Số lợn buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi đã giảm
Ngày 17/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Thú y cho biết: “Từ lúc xuất hiện đầu tháng 2/2019 đến nay, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 8.223 xã thuộc 659 huyện của 63 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy trên 5,6 triệu con, với tổng trọng lượng là gần 325.000 tấn, chiếm khoảng 8,3% tổng trọng lượng lợn của cả nước”.
Theo ông Long, nguyên nhân giảm liên quan đến việc các hộ chăn nuôi hiện nay đã nhận thức rõ hơn và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn, nhất là áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và sử dụng các chế phẩm hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn.
Ngoài ra, có sự điều chỉnh và chỉ xử lý tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết và lợn dương tính với mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn khỏe mạnh cho phép tiếp tục theo dõi, hoặc lấy mẫu xét nghiệm âm tính thì được phép giết mổ, tiêu thụ tại địa bàn có dịch.
Hiện nay có 10 tỉnh, thành phố có trên 80% số xã đã qua 30 ngày không có bệnh dịch tả lợn châu Phi như Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Sơn La, Cao Bằng và Bắc Giang. Đặc biệt, Hưng Yên đang tiến hành các thủ tục công bố trên địa bàn toàn tỉnh.
Được biết, toàn quốc có 28 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, 129 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã và 1.642 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp trang trại. Cụ thể, đối với gia cầm có Công ty Phú Gia tại Thanh Hóa, Công ty Koyu Uniteck tại Đồng Nai, Công ty C.P Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh và Bình Phước. Đồng thời, đối với lợn có Công ty GreenFeed tại Bình Thuận, Masan tại Nghệ An.
Tuy nhiên, do dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc điều trị và vaccine, virus tồn tại lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền rất đa dạn. Trong điều kiện chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, mật độ rất cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học nên nguy cơ lây lan dịch rất cao.
Dịch bệnh co nguy cơ lây lan theo 3 hướng: lây lan nhanh đến các địa bàn chưa có dịch; tái phát tại các ổ dịch cũ đã qua 30 ngày; có thể xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn.
Theo báo cáo cập nhật đến ngày 10/10 của Tổ chức Nông lương của Liên Hợp quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2018 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang xảy ra tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, buộc phải tiêu hủy hàng chục triệu con lợn. Trong đó, tình hình bệnh đang diễn ra tại 10 quốc gia khu vực châu Á và Liên bang Nga.
Ngoài dịch tả lợn châu Phi, hiện nay, cả nước không có dịch bệnh lở mồm long móng, bệnh tai xanh, có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang và 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
Nhiều yếu tố khiến giá thịt tăng
Ngày 17/10, Hội nghị “Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được tổ chức tại Hà Nội.
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết vừa qua giá thịt lợn liên tục tăng, thậm chí lên trên 60.000 đồng/kg lợn hơi. Nguyên nhân do cân đối cung thịt lợn bị tác động của dịch tả lợn châu Phi làm giảm sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường con số sụt giảm này chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến giá lợn tăng vừa qua. Việt Nam cũng đang bị tác động bởi thị trường Trung Quốc - thị trường khổng lồ về tiêu thụ thịt lợn cũng đang mất cân đối cung cầu nghiêm trọng.
“Như chúng ta đã biết, Trung Quốc là thị trường tiệu thụ nguồn thịt lợn lớn và quốc gia này cũng đang gặp nhiều thiệt hại cực lớn do dịch tả lợn châu Phi, rất mất cân đối về cung và cầu nghiêm trọng. Thậm chí giá thịt lợn có những vùng tại Trung Quốc lên rất cao, tới 150.000 đồng/kg lợn hơi. Chính yếu tố này cũng đang tác động đến giá thịt lợn”, ông Cường nhận xét.
Bên cạnh đó, qua kiểm tra cho thấy, tác động từ thị trường, một số đơn vị, trang trại giữ đàn lợn để tăng trọng lợn cao hơn, thậm chí có nơi để trọng lượng lợn tăng lên 150-180 kg/con mới xuất chuồng, trong khi trước đó khoảng 100-120 kg/con. Điều này cũng tạo nên tâm lý, nguồn cung giả tạo tại thời điểm này.
Ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin khẳng định lượng lợn ở Việt Nam không thiếu trầm trọng. Theo ông Lương, giá lợn tăng một phần là do chi phí sản xuất thịt lợn ngày hôm nay đã tăng lên hơn.
Với giá lợn hơi khoảng 60.000 đồng/kg không phải là cao vì chi phí chăn nuôi tăng thêm hơn 10.000 đồng/kg so với trước đây, nên hiện chỉ tương đương với giá 50.000 đồng/kg. Đồng thời, trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn, chi phí sản xuất an toàn dịch bệnh rất cao.
Theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco, chi phí chăn nuôi lợn hiện rất cao. Tính đơn giản trong giá thành sản xuất, nếu tự sản xuất con giống đã lên tới 1,2-1,3 triệu đồng/con, chi phí thú y khoảng 1,3 triệu đồng/con, đặc biệt chi phí thuốc sát trùng từ người, xe, chuồng trại… đều tăng lên rất nhiều. Do đó, khi thực hiện chính sách bình ổn thị trường cuối năm, các bộ ngành, địa phương ưu tiên nhiều hơn cho mặt hàng thịt lợn.
Về nguồn nhập khẩu thịt lợn, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, thịt lợn không phải chịu kiểm soát về hạn ngạch, chỉ chịu kiểm soát về kiểm dịch và thuế. Nếu thị trường kiểm soát tốt, giá trong nước không quá cao, việc nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam cũng không phải là dễ.
Tuy nhiên, ông Dương cho rằng Việt Nam hiện hoàn toàn đủ nguồn thực phẩm cho tiêu dùng. Người tiêu dùng nên chuyển một phần sang sử dụng các sản phẩm như thịt gà, thịt bò, thủy sản.
“Cùng với sự quyết liệt, cẩn trọng trong tái đàn, Việt Nam hoàn toàn không thiếu thịt lợn, chắc chắn không phải nhập thịt lợn cho dịp Tết này”, ông Dương chia sẻ.