Việc “bỏ quên” 9 người Việt Nam ở Hàn Quốc
Báo chí Việt Nam tiếp tục nóng với những thông tin liên quan vụ 9 người Việt Nam là đại diện doanh nghiệp tham gia đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn Đại biểu Việt Nam sang thăm và làm việc theo lời mời của Chủ tịch Quốc Hội Hàn Quốc Moon Hee Sang tháng 12/2018, đã bỏ trốn, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Trước đó, ngày 23.9 vừa qua, Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc đã đưa tin về 9 người trong Phái đoàn kinh tế đi theo Đoàn Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã bỏ trốn để ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc hơn 10 tháng.
Trước “tin đồn” khẳng định những người bỏ trốn “là người quen” của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ông Dũng đã phát biểu với báo chí: “Tôi đã kiểm tra kỹ, họ không liên quan gì tới tôi cả. Do phía công an đang điều tra nên danh tính ra sao không thuộc thẩm quyền công bố của bộ nữa”
Phát hiện đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh và ở lại vào Hàn Quốc bất hợp pháp
Theo nguồn tin Sputnik có được, việc này đã xảy ra từ tháng 12 năm 2018. Khi có sự cố này, các cơ quan an ninh của Hàn Quốc và Việt Nam thống nhất rằng chưa vội công bố các thông tin để tiếp tục điều tra làm rõ tận gốc vấn đề. Kết quả là phía Hàn Quốc đã vạch trần một “đường dây” đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Hàn Quốc. Đường dây này hình thành từ năm 2013 và đến khi bị phát hiện (đầu năm 2019) đã đưa trót lọt hơn 2.000 người nước ngoài nhập cảnh và ở lại vào Hàn Quốc bất hợp pháp với giá từ 500.000 won tới 1.000.000 won/người tùy theo đối tượng. Sai phạm lớn nhất nằm ở Cơ quan quản lý di trú của Hàn Quốc với tội danh “Hối lộ” và “Vi phạm quy định về xuất nhập cảnh” (Theo Bộ luật Hình sự của Hàn Quốc).
“Đây là một chuyên án lớn được đặt dưới sự chỉ đạo của Interpol về chống buôn bán người và đưa người vượt biên trái phép do Cơ quan an ninh Hàn Quốc phối hợp với Cơ quan An ninh Việt Nam điều tra. Vụ việc còn đang làm rõ”, - Nguồn tin đáng tin cậy nói với Sputnik.
Vụ “9 người Việt Nam” trốn ở lại Hàn Quốc: Sai lầm của Bộ KH-ĐT, sai lầm của Văn phòng Quốc hội
Thông cáo báo chí của Bộ KT-ĐT ngày 26/9 cho biết: Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi cùng đoàn công tác của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong các hoạt động chính trị, ngoại giao ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, nhằm phát triển quan hệ chính trị, ngoại giao kết hợp phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và các địa phương mở rộng các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, hiện thực hóa các cam kết về hội nhập.
Đúng như thông cáo báo chí của Bộ KT-ĐT, việc các doanh nghiệp đi theo đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra nước ngoài là việc làm bình thường, nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư...Nhưng, lợi dụng tình huống này, một số doanh nhân Việt Nam có sai phạm, và thậm chí là có doanh nghiệp đang nằm trong “tần ngắm” của Cơ quan An ninh Việt Nam đã lợi dụng sự “dễ dãi’ trong việc cho các doanh nhân Việt Nam tháp tùng nguyên thủ quốc gia (nhưng không nằm trong thành phần đoàn đại biểu chính thức) đi mở rộng làm ăn với nước ngoài để bỏ trốn.
“Lần này, một số người đã cố tình lợi dụng việc tham gia đoàn để bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp, bỏ cả hộ chiếu lại. Toàn bộ số hộ chiếu này, sau đó đã được Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư bàn giao cho các cơ quan chức năng”, Bộ KH-ĐT thừa nhận trong Thông cáo báo chí.
Đáng chú ý, theo thông báo phát đi hôm 26.9, Bộ KH-ĐT cũng đánh giá đây là sự việc nghiêm trọng, sự cố lần đầu tiên xảy ra, nên “Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận rằng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm”. Bộ KH-ĐT cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để truy tìm các đối tượng hiện đang bỏ trốn, triệu hồi về nước và xử lý theo quy định của pháp luật.
“Trước hết, đó là sai lầm của Bộ Kế hoạch và đầu tư khi duyệt danh sách nhưng không tham khảo ý kiến của Bộ Công an về nhân thân của các đối tượng xuất/nhập cảnh. Sau đó là sai lầm của Văn Phòng Quốc hội khi bố trí “chuyên cơ chung” mà không phối hợp với Bộ Công an để rà soát danh sách”, - Nguồn tin của Sputnik bình luận.
9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp là ai?
9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp là ai? Chắc chắn, họ không phải dạng "túng thiếu" phải trốn ở lại để "lao động chui" nhằm kiếm tiền gửi về giúp gia đình như các trường hợp thường gặp khác. Theo MBC, đến nay, 2 trong số 9 người nói trên đã bị phía Hàn Quốc trục xuất. Nhưng danh tính của họ tới nay vẫn còn là bí mật.
“Họ chắc có "vai vế" nhất định. Về kinh tế chắc chắn chả phải "nghèo đói" gì. Vậy tại sao họ trốn? Bỏ cả hộ chiếu? Và vì sao danh sách người trốn được giữ kín đến tận hôm nay? Phải chăng họ trong tầm ngắm của Cơ quan điều tra, tầm ngắm của chiến dịch "đốt lò" nên đã cao chạy xa bay nhằm đến nước thứ ba?”, - Một nguồn tin khác của Sputnik đặt câu hỏi.
Có một điều bất hợp lý là mỗi nguyên thủ quốc gia của Việt Nam ở các thời kỳ (không riêng gì Chủ tịch Quốc hội) đều mang theo các đoàn doanh nhân đi ký kết các hợp đồng kinh tế phi chính phủ nhằm tạo uy tín cho họ đễ dàng làm ăn với đối tác nhưng những doanh nghiệp thực sự có được hợp đồng đối tác có chất lượng và có hiệu quả lại không nhiều.
“Vụ việc vừa qua cho thấy đó là “con dao hai lưỡi”. Thế nên có hay không có người nhà của ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng đi cùng đoàn đó thì sự sơ hở, mất cảnh giác cũng vẫn cứ diễn ra như vậy mà thôi”, - Nguồn tin của Sputnik phát biểu.
Sự việc “9 người Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc” diễn ra tại Hàn Quốc, trách nhiệm chính thuộc về Cảnh sát Hàn Quốc nhằm truy tìm và trục xuất số người này về nước. Còn về phía Việt Nam, theo quy định tại Điều 121 Bộ Luật hình sự thì người nào trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân mới là tội phạm. Nếu trốn đi hoặc trốn ở lại nước ngoài mà không nhằm mục đích "chống chính quyền" thì không phải tội phạm. Nếu đã không phải tội phạm thì sao Bộ Công an Việt Nam phải điều tra? Còn quá nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này. Chúng ta hãy đợi kết quả điều tra của Bộ Công an.