Một nghiên cứu gần đây với 650 người nam giới từ 18-55 tuổi tham gia đã không xác nhận mối quan hệ như vậy.
"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng cho thấy sự đồng cảm nhận thức bị suy giảm với testosterone", - bài báo công bố bởi Hội Hoàng gia (Royal Society) cho biết.
Theo đó, mức độ hormone không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kiểm tra sự đồng cảm. Do đó, ông Amos Nadler từ Đại học West London (Anh) nhấn mạnh, các lý thuyết về tác dụng của testosterone đối với những rối loạn như tự kỷ vẫn còn là câu hỏi ngỏ.
Từ lâu đã tồn tại giả thuyết gây tranh cãi rằng mức độ testosterone cao được cho là làm suy yếu khả năng thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của người khác – “nam tính hóa” não bộ bởi nồng độ testosterone cao trong quá trình phát triển phôi thai làm tăng khả năng mắc bệnh tự kỷ, dẫn đến các vấn đề trong hành vi xã hội. Giả thuyết này đã buộc các nhà khoa học phải kiểm chứng mối quan hệ nhân quả giữa nồng độ testosterone với khả năng đồng cảm của con người.
Trong quá trình thí nghiệm, các đối tượng thử nghiệm đã bôi gel testosterone lên da. Trong khi đó, nhóm đối chứng sẽ nhận được giả dược. Sử dụng bảng câu hỏi và bài kiểm tra, các nhà nghiên cứu đã xem xét khả năng đồng cảm của người tham gia trước và sau khi sử dụng hormone. Chẳng hạn, những người đàn ông phải đánh giá trạng thái cảm xúc của những người được miêu tả trong các bức ảnh qua đôi mắt của họ.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã đo chiều dài ngón đeo nhẫn và ngón trỏ của mỗi người đàn ông. Tỷ lệ chiều dài của chúng được cho là một dấu hiệu tiềm năng của nồng độ testosterone trong quá trình phát triển phôi thai: mức testosterone cao - ngón đeo nhẫn dài hơn ngón trỏ.
Tuy nhiên, kết quả cho thấy, kể cả tỷ lệ chiều dài của ngón tay, lẫn cả sự gia tăng mức độ testosterone với sự trợ giúp của gel nội tiết tố, tất cả đều không ảnh hưởng đến sự đồng cảm.