Mục đích hợp tác giữa các bên là tổ chức đường bay trực tiếp vận chuyển hành khách thường xuyên giữa Nga và Việt Nam. Cụ thể, xem xét phương án tổ chức các chuyến bay với tần suất 1-2 lần/tuần trên máy bay loại Airbus-320 từ Vladivostok đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hoặc Cam Ranh. Có thông tin sơ bộ cho biết, nhiều khả năng hơn cả là trước hết mở tuyến bay Vladivostok-Hà Nội.
Bản Ghi nhớ được ký kết giữa sân bay Nga và một hãng hàng không Việt Nam trù tính tạo lập những điều kiện thuận lợi cho nhau, trao đổi thông tin tiếp thị và các dữ liệu khác, hỗ trợ trong việc tổ chức mạng lưới bán vé máy bay, cùng hiệp lực tương tác với các nhà điều hành du lịch v.v. Trong quá trình đàm phán sơ bộ, đã quyết định lập các nhóm làm việc chuyên trách, bắt đầu xúc tiến thực hiện dự án ngay trong thời gian gần tới.
Trải ra ở vùng Viễn Đông của Nga, thành phố duyên hải Vladivostok có vị trí chiến lược như là điểm kết nối giữa LB Nga – Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Trong số các sân bay vùng Viễn Đông, sân bay quốc tế Vladivostok chiếm một trong những vị trí hàng đầu về lưu thông hành khách. Năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng hành khách được phục vụ tại nhà ga hàng không này đã lên tới 1 triệu 853 nghìn người.
Mạng lưới hành trình của sân bay Vladivostok vươn tới hơn 30 hướng, đang được nhiều hãng hàng không hàng đầu của Nga và nước ngoài khai thác. Sân bay có trang thiết bị để tiếp nhận tất cả các dạng máy bay theo phân loại II của ICAO.
Hiện tại không có chuyến bay trực tiếp kết nối phi trường Vladivostok và Việt Nam mà phải trung chuyển ở Seoul hoặc Hồng Kông.
Còn VietJet Airline là hãng hàng không Việt Nam theo định hướng mở rộng mạng lưới các chuyến bay nội địa và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hãng đã nhiều lần được trao giải thưởng quốc tế về chất lượng dịch vụ trên khoang, nhịp độ phát triển các tuyến lữ hành, giá vận chuyển phải chăng và khá đúng giờ. Cất cánh từ những chuyến bay nội địa, VietJet Airline sớm công bố hoài bão vươn xa hơn nữa trong những hành trình khu vực và thế giới.
Cũng cần lưu ý rằng khi hướng đến Vladivostok, không hẳn là VietJet Airline đi “khai hoang” vùng trời mới - đã từng có các chuyến bay từ Vladivostok đến Việt Nam được vận hành theo tuyến này trong chặng dài một số năm trước đây. Chỉ riêng các chuyến bay thuê bao theo hướng Vladivostok – Cam Ranh trong năm 2013 đã vận chuyển được hơn 18.000 hành khách.
Trong kỳ EEF-2018 trên đảo Russkiy, cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại của CHXHCN Việt Nam tại Vladivostok cũng đã thông báo về ý tưởng kế hoạch mở đường bay thường kỳ trực tiếp từ Việt Nam sang thành phố này của nước Nga, như là một trong những hoạt động hợp tác đầu tư-kinh doanh song phương của doanh nghiệp trong nước. Còn phía Nga nhận thấy rằng
“tính đến nhu cầu thực tế về giao lưu đường không ổn định từ vùng Viễn Đông Nga đến Việt Nam, lịch trình các chuyến bay thẳng sẽ đảm bảo cung cấp cho hành khách những điều kiện thoải mái hơn và mức chi phí vận chuyển đường không tối ưu”, - như ông Igor Lukishin CEO “Sân bay Quốc tế Vladivostok” nhận xét.
Theo đánh giá của các bên tại lễ ký kết trong khuôn khổ EEF-2019, khôi phục đường bay thẳng là dự án kinh tế khả thi và đúng lúc. Việc thực thi dự án sẽ là một điểm nổi bật trong lịch trình giao lưu thương mại-kinh tế giữa Nga và Việt Nam.
Có thể cũng chính vì thế mà báo cáo của ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VietJetAir thu hút quan tâm lớn của cử toạ tại phiên họp “Nga-ASEAN” trong khuôn khổ EEF-2019 ở Vladivostok. Là diễn giả nước ngoài duy nhất phát biểu trôi chảy thoải mái bằng tiếng Nga thông thạo, đưa ra rất nhiều số liệu ấn tượng về lịch trình hoạt động và thành tựu kinh doanh của VietJetAir, TS Nguyễn Thanh Hùng còn nêu một thuật ngữ mới về vị trí của Việt Nam trong quan hệ Nga-ASEAN. Trước đó, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Đông 2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tuyên bố
“Việt Nam sẵn sàng trở thành cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và EAEU nói chung và đặc biệt là với Nga”.
Cùng theo mạch ý tưởng này, cũng trong phạm vi EEF-2019 trên đảo Russkiy, doanh nhân Việt Nam Nguyễn Thanh Hùng nhận xét: “Việt Nam là cửa ngõ-lối tiếp cận dành cho Nga đến với ASEAN”.
Nhưng có lẽ gây ấn tượng mạnh hơn là bởi bài nói của doanh nhân thành đạt trên diễn đàn kinh tế bộc lộ rõ tình cảm trân trọng và ơn nghĩa của nhiều thế hệ cựu sinh viên Việt Nam của các trường dại học Liên Xô và Nga đối với xứ sở bạch dương. Ông Nguyễn Thanh Hùng và vợ - nữ tỷ phú USD Phương Thảo – đều nhận được học vấn đại học tại Nga. Hơn thế nữa, mảnh đất Nga chính là nơi các cựu lưu học sinh Việt Nam này khởi nghiệp, để rồi có vốn liếng đáng kể cả về tài chính và kinh nghiệm thương trường, về nước triển khai nâng tầm sự nghiệp lên một đẳng cấp mới. Cử toạ Nga và các nước trong phiên họp “Nga-ASEAN” thấy rằng trong những tính toán kinh doanh chiến lược còn hàm chứa cả yếu tố tình cảm, là một phần lý do không được thể hiện trong các thống kê và dự báo kinh tế khả thi khi VietJetAir chọn thành phố Nga để phát triển kinh doanh vận tải đường không.
Khi nhà báo của Sputnik Vietnam đề nghị dành đôi lời nhắn gửi chia sẻ với các thanh niên sinh viên Việt Nam đang theo học tại Nga về hướng khởi nghiệp, TS Nguyễn Thanh Hùng nói:
“Hãy biết quý những giờ học trên giảng đường Nga, đó chính là bàn đạp đầu tiên cho các bạn khi vào đời. Nắm vững tiếng Nga, tranh thủ thu nhận thật nhiều kiến thức mà các thày Nga trao cho, đồng thời học thêm để dùng tiếng Anh thành thạo như một công cụ cần thiết trong thế giới hiện đại”. Đó là bí quyết khởi nghiệp của những doanh nhân tiêu biểu và thành đạt mà tuổi thanh xuân trong đời đã có không ít năm gắn bó với nước Nga thân thương.