Nghiên cứu khảo cổ cho thấy rằng, người Neanderthal sống trong môi trường trong lành vẫn có thể đối mặt với dạng ung thư như con người hiện nay. Ví dụ, các nhà khoa học đã tìm ra một bộ xương 120.000 năm tuổi cho thấy ít nhất đã có một người Neanderthal từng bị dạng ung thư một khối u trong xương sườn.
Mô tả cổ xưa nhất về một trong những loại bệnh ung thư - ung thư vú - được ghi nhận vào năm 2625 trước Công nguyên bởi Imhotep, vị bác sĩ Ai Cập cổ đại. Các cách cắt bỏ khối u ung thư, điều trị bằng thuốc mỡ arsenic được mô tả trong sử thi Ấn Độ cổ đại "Ramayana", thế kỷ IV trước Công nguyên.
Ngày nay, có rất nhiều biến thể của bệnh ung thư. Mặc dù đối với nhiều người, được thông báo ung thư như bị kết án tử, nhưng không phải tất cả các khối u ác tính đều dẫn đến tử vong. Hơn nữa, hiện nay các bác sĩ chuyên khoa ung thư sở hữu các phương tiện phẫu thuật công nghệ cao, phương pháp X quang và điều trị bằng thuốc.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, các chuyên gia của Trung tâm Ung thư St. Petersburg – bệnh viện điều trị ung thư mới nhất ở Nga được khai trương vào năm 2011 - cho biết về tất cả điều này. Các thiết bị độc đáo của Trung tâm giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư. Khoa ngoại trú phục vụ cho khoảng 400 bệnh nhân mỗi ngày, trong năm 2018, 28 nghìn bệnh nhân đã được điều trị tại khoa nội trú, các bác sĩ đã thực hiện 12 nghìn ca phẫu thuật.
Một trong những nhiệm vụ chính của Trung tâm là xác định các xu hướng chính trong ngành điều trị ung thư, để áp dụng những phương pháp hiệu quả nhất. Chính bởi vậy Trung tâm chủ trương mở rộng sự hợp tác với các cơ sở y tế tương tự ở nước ngoài, Giáo sư Vitaly Egorenkov, Phó Giám đốc về công tác y tế của Trung tâm Ung thư St. Petersburg, nói với Sputnik.
“Cách đây một năm, trong danh sách các đối tác nước ngoài của chúng tôi đã xuất hiện Bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh. Quan hệ hợp tác đã được thiết lập rất nhanh. Vào tháng 5 năm 2018, các đại diện của Bệnh viện Ung Bướu đã đến St. Petersburg để tham gia hội nghị dành riêng kỷ niệm 95 năm chuyến thăm đầu tiên của lãnh tụ Việt Nam Hồ Chí Minh đến Nga. Khi đó, chúng tôi đã thảo luận về những lĩnh vực hợp tác chính. Cuộc thảo luận đã được tiếp tục trong thời gian các chuyến thăm “đáp lễ” của phái đoàn chúng tôi đến Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6 năm 2018 và tháng 3 năm 2019. Tại Việt Nam, các chuyên gia của St. Petersburg đã thấy rõ rằng, tình trạng ung thư ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh và diễn biến phức tạp, đặc biệt ở miền Nam. Thật vậy, sau nửa thế kỷ, Việt Nam vẫn phải gánh chịu những hậu quả vô cùng khủng khiếp của vũ khí hóa học do quân đội Mỹ phun rải”.
Năm nay, trong khuôn khổ “Những ngày thành phố Hồ Chí Minh tại St. Petersburg”, hai cơ sở y tế đã ký kết Thỏa thuận hợp tác. Theo văn kiện này, hai bên sẽ có các trao đổi, ví dụ, vào tháng 11 năm nay hai chuyên gia từ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực tập trong ba tuần tại Trung tâm Ung thư St. Petersburg. Và sau đó, một nhóm các bác sĩ chuyên khoa ung thư từ St. Petersburg sẽ đến Thành phố Hồ Chí Minh để trao đổi kinh nghiệm. Hai trung tâm dự định cùng nghiên cứu các bệnh ung thư có tính di truyền, tạo ra kho lưu trữ kỹ thuật số chung về các khối u hiếm và các phương pháp điều trị, tổ chức các lớp học về điều trị phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư. Và, tất nhiên, hai bên sẽ trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng ngừa và chẩn đoán sớm các khối u ác tính.
Giáo sư Egorenkov nói rằng, công việc chung của hai trung tâm sẽ giúp cải thiện cơ sở chăm sóc y tế:
“Tôi chắc chắn rằng, sự hợp tác với Bệnh viện Ung Bướu TP. Hồ Chí Minh sẽ mang lại lợi ích cho cả đội ngũ bác sĩ và khoa học y tế, và điều quan trọng nhất – cho các bệnh nhân ở Nga và Việt Nam”.