Sửa đổi quy định xử phạt hành vi sàm sỡ
Ngày 26/9, Bộ Công an công bố dự thảo lần 2 Nghị định sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy và phòng, chống bạo lực gia đình.
Một số hành vi chưa có quy định xử phạt cụ thể, hoặc áp dụng khoản 1, điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP nên cần được chỉnh đổi và bổ sung.
Dự thảo này lấy ý kiến góp của các bộ, ngành, địa phương và gồm 4 chương, 72 điều, trong đó đáng chú ý là đề xuất tăng mức tiền phạt đối với hành vi dâm ô, quấy rối tình dục, kích dục ở nơi công cộng.
Thời gian vừa qua đã xảy ra không ít vụ sàm sỡ, quấy rối tình dục ở nhiều nơi.
Điển hình là trường hợp của Đỗ Mạnh Hùng (37 tuổi, trú tại phố Tư Đình, phường Long Biên, TP Hà Nội). Người đàn ông đã thừa nhận có hành vi sàm sỡ cô gái trong thang máy của tòa chung cư Golden Palm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hồi cuối tháng 3/2019. Hoặc mới đây nhất, đầu tháng 9/2019, Nguyễn Thanh Thụy (28 tuổi, trú tại xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã có hành vi sàm sỡ một cô gái đang phơi đồ tại phường Tân Thạnh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam).
Theo hành lang pháp lý hiện hành, trong một số vụ việc, người vi phạm chỉ bị xử phạt 100.000-300.000 đồng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ, theo đó, hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Mức phạt này từng gây nhiều phản ứng trong dư luận, được cho là “quá nhẹ” so với tính chất nghiêm trọng của hành vi.
Tại Khoản 4, Điều 5 quy định việc xử phạt các vi phạm về trật tự công cộng, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sàm sỡ, quấy rối tình dục, khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng.
Phát biểu về những điều chỉnh này, Luật sư Trương Anh Tú cho hay Bộ Công an cần phải đưa ra khái niệm cụ thể về thế nào là hành vi sàm sỡ, khiêu dâm nơi công cộng mới có thể áp dụng nghiêm trong xử lý vì hiện chưa có văn bản quy định. Khi các hành vi này được định danh và cho vào điều khoản cụ thể, việc theo dõi và áp dụng xử phạt mới hiệu quả, có tác dụng răn đe, tránh trường hợp “mỗi cơ quan hiểu theo một kiểu”.
Dự thảo đã thay đổi những mục nào?
Điều 4 của Dự thảo về Quy định về xử phạt trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình nêu rõ:
“Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đối với cá nhân là 30 triệu đồng, đối với tổ chức là 60 triệu đồng. Trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tệ nạn xã hội đối với cá nhân mức phạt tiền tối đa là 40 triệu đồng, đối với tổ chức là 80 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng”.
Theo dự thảo này, hành vi để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.
Người gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng từ 22h đến 6h ngày hôm sau sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa một triệu đồng.
Đồng thời hành vi gây ứ đọng rác thải làm mất vệ sinh chung, đi vệ sinh không đúng nơi quy định bị phạt tiền 300.000-500.000 đồng.
Hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi sản xuất, kinh doanh sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.