Người ta đã kể những truyền thuyết về Karl Marx với những người lao động mù chữ và tại sao người Trung Quốc vẫn tôn sùng Mao Trạch Đông – trong tài liệu của Sputnik.
Chủ nghĩa cộng sản đặc biệt
"Chủ tịch Mao tuyên bố một cách trang trọng và đầy nhiệt huyết:"Các đồng bào, từ ngày này trở đi, Chính phủ Trung ương Nhân dân Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập", - chúng tôi đọc được trên một tờ báo phát hành bảy mươi năm trước. Ngày 1 tháng 10 năm 1949, trên Quảng trường Thiên An Môn đã tuyên bố ra đời một quốc gia mới.
Người sáng lập nhà nước cộng sản ngày nay vẫn là một biểu tượng của Trung Quốc. Uy thế của ông không bị nghi ngờ. Chân dung Mao Trạch Đông tô điểm cho quảng trường chính đất nước, gần đó là lăng của ông- một địa danh đáng chú ý của thủ đô.
Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không lên nắm quyền theo cách của những người Bolshevik. Những người bạn đồng hành với Mao không chỉ "gieo mầm" ý thức hệ Liên Xô vào đất Trung Quốc. Họ đã tạo ra phong trào công nhân và nông dân độc đáo của riêng họ, đặc biệt, chú trọng đến tín ngưỡng và phong tục truyền thống.
Ngay cả ở Trung Quốc hiện đại, theo các cuộc thăm dò, Mao Trạch Đông vẫn rất được tôn sùng trong dân chúng. Hình ảnh các vị bồ tát Phật giáo thường đặt bên cạnh chân dung của "nhà lãnh tụ vĩ đại". Hình ảnh của vị lãnh đạo cộng sản chiến đấu chống lại những định kiến và mê tín, xuất hiện trên các bàn thờ được bao quanh bởi những thẻ hương, lễ vật trái cây, rượu và thuốc lá.
Tại quê hương Mao Chủ tịch ở Thiệu Sơn, người dân đứng cúi đầu trước đài tưởng niệm ông và đốt cháy những món quà nghi lễ (vàng mã). Tất cả những điều này là tiếng vang vọng của thời đại mà cách mạng xã hội chủ nghĩa chỉ mới ở giai đoạn sơ khai.
"Chúng tôi sẽ đi theo con đường khác"
Cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 chấm dứt sự cai trị của triều đại nhà Thanh cuối cùng. Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, cuộc khủng hoảng đã nổ ra ở Trung Hoa Dân Quốc, do nguyên nhân từ bên ngoài, xung đột huynh đệ tương tàn trong nội bộ quân đội, tình hình khó khăn của công nhân và tất nhiên là ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười ở Nga đến đội ngũ trí thức.
Vào thời điểm thành lập Đảng Cộng sản năm 1921, quần chúng vẫn rất xa lạ với tư tưởng Marx và Lenin. Các nhà lãnh đạo đã phải tìm cách tiếp cận sáng tạo đối với sự nghiệp cách mạng.
Quê hương của nhiều nhà cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc, kể cả Mao Trạch Đông, là tỉnh Hồ Nam. Chính tại đây, mỏ than của thị trấn An Nguyên, một trong những tổ chức công nhân đầu tiên và một chi bộ Đảng Cộng sản đã xuất hiện. Sau đó, nơi này thậm chí còn được gọi là "Moskva nhỏ".
Lý Thập Tam đã đến đây vào năm 1922 để tiến hành thử nghiệm. Ở Pháp, ông được truyền cảm hứng từ phong trào công nhân Pháp và thấm nhuần tư tưởng chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, ông biết rất rõ người dân địa phương, phong tục và truyền thống của họ, và hiểu rằng đọc “Tư bản” cho những người thợ mỏ mù chữ và nói chuyện về cuộc đấu tranh giai cấp chỉ là sự vô ích.
Ông già râu quai nón ở cách xa bảy biển
Mặc trang phục của một học giả Nho giáo (Lý Thập Tam thực sự dạy triết học Trung Quốc), ông đã đến gặp chính quyền mỏ than với đề nghị mở trường học và câu lạc bộ cho công nhân. Tất nhiên, trong bộ trang phục "người đàn ông Nho giáo" không ai nghi ngờ đó là một người cộng sản.
Ông truyền bá tư tưởng cách mạng, dựa vào văn hóa dân gian. Trong ngày lễ hội dân tộc, ông đã tổ chức “điệu múa lân”, thường được biểu diễn bởi các võ sư của các trường võ thuật. Những người thợ mỏ trong trang phục phù hợp đi qua các đường phố theo nhịp trống và tiếng pháo nổ điếc tai. Người dân địa phương tỏ thái độ quan tâm.
Nhiều người trong số họ sau đó đã đến tham gia câu lạc bộ và trường học. Lý Thập Tam đã tạo ra một huyền thoại dành cho họ. Ông nói rằng người sáng lập trường được sinh ra ở gần đó - tại thành phố Hồ Nam, quê hương của chính bản thân ông Lý. Tuy nhiên, bây giờ ông sống ở vùng đất xa xôi, và để tìm thấy ông, cần phải vượt qua bảy biển: "Tên ông là thầy Ma. Ông đã hơn 100 tuổi và có bộ râu xám dày". Thật dễ dàng để đoán rằng đằng sau hình ảnh thầy Ma của người Trung Quốc chính là Karl Marx.
Vào ngày lễ tiếp theo, các thành viên câu lạc bộ đã tham gia đám rước kiệu. Trong những dịp lễ như thế này thường là tượng của các vị thần, nhưng không phải lần này. Có một bức tượng bán thân của người sáng lập huyền thoại của trường - ông già râu dài Marx.
Cuộc đình công đầu tiên
Khi nói đến cuộc đình công, Lý Thập Tam đưa ra khẩu hiệu: "Chúng ta từng mang thân phận gia súc, giờ đã đến lúc trở thành con người". Điều này không hoàn toàn phù hợp với khái niệm "đấu tranh giai cấp", nhưng những người thợ mỏ kiệt sức vì lao động khổ sai, rất thích ý tưởng này.
Lý Thập Tam biết rằng cuộc đình công có thể được bảo đảm với sự giúp đỡ của các tổ chức tội phạm bí mật – hội Tam hoàng. Chỉ cần thu hút họ hợp tác. Và tại đây, ông đã cho thấy khả năng giao tiếp với người dân địa phương bằng "ngôn ngữ" của họ: vào đêm kết nạp người mới, ông đến nơi tập trung với một con gà trống và chai rượu – nghi lễ truyền thống của sự khởi đầu trong hội Tam hoàng. Ông đã thỏa thuận về tất cả mọi thứ, và cuộc đình công đầu tiên của công nhân mỏ than An Nguyên vào tháng 9 năm 1922 đã thành công. Tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc đã đạt được mà không cần đổ máu.
Kinh nghiệm này đã được sử dụng ở các tỉnh khác. Lý Thập Tam sau đó lãnh đạo cách mạng ở Thượng Hải, và sau đó là cuộc nổi dậy năm 1927 ở Nam Xương. Nhưng không được lãnh đạo đảng ủng hộ, ông bị chỉ trích và đày đến Liên Xô năm 1930. Tại Moskva, ông kết hôn với nữ công dân Liên Xô Elizaveta Kishkina, người cùng ông trở về quê hương vào năm 1945.
Mặt trời đỏ của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc
Theo thời gian, đặc thù Trung Quốc về việc thần thánh hóa những người dạy học, đã diễn ra dưới hình thức kỳ cục. Sự sùng bái cá nhân người sáng lập nhà nước bắt đầu hình thành từ những năm 1940. Thậm chí khi đó, ngững người cộng sản đã nghiên cứu các tác phẩm của ông. Sau đó, xuất hiện các tác phẩm điêu khắc, chân dung, tranh vẽ mô tả "lãnh tụ vĩ đại", "mặt trời đỏ" và "vị chủ tịch khôn ngoan nhất".
Cuốn sách Đỏ nổi tiếng với những lời phát biểu của Mao Trạch Đông trở thành một trong những biểu tượng của cuộc cách mạng văn hóa những năm 1960. Sự sùng bái cá nhân Mao Chủ tịch trong những năm đó đạt đến quy mô của sự vô lý, một người có thể bị đánh vì không có hình ảnh của chủ tịch, hoặc không thể trích dẫn những phát ngôn chứa trong sách Đỏ.
Sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, CHND Trung Hoa đã đi đến kết luận không phải tất cả các hành động của chủ tịch đều đúng. Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của cuộc đổi mới Trung Quốc - chính sách cải cách và cởi mở trong những năm 1980, đã đưa ra công thức chính xác: 70% những gì Mao Trạch Đông đã làm là đúng, nhưng 30% là sai lầm.
Ngoài ra, Đặng Tiểu Bình cũng đưa ra nguyên tắc lãnh đạo tập thể. Kể từ năm 1982, hiến pháp đã giới hạn thời gian giữ chức vụ chủ tịch nước trong hai nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên, vào năm 2018, Ủy ban Trung ương ĐCS Trung Quốc đã đưa ra các sửa đổi và các hạn chế đã được dỡ bỏ.
Hình ảnh của Mao Trạch Đông ngày nay không chỉ là một yếu tố của văn hóa đại chúng thế giới, mà còn bảo tồn các đặc điểm "thần thánh hóa" - trong mắt những người dân Trung Quốc bình thường. Bằng cách này hay cách khác, Trung Quốc đã trở thành một trong những siêu cường thế giới, đạt được thành công đáng kinh ngạc về kinh tế. Chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc đã thắng.