Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Biển Đông
Tin tức, sự kiện, quan điểm, bình luận về tình hình Biển Đông, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.

Biển Đông: Vì sao Việt Nam trở thành mục tiêu của Trung Quốc?

© Ảnh : PixabayBiển Đông
Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là mục tiêu của Trung Quốc khi Bắc Kinh thúc đẩy chương trình nghị sự ở Biển Đông, chuyên gia nhận định.

Tại sao Trung Quốc luôn nhắm vào Việt Nam?

Trung Quốc tiếp tục đưa lực lượng trở lại vùng biển Việt Nam trong tuần qua, để mắt đến nguồn dầu khí và tài nguyên dồi dào trên biển của đất nước láng giềng, Giáo sư Panos Mourdoukoutas, trưởng khoa Kinh tế Đại học LIU Post, New York, Mỹ trong bài viết đăng trên Forbes ngày 7/9 khẳng định.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông báo một số hoạt động đối ngoại. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam đưa ra tuyên bố mới về căng thẳng trên Biển Đông

Hôm 3/9, một chiếc tàu cần cẩu lớn thuộc sở hữu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) mang tên Lanjing đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ). Đây là loại tàu mà Bắc Kinh đang sử dụng để lắp đặt các giàn khoan dầu lớn hay các cấu trúc, thực thể ngoài khơi Biển Đông.

Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là “biển riêng, sân nhà của mình” - gần như tất cả vùng biển này, bao gồm cả tài nguyên dầu khí ngầm bên dưới. Cần phải nói, đây là những tài nguyên mà Bắc Kinh rất cần ngày nay để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh vì Mỹ hiện đang cắt đứt nguồn cung cấp ở Trung Đông.

Chính quyền Trung Quốc đã và đang làm tất cả những gì cần thiết để khẳng định quyền sở hữu đối với nguồn tài nguyên này. Điển hình như việc xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo, đưa tàu thuyền, trang thiết bị ra vùng biển tranh chấp, Forbes cho biết.

Đúng như dự đoán, các tuyên bố và động thái của Bắc Kinh gây quan ngại cho một số nước láng giềng. Mỗi quốc gia có một chiến lược hành động và định hướng chính trị ngoại giao khác nhau. Philippines chọn cách xoa dịu, “làm hòa” với Bắc Kinh, cho dù họ được Tòa trọng tài quốc tế xử thắng đối với vụ kiện Trung Quốc vào năm 2016 khi Bắc Kinh sau khi liên tục xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo, xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Manila.

Malaysia và Việt Nam không nương theo Bắc Kinh, mỗi nước lại có đường lối ngoại giao, chương trình hành động riêng. Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) đã tiến hành đợt tập trận quy mô nhằm phô diễn sức mạnh tên lửa của mình gần khu vực đang tranh chấp hàng hải.

Cảnh Sảng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Sputnik Việt Nam
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng sau tuyên bố của phương Tây về bất ổn ở Biển Đông

Việt Nam còn đi xa hơn thế. Họ lên tiếng phản đối và ngăn chặn nhiều hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông như xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo, phong tỏa và triển khai vũ khí tấn công bao gồm cả tên lửa tại vùng biển này. Đồng thời, theo Giáo sư Panos Mourdoukoutas, Việt Nam đã huy động lực lượng theo sát hành tung các tàu Trung Quốc trên vùng biển của mình.

Thêm vào đó, Hà Nội còn hợp tác với gã khổng lồ dầu mỏ Rosneft của Nga để tìm kiếm và khai thác dầu trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình ở Biển Đông nhưng lại là những khu vực bị Trung Quốc tranh chấp.

“Khác với chiến lược mềm mỏng của Manila, những động thái cứng rắn của Việt Nam hiệu quả hơn nhiều”, Panos Mourdoukoutas khẳng định. Tháng trước, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất của Trung Quốc đã rời khỏi Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ).

Thế nhưng, hiện tại, theo đánh giá của GS. Panos Mourdoukoutas: “Một lần nữa, Việt Nam lại trở thành mục tiêu của Bắc Kinh với chiếc tàu cần cẩu cỡ lớn tiến vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Rõ ràng, Bắc Kinh muốn “để mắt”, thăm dò mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam với Nga và tái khẳng định quyền sở hữu Biển Đông của Bắc Kinh”.

Mặc dù hiện vẫn chưa rõ liệu lập trường cứng rắn đấu tranh chống lại những hành động phi pháp của Bắc Kinh sẽ có tác dụng đối với Việt Nam lần này hay không, nhưng có một sự thật rõ ràng: Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là mục tiêu của Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự ở Biển Đông.

Cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam, lên án Trung Quốc

Những căng thẳng trên Biển Đông gần đây khiến giới quan sát và các chuyên gia quốc tế lo ngại. Hành động của Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm, xâm phạm quyền lợi và chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đi ngược với những cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.

Chuyên gia Hu Bo, Giám đốc Sáng kiến tình hình chiến lược Biển Đông cũng nhận định, việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 đến khu vực Bãi Tư Chính là nhằm ngăn cản Việt Nam thúc đẩy lợi ích trên biển chính đáng, đúng với chủ quyền của mình, trước khi các nước đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Biển Đông - Sputnik Việt Nam
WSJ: Cần chấm dứt hành động bắt nạt của Trung Quốc ở biển Đông

Trang Maritime Issues dẫn lời chuyên gia quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam của Singapore, Collin Koh Swee Lean nhận định, nếu cộng đồng quốc tế không có những động thái cứng rắn đối với hành động của Trung Quốc tại khu vực bãi Tư Chính, những vụ việc tương tự sẽ còn lặp lại nhiều lần trong tương lai. Bắc Kinh sẽ ngầm hiểu chiến lược bành trướng và hành động cưỡng ép của họ mang lại hiệu quả, vì thế họ sẽ duy trì thói hung hăng, chiến thuật o ép để làm công cụ tạo ảnh hưởng trên những vùng tranh chấp ở Biển Đông.

“Các thực thể nhân tạo và tiền đồn xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa giúp Trung Quốc thực hiện các hành vi gây hấn ở Biển Đông. Và cuối cùng, Trung Quốc có thể bao biện rằng họ chỉ phản ứng trước các hành động của nước khác, thậm chí ngược lại, họ còn chỉ trích chính các nước lên án hành vi của Trung Quốc là bên phá hoại tiến trình hòa bình ở Biển Đông”, ông Collin Koh Swee Lean nhận định.

Chuyên gia Ryan Martinson tại Đại học chiến tranh Hải quân Mỹ (Naval War College) nhận định: “Bắc Kinh đã sử dụng các tàu của họ tại khu vực này như một cách để tăng cường yêu sách chủ quyền phi lý”. Có thể nói, hành động của Trung Quốc là đặc biệt nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình soạn COC nhằm đảm bảo tình hình Biển Đông ổn định và không làm gia tăng xung đột.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Sputnik Việt Nam
Trung Quốc "sở hữu Biển Đông": Philippines nói phán quyết COC 'vô dụng'

Như vậy, các chuyên gia đều đồng thuận rằng, cộng đồng quốc tế cần phản ứng cứng rắn nếu không Bắc Kinh sẽ lặp lại chuỗi hành động “o ép, bắt nạt” của mình, thậm chí Trung Quốc có thể yêu cầu các quốc gia ASEAN chấp nhận đưa nội dung không cho bên thứ ba ngoài khu vực hợp tác, diễn tập quân sự hay can thiệp vào ASEAN cũng như COC. Thêm vào đó, ASEAN cần một lập trường thống nhất và rõ ràng về vấn đề này. Chính cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á phải lên tiếng mạnh mẽ, cảnh báo Bắc Kinh không nên đi quá xa, hành vi cưỡng ép tại Bãi Tư Chính, đi ngược lại các thông lệ, quy tắc quốc tế và làm ảnh hưởng tới quan hệ ASEAN- Trung Quốc, những thành tựu đã đạt được trong những năm trước đó, bao gồm COC.

Mưu đồ và thủ đoạn của Trung Quốc đều bị nhìn thấu

Chuyên gia Nguyễn Quý Bình, Giảng viên Đại Học Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp Quốc tế, Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam bên cạnh LHQ ở Geneva, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên trọng tài viên của Tòa trọng tài quốc tế PCA tại La Haye nhận định trên báo Thanh Niên rằng:

“Hành động bất hợp pháp của Trung Quốc tại khu vực Tư Chính là bước leo thang trong “phép thử” sức mạnh áp đặt giải pháp, tiếp sau các hành vi cưỡng ép đối với các nước trong khu vực. Trung Quốc đang tìm mọi cách thay đổi cấu trúc cán cân quyền lực ở Biển Đông, thay đổi hiện trạng dựa trên luật pháp quốc tế để thiết lập cục diện mới theo ý muốn của Bắc Kinh”.

Đây cũng là bình luận của nhiều chuyên gia coi việc Việt Nam trở thành “mục tiêu” mà Trung Quốc luôn nhắm tới như một phép thử phản ứng của các quốc gia khác.

“Sau khi hoàn thành việc bồi đắp trái phép quy mô lớn các bãi đá ở Trường Sa và quân sự hóa các vị trí ở đây, Trung Quốc tin rằng họ có thế mạnh để đe dọa các nước liên quan và áp đặt giải pháp cho các đòi hỏi ở Biển Đông. Mưu đồ của Trung Quốc là biến Biển Đông thành “ao nhà”. Trung Quốc nghĩ mình một tay cầm “kiếm” và tay kia cầm bình rượu “Mao đài”; kiếm để hăm dọa các nạn nhân và đối thủ, rượu để nhắm tới những ai hám lợi kinh tế hoặc làm ngơ trước hành động bạo ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Với Trung Quốc, có lẽ ý đồ giành giật tài nguyên dầu khí tại đây chỉ là một phần nhỏ so với mưu toan chiến lược là độc chiếm Biển Đông”, chuyên gia Nguyễn Quý Bình cho biết.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad  - Sputnik Việt Nam
Việt Nam và Malaysia sẽ hợp tác khai thác dầu khí trên Biển Đông?
Để thực hiện mưu đồ của mình, Trung Quốc có rất nhiều thủ đoạn. Nước này vẫn luôn to tiếng chỉ trích các dự án năng lượng, khai thác dầu khí mà các bên thực hiện vi phạm ranh giới “đường 9 đoạn” và điều này là “bất hợp pháp”. Vì lẽ đó, phản ứng của Bắc Kinh là “rất chính đáng” dù thực tế, “đường 9 đoạn” phị phản đối dữ dội và Tòa Trọng tài quốc tế cũng không thừa nhận. Bắc Kinh vẫn luôn đánh lạc hướng dư luận, khẳng định Biển Đông vẫn đang ổn, định, hòa bình, trong khi sóng ngầm lại nổi lên thường chính từ hướng Trung Quốc.

“Trung Quốc còn lớn tiếng sử dụng kịch bản “buộc tội ngược” rằng các bên yêu sách khác làm phương hại đến thiện chí của Trung Quốc trong tiến trình tìm kiếm hòa bình trên Biển Đông”, ông Nguyễn Quý Bình nhận xét.

Việt Nam vẫn đang có chủ quyền trong phạm vi thềm lục địa và EEZ 200 hải lý. Ngay từ năm 1971, Chính quyền Sài Gòn đã cho tiến hành phân lô đấu thầu thăm dò khai thác. Năm 1988, Chính phủ Việt Nam đã phân lô dầu khí và mời các nhà thầu nước ngoài đến thăm dò khai thác tại đây.

“Phản ứng quốc tế ủng hộ vị thế pháp lý của Việt Nam và phê phán hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc đã lên cao chưa từng có từ trước tới nay; cao hơn và rõ nét hơn cả lúc Philippines kiện Trung Quốc. Sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận quốc tế lần này là điều cơ bản và tích cực, tạo lợi thế chiến lược cho Việt Nam trong các bước đấu tranh sắp tới, trong đó có thể tính đến đấu tranh pháp lý. Đây vẫn là biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp được LHQ và luật quốc tế thừa nhận, thế giới sẽ đứng về phía Việt Nam. Trung Quốc sử dụng biện pháp quân sự thì càng bị lên án và chịu hậu quả nặng nề. Hiện nay, trên Biển Đông chúng ta có sự chia sẻ lợi ích và sát cánh của cộng đồng quốc tế, không chỉ nhằm duy trì hòa bình, ổn định của khu vực mà còn bảo vệ các quyền tự do hàng không, hàng hải trên toàn bộ vùng nước của Biển Đông”, chuyên gia Nguyễn Quý Bình kết luận.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала