Vụ án và hậu quả liên quan đến Bảo hiểm xã hội
Vụ án này nằm trong số những vụ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo và được dự định xét xử từ ngày 18/9 đến 24/9.
Năm bị cáo nguyên là lãnh đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) phải hầu tòa về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 3, Điều 165, Bộ luật Hình sự 1999) gồm:
Ông Lê Bạch Hồng (cựu Thứ trưởng Lao động, Thương binh và xã hội, cựu Tổng giám đốc); Nguyễn Huy Ban (cựu Tổng giám đốc); Trần Tiến Vỹ (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp); Hoàng Hà (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) và Nguyễn Phước Tường (cựu Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính). Khung hình phạt truy tố từ 15 đến 20 năm tù.
Riêng bà Trần Thanh Thủy (nguyên chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285, Bộ luật Hình sự 1999. Khung hình phạt từ 3 đến 12 năm tù.
Theo cáo trạng, từ tháng 4/2008 đến tháng 8/2009, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký 14 hợp đồng cho Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Agribank (ALC II) vay 1.697 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Trong đó, ông Ban trực tiếp ký và chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng cho vay, tổng số 630 tỷ đồng, không đúng nguyên tắc đầu tư, đối tượng. Theo quy định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ được cho phép các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay vốn. Ông Ban đã gây thiệt hại cho Nhà nước tổng cộng hơn 1.263 tỷ đồng (cả gốc và lãi). Bị cáo Lê Bạch Hồng được xác định có quyền quyết định cao nhất. Ông Hồng đã thực hiện hành vi phạm tội và cố ý tham gia làm thủ tục ký 3 hợp đồng cho ALC II vay 380 tỷ đồng, gây thiệt hại 434 tỷ đồng (cả gốc lẫn lãi).
ALC II chỉ trả được một hợp đồng (200 tỷ đồng), sau đó không thanh toán lãi hàng tháng, không trả tiền gốc khi đến hạn. Từ tháng 7/2018, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên bố ALC II phá sản. 2 hợp đồng đã ký lại quá hạn không thu hồi được, gây thiệt hại cho Nhà nước. Tính đến nay, số nợ của ALC II là gần 1.700 tỷ đồng, không có khả năng trả.
Mức án được đề nghị cho các bị cáo
Do ông Hồng chưa có tiền án, tiền sự, tại tòa, đồng thời, bị cáo có thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải, được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương nên Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét cử giảm nhẹ hình phạt, chỉ áp dụng theo đó mức án từ 8-9 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố.
Các đối tượng còn lại bị Viện kiểm sát đề nghị tuyên mức án, thấp nhất từ 24 tháng tù và cao nhất 16 năm tù về Tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như sau:
Cựu tổng Giám đốc Nguyễn Huy Ban bị đề nghị mức án 15 - 16 năm tù.
Ông Nguyễn Phước Tường bị đề nghị mức án 15 - 16 năm tù.
Bị cáo Hoàng Hà có khả năng phải chịu mức án 8 - 9 năm tù.
Bị can Trần Tiến Vỹ bị đề nghị từ 3 - 4 năm tù.
Bà Trần Thị Thanh Thủy bị đề nghị 24 - 30 tháng.
Về trách nhiệm dân sự, người giữ quyền công tố cho rằng các văn bản bảo lãnh của Agribank liên quan vụ án không phải là “bảo lãnh vay vốn”. Hợp đồng giữa ALC II với BHXH chỉ đơn thuần là hợp đồng vay vốn.
Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét Agribank một phần trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả, bồi thường số tiền gần 1.700 tỉ đồng thiệt hại cho Nhà nước. Việc Agribank bảo lãnh cho ALC II tạo niềm tin cho BHXH để tiến hành ký hợp đồng chấp thuận cho vay vốn trái pháp luật.