Các bị cáo vụ gian lận thi cử ở Hà Giang nói lời sau cùng
Là người đầu tiên tiến ra nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở GD-ĐT Hà Giang phát biểu:
“Bản thân tôi cũng đã có tuổi, với hành vi phạm tội của mình, tôi đã nhận thức rõ. Trong quá trình công tác tôi đã có những đóng góp cho xã hội và ngành giáo dục. Tôi chỉ mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm về lại cộng đồng. Tôi xin phép trong máy tính của tôi (đang bị thu giữ) có chứa nhiều đề thi và gia phả của dòng họ. Tôi xin phép được copy lại đề thi để cho con tôi dùng và gia phả để con tôi được biết”, bị cáo Hoài nói.
Đến lượt bị cáo Vũ Trọng Lương - cựu Phó phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Hà Giang bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng. Ông nhận thức rõ sai phạm của bản thân cũng như hậu quả sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn xã hội. Tuy nhiên, bị cáo Lương vẫn mong được pháp luật khoan hồng.
“Từ khi bị bắt tạm giam đến nay, bị cáo đã nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình. Bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải những việc mình đã làm. Hôm nay, trước tòa, bị cáo gửi lời xin lỗi Đảng, xin lỗi nhà nước, xin lỗi nhân dân Hà Giang, bị cáo xin lỗi bố mẹ, bạn bè và đồng nghiệp vì đã để xảy ra sự việc này. Bị cáo rất hối hận vì những việc mình đã làm và kính mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo hưởng mức án thấp nhất, để bị cáo sớm có cơ hội làm lại từ đầu”, Infonet bị cáo Lương giãi bày.
Trước HĐXX, bị cáo Triệu Thị Chính vẫn kiên quyết cho rằng mình vô tội. Cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang khẳng định:
“Khi xảy ra sự việc vi phạm quy chế thi 2018, là một nhà giáo, tôi vô cùng đau xót. Mặc dù 107 thí sinh được nâng điểm vượt ngoài sự kiểm soát của cá nhân tôi và ban chấm thi, nhưng với cương vị Phó Giám đốc Sở, Trưởng ban chấm thi, tôi đã nhận trách nhiệm về mình và chịu trách nhiệm trước Thường vụ Tỉnh ủy. Việc đưa danh sách 13 thí sinh cho Hoài nhờ xem điểm môn Ngữ văn, tôi nhận sai và xin lỗi. Tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới lãnh đạo Tỉnh ủy, nhân dân Hà Giang. Tôi xin chịu mọi hình thức kỷ luật của Đảng và tổ chức, nhưng với nhận thức của tôi, tôi không phạm tội. Tôi tin tưởng ở pháp luật, HĐXX và công lý. Tôi kính mong HĐXX xem xét thấu tình đạt lý, đúng người đúng tội, công bằng, khách quan, đảm bảo quyền lợi cho tôi”.
Bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên PGĐ Sở GD&ĐT Hà Giang, người duy nhất được VKS đề nghị án treo, trình bày:
“Tôi thành thật xin lỗi Đảng, nhân dân, bạn bè, người thân và gia đình về sai lầm của tôi. Tôi cũng xin cảm ơn HĐXX đã xem xét đánh giá và chỉ ra những thiếu sót trong cuộc sống cũng như trong các hoạt động. Về phần mình, tôi không nghĩ sau gần 40 năm công tác ở Hà Giang lại nhận cái kết cay đắng như thế này. Tôi không trách gì ai mà chỉ trách bản thân tôi đã thiếu đi kiến thức về pháp luật, thiếu sự thận trọng và sự cảnh giác”.
“Bạn bè bỏ nghề hàng loạt nhưng chúng tôi vẫn đứng vững vì yêu trường, yêu lớp, yêu học sinh. Tôi không so bì với ai cả, tôi chỉ nhờ chú Hoài nâng điểm cho con mà không có bất kỳ hứa hẹn hay sức ép nào với chú Hoài. Tôi xin HĐXX chiếu cố, khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt để tôi có cơ hội được sống bên gia đình, bạn bè trong những năm tháng tuổi già được thanh thản. Tôi cũng đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo để có cơ hội hình phạt để trả nợ cho đời, trả nợ những gì mình đã làm mất”.
Cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang, bà Lê Thị Dung nhấn mạnh tinh thần chủ động “thú tội” và “tự sửa sai” của bản thân.
“Tôi thấy việc làm của mình đã sai và vi phạm pháp luật. Không phải ngày hôm nay tôi đứng tại đây mới thấy ân hận mà từ khi xảy ra sự việc tôi đã thấy ân hận vì đã đánh mất danh dự gia đình, bản thân, và cả ngành của tôi nữa. Từ khi cơ quan An ninh điều tra chưa gọi lên làm việc, tôi đã chủ động gặp Ban Giám đốc Công an tỉnh để trình bày sự việc. Tôi cũng mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để tôi có thời gian sửa sai và có thời gian tiếp tục điều trị bệnh, duy trì sự sống phần đời còn lại”, bà Dung cho biết.
Dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án lúc 8h ngày 25.10.2019.
Vợ Chủ tịch Hà Giang cũng nhắn tin nhờ nâng điểm?
Đáng chú ý trong ngày xử thứ 5, TAND tỉnh Hà Giang tiếp tục làm rõ những tình tiết, cá nhân liên quan đến vụ gian lận thi cử chấn động ở địa phương này trong kỳ thi THPT năm 2018 vừa qua.
Tại phiên đối chất trước tòa sáng 18.10, Viện Kiểm sát và luật sư đã tiết lộ một tin nhắn quan trọng được cho là của bà Nga, vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang với nội dung nhờ nâng điểm thi.
Bà Triệu Thị Chính (cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) cùng ba luật sư đã tranh luận hơn hai tiếng đồng hồ cùng hai đại diện của VKS. Theo cáo trạng trước đó, bà Chính bị đề nghị phạt từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi, theo Điều 358 Bộ Luật Hình sự 2015.
Viện Kiểm sát cho hay, ngày 28.6-1.7.2018, bà Chính (khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban chấm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018) đã có cuộc gặp với ông Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và đưa tờ giấy ghi thông tin của 13 thí sinh để nhờ nâng điểm môn Ngữ văn. Ông Hoài đồng ý nhưng quá trình chấm thi vẫn chưa thể can thiệp nâng điểm vì ngày 7.7.2018 Vũ Trọng Lương (Phó phòng Khảo thí) bị phát hiện vận chuyển bài thi trắc nghiệm sai quy chế, khiến thanh tra giám sát chặt chẽ hơn trong quá trình ghép phách.
Ngoài ra, kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thể hiện trong điện thoại của bà Chính có nội dung tin nhắn với một số người đã nhờ giúp đỡ thí sinh. Cơ quan chức năng cho biết, ngoài căn cứ nêu trên, hành vi phạm tội của cựu phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang còn được chứng minh bằng lời khai của những người có liên quan, dữ liệu điện tử trong hồ sơ vụ án.
Tuy nhiên, trong sáng nay, bà Chính cùng nhóm luật sư đã đưa ra nhiều lập luận chứng minh bà chỉ nhận xem điểm cho 13 thí sinh, không có khả năng thực hiện việc gian lận, nâng điểm thi.
Cầm tài liệu, tay vung theo nhịp điệu, bà Chính tuyên bố “với toàn nước Việt Nam”:
“Hôm nay, tôi đứng đây, dù toà tuyên tội tôi như thế nào, tôi cũng ngẩng cao đầu nói với toàn nước Việt Nam: Tôi không phạm tội. Tôi sai, tội chịu. Tôi tin tưởng vào sự phán quyết của tòa, ở các cơ quan pháp luật của tỉnh”, VnExpress trích phát biểu của bà Chính khẳng định.
Sau đó, cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đề nghị đại diện Viện Kiểm sát chỉ rõ tất cả những ai đã nhắn tin nhờ bà giúp đỡ, theo căn cứ cáo buộc của cơ quan công tố.
“Tôi không liên hệ với bất kỳ người nào, tin nhắn có chỗ nào thể hiện tôi nhận hoặc đòi lợi ích vật chất hoặc phi vật chất? Nếu cơ quan tố tụng không chứng minh được điều này, sao lại buộc tội tôi?”.
Ba Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Triệu Thị Chính đồng thuận rằng không đủ căn cứ, chứng cứ vật chất để kết tội thân chủ của mình. Các luật sư cùng bà Chính đều đề nghị cơ quan công tố chứng minh lợi ích phi vật chất mà bị cáo có thể nhận từ những người nhờ giúp.
Cụ thể cho biết, ngày 29.6.2018, một người phụ nữ tên là Nga, làm việc tại Sở Tài Chính, tỉnh Hà Giang (SĐT 0912.437.xxx) nhắn tin cho bị cáo Triệu Thị Chính nhờ giúp xem điểm cho thí sinh Nguyễn Bằng Nguyên, khối D với 3 môn thi Toán, Văn, Ngoại ngữ. Nội dung tin nhắn như sau:
“Bạn à, mình là Nga, Sở Tài chính, mình có đứa cháu thi lớp 12 vừa rồi, bạn giúp mình nhé”.
Cũng trong ngày 29.6 đó, bà Nga còn gửi thêm tin nhắn với nội dung: “Bạn thông cảm nhé, đang thời gian chấm bài, mình chỉ nhắn tin, không gọi điện, cảm ơn bạn nhiều”.
Ngày 1.7.2018, bà Triệu Thị Chính nhắn tin trả lời: “Hôm nay em mới đọc tin, em đang làm thi, tối ăn cùng đoàn thanh tra bộ. Em sẽ cố gắng xem xét môn thi tự luận, khó khăn lắm chị ạ. Lại chấm bằng máy nữa nên không làm gì được, có gì chị thông cảm với em nhé”.
Bà Nga sau đó gửi tin lại: “Chị cảm ơn nhé, em cứ xem xét giúp được đến đâu hay đến đó, chị cũng biết mà”.
Bị cáo Chính trả lời: “Dạ em cảm ơn chị em sẽ cố gắng trong khả năng”. Cũng trong thời điểm này, bà Chính còn nhắn tin qua lại với một loạt các phụ huynh khác, với nội dung nhờ vả bà Chính.
Tại toà, luật sư Hoàng Văn Hướng, bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính, cho biết bà Nga - chuyên viên Sở Tài chính, là vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn.
Sau đó, VKS tiếp tục nêu nội dung tin nhắn của ông Lương Tiến Dũng (Phó bí thư Huyện ủy Bắc Quang).
7h22 ngày 24.6.2018 số điện thoại của ông Lương Tiến Dũng gửi tin:
“Chị ơi, con gái em thi Học viện Tư pháp, em nhờ chị giúp cháu nó với nhé. Cả năm lớp 12 cháu đều đạt học sinh giỏi, vừa rồi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh cháu đạt giải ba. Nhưng em vẫn chưa an tâm lắm nên em nhờ chị giúp được không chị?”.
14h19 ngày 26.6.2018 ông Dũng nhắn thông tin về tên, số báo danh, phòng thi cho bà Chính với nội dung: “Nếu có thể chị giúp em với nhé”. Hơn 15h ngày 26/6/2018 bị cáo Chính trả lời: “Chị nhận được thông tin rồi. Chị sẽ cố gắng trong khả năng”. 15h59 ông Dũng viết: “Vâng ạ. Đề thi năm nay oái oăm quá. Chị giúp con gái em với nhé”. 18h12 ông Dũng nhắn tiếp: “Cháu thi tổ hợp xã hội nhưng chỉ để xét tốt nghiệp thôi chị nhé”.
Sau khi công bố loạt chứng cứ này, đại diện VKS nhấn mạnh: “Với nội dung tin nhắn này, các luật sư hiểu là chỉ nhờ xem điểm hay thế nào? Đây không phải nhờ xem điểm đâu mà là nhờ nâng điểm”.
Nêu thêm một số chứng cứ khác để tranh luận với bị cáo và luật sư, công tố viên chốt lại: “Cuối cùng, chúng tôi khẳng định với tất cả chứng cứ vật chất, bị cáo Hoài có khả năng nâng điểm môn Ngữ văn. Vì thế, bị cáo Chính nhờ bị cáo Hoài nâng điểm chứ không phải là xem điểm”, đại diện VKS khẳng định.
Kiến nghị điều tra toàn diện đối với Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang
Cũng trong sáng 18.10, luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bà Triệu Thị Chính) đề nghị điều tra toàn diện đối với Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang.
Vị luật sư này kiến nghị khởi tố vụ án hình sự ngay tại phiên tòa này khi bà Chính khai có báo cáo với ông Vũ Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở GG&ĐT Hà Giang về việc có dấu hiệu gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.
Tại phiên tòa, ông Sử cũng thừa nhận bà Chính trước đây có báo cáo về vấn đề này. Vậy nên, luật sư yêu cầu “ngay tức khắc yêu cầu giữ lại toàn bộ bài thi và điều tra vụ việc”.
Riêng với vụ án gian lận thi cử tại Hà Giang năm 2018, ông Hướng đề nghị mở cuộc điều tra những dấu hiệu vi phạm pháp luật hội tụ các yếu tố vật chất, nhất là vấn đề tiền nong để “trà nước”, “nhờ vả”.
“Không thể có chuyện nâng điểm cho hơn 100 thí sinh mà lại chỉ bằng tình cảm. Cần mở rộng điều tra xem xét toàn bộ những người thân thích của các bị cáo về các giao dịch tại ngân hàng, đặc biệt đối với Hoài (Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và Lương (Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục)”, luật sư Hướng khẳng định.
Bên cạnh đó, luật sư Hướng cho rằng, nếu coi bà Chính nhờ nâng điểm thì trong vụ án này, còn có rất nhiều người khác nhờ nâng điểm, vậy tại sao không khởi tố cả những người khác. Có như vậy mới đảm bảo tính khách quan, công bằng của vụ việc.
Phiên tòa đã làm rõ rằng, có 107 thí sinh được nâng điểm, trong đó có 41 thí sinh nhờ nâng điểm nên đã vào các trường công an và quân đội.
Cuối cùng, luật sư Hướng cũng kiến nghị mở một cuộc điều tra toàn diện những người như ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, trong việc trả lời tin nhắn bị cáo Hoài.
Theo đó, Công an đã thu thập được nội dung các tin nhắn gửi đi từ bị cáo Hoài. Trong số đó có một tin nhắn gửi cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý:
“Em báo cáo anh 2 việc. Một, em vừa đổi danh sách dữ liệu thi xong, kết quả dữ liệu trên phần mềm quản lý ghi của Bộ trùng khít với dữ liệu trong đĩa CD anh Sử giữ. Hai, việc Lương chuyển bài thi trắc nghiệm và thiết bị xử lý bài thi về S (con ông Quý) là theo Điều 296 quy chế thi và được sự đồng ý của em với nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội đồng thi và Trưởng ban Thư ký. Xong thầy Bình, thầy Sử, cô Chính đang nâng cao quan điểm quá, có gì anh xem giúp em”, - trích nội dung tin nhắn bị cáo Hoài gửi ông Quý.
Đáp lại tin nhắn trên, ông Quý trả lời: “OK, có gì anh bàn với anh Sử”.
Trả lời những yêu cầu của luật sư, đại diện VKS cho biết vụ án này chưa dừng lại tại đây và sẽ được tiếp tục mở rộng điều tra thêm.