Theo lời ông Kim Myong-gil trưởng phái đoàn đàm phán của Bắc Triều Tiên, người Mỹ đã không nêu ra bất cứ điều gì có thể sánh với cử chỉ hào phóng của Bình Nhưỡng là chấm dứt các vụ thử tên lửa hạt nhân và liên lục địa, phá hủy địa điểm thử hạt nhân và trao trả hài cốt của lính Mỹ. Vì thế, có đề nghị hoãn đàm phán cho đến cuối năm nay.
Tuy nhiên, theo quan điểm của phía Mỹ, mọi thứ không đến nỗi quá tệ. Như tuyên bố của đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, phái đoàn Mỹ đã trình bày những đề xuất mới theo tất cả bốn điểm của Tuyên bố Singapore đã được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên hồi năm ngoái. Và hơn nữa, Washington đang chờ đón phái đoàn Bình Nhưỡng tại cuộc gặp làm việc kế tiếp ở cùng địa điểm sau 2 tuần lễ.
Đàm đạo với Sputnik, các chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc đã chia sẻ đánh giá của họ về những cuộc đàm phán hiện tại và thảo luận câu hỏi - liệu còn chăng cơ hội tiến lên trên con đường phi hạt nhân hóa?
“Lý do tuyên bố của đại diện CHDCND Triều Tiên về sự thất bại của cuộc gặp đã cho thấy cách nhìn nhận của Bình Nhưỡng về cố gắng của Hoa Kỳ trong việc loại bỏ tất cả các hệ thống công cụ đe dọa an ninh và phát triển đất nước. Rõ ràng Hoa Kỳ đã không đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào trong số này - như đại diện Bình Nhưỡng đã nêu, «người Mỹ đến họp mà tay trắng không hề có sự chuẩn bị» và không thèm tính đến yêu cầu của CHDCND Triều Tiên, chính kiểu làm việc như vậy «đã đẩy lui mọi cố gắng đàm phán». Theo tôi, người Mỹ khó có thể đến họp mà không có đề xuất, nhưng như đang thấy, những gì do người Mỹ đưa ra không đủ để đáp ứng ngay cả những yêu cầu tối thiểu của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên bây giờ CHDCND Triều Tiên không còn ở vị thế để “vênh mặt” cố nhận thêm nhiều nhượng bộ hơn từ người Mỹ. Mà chính xác ra thì Bình Nhưỡng không hẳn muốn nhận thêm, chí ít là cái gì đó, nhưng phải chắc chắn”, - ông Kim Dong-yup, GS từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông của ĐHTH Kyungnam nhận xét.
Theo quan điểm của ông, trông đợi thành công đàm phán ngay từ ban đầu là chuyện rất phức tạp, bởi không chỉ Hoa Kỳ muốn nhận thêm cái gì đó, ngoài đề xuất của Bắc Triều Tiên trước đây như đóng cửa Trung tâm hạt nhân chính ở Yongbyon, phía Bình Nhưỡng cũng có yêu cầu riêng của họ nữa. Và đó không phải là hình dung trừu tượng về xây đắp mối quan hệ mới mẻ giữa hai nước, cùng tạo lập chế độ hòa bình dài lâu và bền vững trên bán đảo Triều Tiên, như đã được nêu trong mục 1 và 2 của Tuyên bố Singapore.
“Tuyên bố của Trưởng phái đoàn Kim Myong-gil có cụm từ “Hoa Kỳ cả sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên tại Singapore đã áp đặt 15 lần trừng phạt chống chúng tôi và tiến hành tập trận chung với Hàn Quốc mấy lần, tuy đích thân Tổng thống Mỹ đã cam kết đình chỉ. Hoa Kỳ đã đưa những phương tiện chiến tranh tiên tiến vào khu vực bán đảo Triều Tiên, công nhiên đe dọa quyền sống và quyền phát triển của chúng tôi”. Như vậy yêu cầu thêm của Bình Nhưỡng có thể là dỡ bỏ trừng phạt và chấm dứt tập trận chung Mỹ-Hàn”, - GS Kim phân tích.
Chuyên gia Cheong Seong-Chang, Phó Chủ tịch phụ trách Kế hoạch nghiên cứu từ Viện Sejong tán đồng với ý kiến của GS Kim. Vấn đề bao hàm ở chỗ Washington chưa sẵn sàng đi tới những nhượng bộ như vậy.
“Tuyên bố của Bắc Triều Tiên có nghĩa là đòi Hoa Kỳ giảm nhẹ lệnh trừng phạt, đình chỉ các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc và ngừng bán vũ khí tối tân cho Hàn Quốc. Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên không đồng ý thảo luận tổ hợp khái niệm, phương pháp và thời hạn phi hạt nhân hóa, mà trong trường hợp từ phía Bình Nhưỡng thiếu vắng tiến bộ thực sự về giải trừ hạt nhân thì Washington không bỏ qua sự vi phạm của Bắc Triều Tiên với lệnh trừng phạt và hoãn tập trận chung. Vì thế, tuyên bố của Bắc Triều Tiên rằng chỉ có Hoa Kỳ đang phá hủy sự tin cậy giữa hai nước là không đủ thu yết phục”, - ông Cheong đánh giá.
Tuy nhiên, từ tuyên bố của Hoa Kỳ cũng chẳng rõ rằng họ linh hoạt thế nào khi hóa giải mối lo ngại của Bình Nhưỡng. Nếu đến cuối năm nay không có tiến triển phi hạt nhân hóa và nới lỏng lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thì toàn bộ công nhân Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc (với con số ước tính khoảng 30-50.000 người), tại Nga và các nước khác sẽ bị trục xuất. Trong trường hợp này, nguồn thu nhập ngoại hối sẽ sụt giảm nghiêm trọng, điều đó có thể buộc Bình Nhưỡng trở lại con đường đối đầu cứng rắn với Mỹ. Về mặt tài chính, rõ ràng Bắc Triều Tiên trông đợi vào khả năng gia tăng dòng du khách từ Trung Quốc, nhưng ý này sẽ được Bắc Kinh ủng hộ đến đâu, thì vẫn là câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ.
“Theo quan điểm của Bắc Triều Tiên, kịch bản lý tưởng sẽ là chỉ từ bỏ một phần chương trình hạt nhân đổi lấy dỡ bỏ trừng phạt, để CHDCND Triều Tiên vẫn là một quốc gia hạt nhân đồng thời phát triển được kinh tế. Nhưng Hoa Kỳ và Hàn Quốc không chấp nhận lập trường như vậy. Do đó, nếu Bắc Triều Tiên không muốn tiếp tục bị cô lập, họ cần tích cực tham gia vào cuộc thảo luận toàn diện với Hoa Kỳ về các khái niệm, phương pháp và thời hạn phi hạt nhân hóa”, - ông Cheong nói thêm.
Theo quan điểm của chuyên gia Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên hiện chỉ tự gây phức tạp cho mình, trì hoãn giải quyết vấn đề này mà trong thời gian đó Bình Nhưỡng sẽ thiệt hại nguồn ngoại tệ từ các công nhân. Cách duy nhất để đi tới nhân nhượng là phấn đấu kiên quyết hủy bỏ vũ khí hạt nhân đổi lấy giảm trừng phạt và chế độ bảo đảm an ninh, trở lại bàn đàm phán với Washington. Nói chung trong tình huống như vậy Hàn Quốc cũng có việc để làm, - chuyên gia Kim Dong-yup nhận xét.
“Dành cho nền hòa bình không có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, có phần việc mà Hoa Kỳ và CHDCND Triều Tiên cần thực hiện, nhưng rõ ràng còn có điều mà miền Nam và miền Bắc Triều Tiên có thể làm. Và tôi không cho rằng điều đó chỉ nên thực hiện với sự hỗ trợ của Washington. Một chút can đảm của Hàn Quốc bây giờ rõ ràng không cản trở gì mà sẽ góp phần thúc đẩy thuận lợi hơn cho sự nghiệp phi hạt nhân hóa”.