Đồng thời, trong nửa đầu năm, tốc độ tăng trưởng sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cũng giảm đến mức biểu tượng 1% - thấp hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2018. Phóng viên Sputnik cố gắng tìm hiểu, khi nào việc khai thác “vàng đen” sẽ không còn là lợi nhuận và nhân loại buộc phải chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế ra sao.
“Dây chuyền cộng hưởng của sự cạn kiệt”
Theo dữ liệu từ báo cáo thường niên của BP Statistical Review of World Energy, tính đến đầu năm nay, tổng sản lượng dầu khai thác trên thế giới lên tới 1,7 nghìn tỷ thùng. Trữ lượng lớn nhất là ở Venezuela – tương đương 303 tỷ thùng, ít hơn một chút là Ả Rập Saudi - 297 tỷ thùng. Tiếp đến là Canada (167 tỷ), Iran (155 tỷ), Iraq (147 tỷ) và Nga (106 tỷ). Hoa Kỳ có lượng “vàng đen” ít hơn đáng kể: 61 tỷ thùng.
Cần lưu ý rằng năm 2018 thị trường toàn cầu đã phải đối mặt với tình trạng khan dầu: khai thác 94,7 triệu thùng mỗi ngày từ lòng đất, thế giới đã đốt cháy nhiều thêm 5,5% - 99,8 triệu thùng. Điều đó gắn với hạn chế nhân tạo về khai thác của các nước OPEC nhằm duy trì mức giá hợp lý.
Có vẻ là với các chỉ số dầu như vậy, nhân loại sẽ đủ dùng thêm 50 năm nữa. Nhưng vấn đề thực sự là ở chỗ trữ lượng đã kiểm chứng vẫn không đảm bảo bất cứ điều gì, khâu khai thác không phải lúc nào cũng được đền bù. Hồi đầu tháng 10, Rosnedra (Cơ quan sử dụng lòng đất của LB Nga) đã hoàn thành thám sát kho dự trữ các mỏ dầu trong nước - chỉ 67% được công nhận là có triển vọng. Tức là khoảng 1/3 vỉa dầu sẽ không hoàn trả chi phí khai thác.
Có tình huống tương tự ở Trung Quốc. Tuần trước, PetroChina (công ty con của tập đoàn Nhà nước CNPC) đã phát hiện trữ lượng hydrocarbon khổng lồ trong vùng trũng Tứ Xuyên ở phía tây-bắc đất nước. Cụ thể, đã tìm thấy ở đó khoảng 358 triệu tấn dầu (tương đương 2,6 tỷ thùng) và 740 tỷ mét khối khí đá phiến.
— National Business Daily (@NBDPress) September 30, 2019
Tưởng chừng đó là tin vui. Nhưng các chuyên gia ngờ rằng dự trữ ngầm này sẽ không bao giờ được thấy ánh sáng ban ngày. Khâu khai thác đòi hỏi những khoản đầu tư lớn không chỉ về cơ sở hạ tầng để vận chuyển và xử lý nhiên liệu, mà còn cả cho công nghệ sản xuất: bởi những vỉa dầu cơ bản nằm ở độ sâu đến 3,5 km. Các phương pháp như khai thác thủy lực (bơm nước vào giếng, gây áp suất làm vỡ vỉa và giải phóng nhiên liệu), không chỉ thiếu hiệu quả ở độ sâu như vậy mà còn có thể gây ra động đất đầy tác hại. Do đó, sẽ rẻ hơn nhiều và an toàn hơn cho Trung Quốc là cứ việc nhập khẩu dầu, khí đốt dẫn qua đường ống và LNG.
Dầu đá phiến được lệnh “cố sống lâu”
Như các nhà phân tích của IHS Markit lưu ý trong báo cáo gần đây, đà tuột dốc của giá dầu trong năm 2014, khiến các nhà đầu tư dầu khí đốt ưa chọn công nghệ sản xuất dầu đá phiến triển vọng hơn là các dự án truyền thống. Việc phát triển các mỏ đá phiến đòi hỏi ít thời gian hơn so với khoan nước sâu, do đó, mang lại lợi tức hoàn vốn đầu tư nhanh chóng.
Nhưng dầu đá phiến chỉ là giải pháp tình thế, chứng cớ thấy rõ qua số liệu thống kê của ngành công nghiệp Mỹ. Trong nửa đầu năm, chỉ có 1% dầu được khai thác từ lòng đất so với cùng kỳ năm 2018, mặc dù một năm trước đó mức gia tăng đã đạt tới 7%.
Điều này nói lên rằng các mỏ then chốt gần như cạn kiệt. Ngay từ hồi tháng 8, các nhà phân tích của Wood Mackenzie đã lưu ý đến khối lượng nước dâng cao rõ rệt với dầu trong vùng đá phiến quan trọng của Mỹ là Permian Basin (bang Texas).
Trong vòng sáu tháng đầu năm nay, các mỏ mới trong lưu vực Permian Basin cho sản lượng ít hơn 12% so với năm 2018 và giảm đến 16% so với năm 2017. Ở hoàn cảnh như vậy, các công ty dầu mỏ buộc phải khoan thêm nhiều giếng mới, mặc dù với mức giá 60 USD / thùng thì đơn giản là không có lợi. Các chuyên gia nhắc rằng ngay cả khi giá “vàng đen” tăng thêm 10 USD, sản lượng dầu đá phiến ở Mỹ cũng sẽ chỉ tăng 200 nghìn thùng mỗi ngày, thua kém nhiều so với năm trước.
Kết quả là, bất kể những hứa hẹn của các nhà công nghiệp dầu đá phiến, tốn phí đầu tư vẫn không được đền bù: trong mười năm họ đã chi vượt hơn 200 tỷ USD so với số tiền họ kiếm được.
Mốc cạn khô không xa nữa
Ở Nga có ý kiến cho rằng nhu cầu “vàng đen” toàn cầu sẽ bắt đầu giảm ngay từ những năm 2030. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng giữ quan điểm tương tự: các chuyên gia của Cơ quan chuyên trách này tin rằng đỉnh điểm sẽ là năm 2025, sau đó “khẩu vị” của thị trường sẽ giảm chủ yếu do chuyển đổi sang các nguồn thay thế - khí đốt thiên nhiên, năng lượng gió, hạt nhân và thủy điện.