70 năm tồn tại của CHND Trung Hoa mang đến điều gì cho thế giới?
Sách Trắng đã được phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa, quốc khánh được tổ chức vào ngày 1 tháng Mười. Và cũng như bất kỳ ấn phẩm nào khác kỷ niệm ngày lễ, sách đề cập đến những thành công của Trung Quốc trên chính trường thế giới. Nhóm tác giả nhắc lại rằng vào những năm 1950, Trung Quốc, cùng với Ấn Độ và Miến Điện, là đồng tác giả của năm nguyên tắc chung sống hòa bình, sau này trở thành luật quốc tế. Vào thế kỷ 21, Trung Quốc đã đề xuất khái niệm “một cộng đồng toàn cầu vì tương lai chung của nhân loại”.
Từ những ngày đầu tiên tồn tại của CHND Trung Hoa, nó đã hỗ trợ cho các nước đang phát triển và các tổ chức quốc tế. 77 tỷ đô la đã được chi tiêu cho việc này, theo thời giá hiện tại. Để hỗ trợ các nước khác, chính phủ Trung Quốc đã gửi 600.000 công dân Trung Quốc với sứ mệnh này.
Nhìn chung, - Sách Trắng kết luận, Trung Quốc có tác động tích cực đến hòa bình và phát triển của toàn thể loài người trên thế giới. Sự phát triển của Trung Quốc là vì lợi ích của cả nhân loại.
Đối với những người e sợ sự toàn thịnh của Trung Quốc trong kinh tế và chính trị thế giới, Sách Trắng trả lời: Trung Quốc sẽ không bao giờ tiến hành chính sách bá quyền, bành trướng và thiết lập các vùng thuộc ảnh hưởng của mình.
Có thể tin tưởng lời được không?
Tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không theo đuổi chính sách bá quyền và bành trướng không phải là mới. Ví dụ, điều này đã được nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phát biểu từ lễ đài Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX vào tháng 10 năm 2017.
Cá nhân tôi không có lý do để không tin những lời này. Bởi vì nội dung này thể hiện trong các tài liệu chính thức của Trung Quốc, do đó, là một “kim chỉ nam” cho giới chính trị gia, giới ngoại giao, quân sự, cho tất cả những người cộng sản Trung Quốc và toàn dân Trung Quốc.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý với tôi. Vài ngày trước khi xuất bản Sách Trắng, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Lockin, phát biểu tại New York, đã gọi Trung Quốc là nước "bá chủ". Theo lời ông, Trung Quốc hành xử ở Biển Đông chính xác như một “bá chủ”. Tiếp tục phát triển ý tưởng của mình, Bộ trưởng Philippines bày tỏ quan điểm rằng Bắc Kinh đang cố gắng áp đặt lên các nước ASEAN như Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, nơi công nhận quyền bá chủ của Trung Quốc trong khu vực. Teodoro Lockin nói rằng: “Nó sẽ là một cuốn cẩm nang hướng dẫn về cách sống chung cùng một phòng với con rồng”.
Tất nhiên, có thể nói rằng Teodoro Lockin thể hiện quan điểm hoàn toàn cá nhân, nhưng không có gì bí mật rằng phần lớn người Philippines (các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy điều này) có thái độ tiêu cực đối với Trung Quốc và người Hoa, đặc biệt là về hành vi của họ ở Biển Đông, nơi người Trung Quốc thực sự đã chiếm hữu rạn san hô Scarborough mà người Philippines coi là của riêng họ.
Những sự kiện khác trong những tháng gần đây, khi Bắc Kinh cản trở việc thăm dò dầu trên thềm lục địa Việt Nam và gửi tàu của họ đến khu vực tranh chấp này, khiến nhiều người nghi ngờ sự chân thành của những phát ngôn được truyền tải bởi những cơ quan đảng cao nhất và chính quyền nhà nước của Trung Quốc.
Kết luận cuối cùng về chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ được nhân loại đưa ra không phải theo lời nói, mà bằng hành động.