Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu khỏi vùng biển
Việt Nam kiên quyết phản đối việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) xâm phạm chủ quyền của Hà Nội đối với toàn bộ cùng đặc quyền kinh tế, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh nhanh chóng rút toàn bộ nhóm tàu và các tàu hộ tống khỏi vùng EEZ của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong buổi họp báo thường kỳ chiều 12/9 khẳng định, nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc “tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
“Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu Hải Dương 8 tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, được quy định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố.
Đưa ra bình luận về những tác động liên quan đến hành vi vi phạm chủ quyền của nhóm tàu này đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc cũng như tác động đến nền hòa bình, hữu nghị của khu vực, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu khỏi vùng biển của Việt Nam!”.
Trung Quốc phải tuân thủ UNCLOS và luật pháp quốc tế
Bình luận về những tuyên bố được phía Trung Quốc đưa ra liên quan đến hoạt động hợp tác khai thác dầu khí của Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Hà Nội, đại diện Bộ ngoại giao khẳng định:
“Về những phát ngôn gần đây của phía Trung Quốc liên quan đến hoạt động kinh tế của Việt Nam trên vùng biển của mình, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán rằng mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí, đều được triển khai trên vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của UNCLOS mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”.
Bà Lê Thị Thu Hằng thêm một lần nữa khẳng định lập trường kiên định của Việt Nam liên quan đến vùng lãnh thổ tranh chấp trên Biển Đông:
“UNCLOS đã xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền thuộc các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tế xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật sư có uy tín quốc tế. Do đó, không có nước nào có thể đưa ra các yêu sách về vùng Biển Đông vượt quá những giới hạn về địa lý và nội dung được quy định trong UNCLOS. Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp bị chồng lấn. Các hoạt động cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình như nêu trên là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và UNCLOS. Việt Nam cũng khẳng định lập trường của mình về chủ quyền đối hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”, Zing dẫn lời người phát ngôn tuyên bố.
Lần đầu tiên nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiến vào vùng biển Việt Nam với sự hỗ trợ và hộ tống của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc từ đầu tháng 7.2019.
Trong tuyên bố ngày 19/7, bà Lê Thị Thu Hằng đã thay mặt Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu khẳng định hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Ngày 7/8, nhóm tàu của Bắc Kinh rời khu vực Bãi Tư Chính sau suốt hơn một tháng căng thẳng. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau, ngày 13.8, tàu Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) và các tàu hộ tống lại một lần nữa quay lại xâm phạm vùng EEZ của Việt Nam. Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ các quốc gia trong khu vực cũng như dư luận quốc tế.
Việt Nam bình luận dự án mỏ khí Cá Voi Xanh liên quan ExxonMobil
Đưa ra tuyên bố khẳng định dự án hợp tác khai thác dầu khí giữa tập đoàn Mỹ ExxonMobil với PVN Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng đã “đập tan” tin đồn cho rằng gã khổng lồ dầu mỏ của Hoa Kỳ đang có kế hoạch rút khỏi dự án mỏ khí Cá Voi Xanh tại Biển Đông.
Tại phiên họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn khẳng định đã nhận được thông tin dữ liệu về tình hình hợp tác của ExxonMobil với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
“Theo chúng tôi được biết, tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đã có thông tin cho biết các dự án dầu khí ở miền Trung Việt Nam, bao gồm các dự án trên biển và trên bờ được tổ hợp nhà thầu PVN, Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí ExxonMobil triển khai theo kế hoạch”, Tuổi trẻ dẫn lời bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Trước đó, đã xuất hiện nhiều thông tin về việc tập đoàn Mỹ sẽ rút khỏi chương trình hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam. Dự án Cá Voi Xanh nằm trong lô 118 thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam.
Trước đó, năm 2013 tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil lên tiếng muốn đầu tư vào Việt Nam với dự án điện khí trị giá 20 tỷ USD tại Quảng Ngãi và Quảng Nam. Tổ hợp liên doanh các nhà thầu Hoa Kỳ (tập đoàn dầu khí ExxonMobil) và đại diện doanh nghiệp Việt Nam gồm, PVN và PVEP (Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí PVEP) ký thỏa thuận khung về việc triển khai dự án mỏ khí Cá Voi Xanh.
Tuy nhiên, sau đó, lại xuất hiện thông tin cho biết tổng nguồn vốn đầu tư có thể đã giảm xuống còn 10 tỷ USD. Với dự án Khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh nếu triển khai đúng kế hoạch, Việt Nam có thể chào đón dòng khí đầu tiên từ mỏ khí ngoài khơi miền Trung vào năm 2023.
Trong thông cáo báo chí mà Tổng Công ty dầu khí quốc gia Việt Nam phát đi ngày 12.9 nêu rõ “PVN không bình luận” với các thông tin xung quanh dự án dầu khí ở miền Trung.
Việt Nam phản đối Trung Quốc triển khai máy bay không người lái ở Biển Đông
Hà Nội đã đưa ra tuyên bố trước thông tin Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc điều nguyên mạng lưới máy bay không người lái (UAV) giám sát các đảo và thực thể tranh chấp ở Biển Đông. Trong buổi họp báo thường kỳ, ngày 12.9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định:
“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên, nếu không có sự cho phép của Việt Nam, đều là bất hợp pháp và vô giá trị”.
Cụ thể, SCMP ngày 11.9 đưa tin cho biết, một mạng lưới máy bay không người lái do Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc vận hành đã được triển khai để canh chừng các đảo và rạn san hô ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp.
Hệ thống bao gồm nhiều máy bay không người lái (UAV) mang theo camera độ nét cao, phương tiện liên lạc di động đường bộ đóng vai trò như những trạm chuyển tiếp, cũng như mạng thông tin liên lạc hàng hải dựa trên vệ tinh.
Máy bay không người lái hạng nhẹ này sẽ bổ sung cho hệ thống viễn thám vệ tinh của Trung Quốc - thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết nhiều mây trong khu vực - với hình ảnh có độ phân giải cao, đa góc độ và được truyền phát theo thời gian thực.
Mạng lưới máy bay không người lái là lời khẳng định mới nhất của Trung Quốc về quyền lực của mình đối với khu vực, sau khi thành lập các tiền đồn quân sự trên 7 hòn đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.