, hai nước hoàn toàn có thể bổ trợ cho nhau trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, - ông Tô Anh Dũng nhận xét.
Thời gian qua, Việt Nam và Nga đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hợp tác kinh tế đi vào chiều sâu và thực chất trên hai trụ cột là dầu khí-năng lượng và thương mại. Các liên doanh như Vietsovpetro, Rusvietpetro, Gazpromviet, Vietgazprom, Tập đoàn Rosnetf… hoạt động hiệu quả trên thềm lục địa và lãnh thổ của Việt Nam và Nga. FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á –Âu được ký kết đã thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng nhanh, năm 2018 đạt 4,5 tỷ USD, tăng mạnh so với mức trên 2-3 tỷ USD của những năm trước.
Đại biểu Việt Nam cho biết, tại Việt Nam hiện nay đang triển khai 115 dự án của phía Nga với tổng vốn 940 triệu USD. Theo chiều ngược lại, đáng chú ý nhất là Việt Nam bắt đầu có các dự án vào Nga - 23 dự án trên lãnh thổ Liên bang với tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD.
Hợp tác trong công-nông nghiệp, liên hệ kinh tế giữa các địa phương của hai nước cũng có những bước chuyển đáng kể và mang lại lợi ích thiết thực. Chú ý đến việc ban lãnh đạo Nga quan tâm thành lập Cảng tự do Vladivostok có quy chế pháp lý đặc biệt, Việt Nam trông đợi phía Nga tính đến thành lập một cơ chế hợp tác Việt Nam – Viễn Đông với những ưu đãi để lưu thông hàng hóa, dịch vụ và nhân lực dễ dàng.
Ông Tô Anh Dũng nhấn mạnh: Nga là đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Đây là kết quả tất yếu của lịch sử quan hệ truyền thống giữa hai nước với độ tin cậy cao. Hợp tác Việt Nam – Nga trong lĩnh vực này đã có nhiều đóng góp cho lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế (khuôn khổ PKO, các cơ chế ADMM+...).
Từ Diễn đàn Kinh tế Đông V, đại biểu Việt Nam thông báo với Nga và quốc tế một ý kiến đáng chú ý về hợp tác thương mại quốc phòng. Ông Tô Anh Dũng nói:
“Thực tâm là từ vị thế một nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam chúng tôi cực chẳng đã mới phải mua sắm vũ khí dù chỉ để phòng vệ”.
Việt Nam luôn mong muốn rằng mọi nguồn lực của tất cả các quốc gia đều được đầu tư cho giáo dục, dân sinh, phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu SDGs của Liên Hợp Quốc. Từ đó, có lời nhắn gửi rằng sự điều chỉnh chính sách quốc gia, cục diện khu vực đang định hình cần phải hướng tới hòa bình, ổn định và hợp tác trên cơ sở thượng tôn pháp luật, tôn trọng lẫn nhau và tăng cường liên kết, hội nhập.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam nêu nền tảng thành công thúc đẩy hợp tác Việt-Nga thời gian qua trong bối cảnh kinh tế thế giới hết sức khó khăn trước hết là nhờ chính sách phát triển quan hệ đúng đắn của ban lãnh đạo hai nước, tranh thủ tận dụng tiềm lực và thế mạnh của nhau, chân thành coi trọng và hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; song hành thiết lập và đưa vào hoạt động hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; thành lập các Nhóm làm việc, Tổ Công tác trên từng vấn đề và lĩnh vực cần hợp tác.
Mặc dù đã có những bước chuyển tích cực, nhưng hợp tác kinh tế - thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga vẫn ở mức thấp so với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Kim ngạch thương mại hai chiều chiếm tỉ trọng thấp (dưới 1%) trong tổng kim ngạch ngoại thương của mỗi nước, tổng đầu tư FDI ở mỗi nước vẫn còn ở mức khiêm tốn so với nhu cầu của mỗi nền kinh tế. Trong xu thế nước Nga đẩy mạnh “chính sách quay về hướng Đông”, nhìn từ góc độ Việt Nam, có thể kể tên một số nguyên nhân khiến còn những hạn chế, cơ bản là: 1- Tiềm lực hai bên đều có hạn, trong đó có tiềm lực tài chính. 2- Trong bối cánh ảnh hưởng từ những biến động không thuận xuất phát từ quan hệ của Nga với một số đối tác khác (EU, Hoa Kỳ…), thì hiểu biết về thị trường lẫn nhau của doanh nghiệp Việt-Nga còn chưa nhiều; khó khăn về thủ tục hải quan và các rào cản về chất lượng hàng hóa, chưa có cơ chế thanh toán thuận tiện, chi phí vận chuyển hàng hóa cao làm giảm sức cạnh tranh…
Trong khi đó, Hàn Quốc, Trung Quốc và Câu lạc bộ Valdai…
Nhìn chung cử toạ trong phiên họp đều nhất trí với đánh giá khái quát của đại biểu Việt Nam về chính sách chuyển hướng sang phía Đông của Nga, công nhận đó là quyết sách đúng, thức thời, thực tế và chứng tỏ tầm nhìn xa của ban lãnh đạo Nga. Chuyên gia Hàn Quốc Lee Jae Yong có ý kiến thu hút sự chú ý của khán phòng khi nhận xét về chính sách của Nga, ông nhắc đến cả tranh chấp với Nhật Bản trên Thái Bình Dương mà ông tuyên bố “rất không có lợi cho cả Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên”, như một lưu ý. Rồi khi có câu hỏi từ những người tham gia về vấn đề này, ông Lee cho biết kiến giải của ông về mối liên hệ giữa hoà bình và phát triển kinh tế.
Nhà báo Fan Weigo từ Tân Hoa Xã tiếp cận vấn đề giao lưu kinh tế-thương mại Trung-Nga rất cụ thể: từ kem và đậu hạt. Ông cho biết ở Trung Quốc gần như lên “cơn sốt kem Nga” sau khi Tổng thống Vladimir Putin tặng Chủ tịch Tập Cận Bình món quà đặc biệt là một hộp kem. Còn về đậu, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc giảm dần cho đến không mua đậu của Mỹ nữa, do vậy đây là một yêu cầu và cơ hội cho nông sản Nga.
Trả lời câu hỏi phỏng vấn của Sputnik Vietnam, ông Andrei Bystriskiy Chủ tịch CLB Valdai nhận định:
“Cần khẳng định rằng chính sách chuyển hướng sang phía Đông của Nga là có lợi cho cả hai bên. Trong chính sách chiến lược hướng Đông đó, Việt Nam đóng vai trò đối tác quan trọng then chốt. Một trong những biểu hiện cụ thể là Câu lạc bộ Valdai đã thu hút được sự thảo luận tích cực của giới chuyên gia và học giả Việt Nam trong kỳ sinh hoạt hồi năm ngoái tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng đáng tiếc là cho tới nay hai nước chưa nỗ lực hết sức để tạo được bước đột phá trong quan hệ kinh tế song phương. Giao lưu thương mại song phương tăng trưởng còn chậm, hợp tác du lịch …chưa tương xứng với tiềm năng. Ngay cả hợp tác kỹ thuật-quân sự vốn được xem là trụ cột quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn còn yêu cầu nghiên cứu khai thác những cơ hội. Bằng hoạt động của mình, Câu lạc bộ Valdai sẽ cố gắng góp phần huy động tiềm lực trí tuệ chuyên môn ở hai nước để khắc phục những tồn tại đó, thực hiện thành công bước chuyển hướng chính sách của Nga”.