Đề án trị giá 1.607 tỷ đồng
Mới đây, Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) TP.HCM đã trình đề án “Xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung”. Theo đó, từ nay đến năm 2025 sẽ lắp đặt khoảng 10.000 camera giám sát trên toàn thành phố với tổng kinh phí triển khai 1.607 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách.
Trong đó, dự kiến khoảng 1.000 đến 3.000 camera của Công an thành phố lắp đặt tại những khu vực trọng điểm, nhằm mục đích giám sát, nhận diện biển số phương tiện giao thông, nhận diện khuôn mặt, theo dõi triều cường, tình trạng ngập úng.
Đồng thời, hệ thống quản lý camera trên sẽ được trang bị các công cụ với yếu tố kỹ thuật và công nghệ được nâng cao hơn như phân tích hình ảnh, nhận diện và tìm kiếm đối tượng theo yêu cầu. Qua đó, sẽ hỗ trợ tốt cho việc chỉ đạo, điều hành và xử lí các tình huống như chống bạo động và các hành vi gây rối trật tự công cộng.
Những mạng lưới camera sẽ giúp thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực và giám sát, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT&TT TP. HCM, cho biết đề án của Sở không phải là đầu tư xây dựng hệ thống camera giám sát mới hoàn toàn, mà dựa trên nguyên tắc tập trung nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống camera hiện hữu.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Quốc Cường cho hay hiện toàn thành phố có gần 1.000 camera giám sát giao thông và khoảng 37.000 camera từ nguồn xã hội hoá. Cứ gần 7 km tại thành phố có 1 camera.
Hai giai đoạn lắp đặt 10.000 camera
Theo ông Lê Quốc Cường, việc tổ chức thực hiện Đề án được chia thành hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 (2019 - 2021), triển khai xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung như: rà soát lại mạng lưới camera giám sát an ninh trật tự, giám sát giao thông đã có, triển khai thí điểm các phần mềm, xây dựng quy hoạch triển khai hệ thống camera giám sát phục vụ công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Ngoài ra, cần nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng, đường truyền cáp quang.
Giai đoạn này cũng sẽ xác định, lựa chọn khoảng 300 camera hiện có và bổ sung 200 camera tại các vị trí trọng điểm, cần đảm bảo khả năng điều khiển tập trung từ Trung tâm điều hành đô thị thông minh và Trung tâm giám sát thường trực cấp TP (Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP) để kết nối trực tiếp vào hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung. Đồng thời, triển khai tích hợp khoảng 1.000 camera giám sát giao thông, an ninh trật tự của Sở Giao thông Vận tải, Công an Thanh phố và các quận huyện.
Đến giai đoạn 2 (2021 - 2025) cần mở rộng số lượng camera tại các khu vực trọng điểm để kết nối trực tiếp đến hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung, kể cả các camera giám sát an ninh trật tự của Công an Thành phố, dự kiến từ 1.000 đến 3.000 camera. Ngoài ra, số lượng camera được tích hợp dữ liệu tại hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung cấp TP, dự kiến khoảng 10.000 camera.
Theo ông Lê Quốc Cường, khi triển khai xong 2 giai đoạn toàn bộ mạng lưới camera trên sẽ được kết nối đồng bộ và phân quyền quản lý theo từng cấp độ.
Lắp camera giám sát giao thông trên cả nước
Đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021.
Mục tiêu kế hoạch lắp đặt camera giám sát tại các thành phố lớn nhất và trên cả nước là để cố gắng giảm số vụ vi phạm giao thông và tai nạn. Lãnh đạo Chính phủ muốn hạn chế vấn đề tắc nghẽn giao thông kéo dài hơn 30 phút, cũng như giảm tỷ lệ tai nạn giao thông từ 5 đến 10%.
Để đặt được mục đích nêu trên, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an lập kế hoạch lắp đặt camera liên kết với các trung tâm điều khiển giao thông hoàn thiện, trình ban hành quy định về thống kê và chia sẻ dữ liệu về tai nạn giao thông.
Một cơ sở dữ liệu quốc gia về tai nạn và vi phạm giao thông dự kiến sẽ được thiết lập vào năm 2020 nhằm chia sẻ thông tin với các Bộ Tư pháp, Y tế và Uỷ ban cấp nhà nước.
Đại diện Chính phủ nhấn mạnh rằng công nghệ cần phải được sử dụng để xử lý vi phạm giao thông và đảm bảo an ninh công cộng.
Đồng thời, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an lập đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn cả nước. Ngoài ra, xây dựng và vận hành Trung tâm chỉ huy điều khiển giao thông đảm bảo kết nối và xử lý dữ liệu camera từ các cơ quan, tổ chức khác để phục vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông gắn với an ninh trật tự.
Theo Nghị quyết, đến năm 2020 cần triển khai thí điểm camera giám sát tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và tiến tới trên toàn quốc từ năm 2022.