“Tuyệt vời!”, “Tuyệt diệu!”, “Thổ cẩm độc đáo”, “Lụa chất lượng tuyệt hảo”, “Thật rực rỡ!”, “Chỉ có thể nói rằng chúng tôi khâm phục”... Đó là những lời mà các bạn Nga dành cho Việt Nam, dành cho NTK Việt Nam nổi tiếng Minh Hạnh, dành cho áo dài, thổ cẩm và lụa Việt Nam.
Tối 20-10 tại Cung điện của Nữ hoàng hoàng Nga Ekaterina Đệ nhị - Bảo tảng – bảo tồn “Tsaritsyno”, Moskva đã diễn ra chương trình văn hóa Việt Nam với cái tên gọi “Phượng hoàng bí ẩn”. Sự kiện do Bảo tàng-Bảo tồn Tsaritsyno, Quỹ hỗ trợ người giữ bản quyền quốc gia, Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva tổ chức với sự tham gia của Bảo tàng Nhà nước phương Đông. Chương trình “Phượng hoàng bí ẩn” đã được phát trực tuyến trên trang web của Bảo tàng-Khu bảo tồn Tsaritsyno, trên trang web của Culture.rf và trên mạng xã hội Odnoklassniki.
NTK Minh Hạnh đã tạo dựng ở Tsaritsyno một bầu không khí tuyệt vời của một ngày hội đậm sắc Việt Nam trong cung điện hoàng gia Nga. Mỗi tác phẩm của chị xuất hiện trước những tràng pháo tay không ngớt và sự trầm trồ của khán giả. Phần kết của buổi trình diễn là tà áo dài với mô-tip và họa tiết "hoàng gia". Nguồn cảm hứng cho sáng tạo của NTK là lịch sử Nga. NTK Minh Hạnh đánh giá rất cao thời đại của Nữ hoàng Nga Ekaterina Đệ nhị, ngưỡng mộ các nữ hoàng Nga, với chị khoảng thời gian đó là thời kỳ vĩ đại của nước Nga. Đặc biệt, dành cho buổi trình diễn tại Tsaritsyno, NTK Minh Hanh sáng tác những bộ trang phục mới, vô cùng ngoạn mục.
“Tôi rất vinh dự và tự hào được đại diện cho dân tộc Tà Ôi giới thiệu cho các bạn Nga nghề truyền thống lâu đời từ vùng A Lưới. Tôi rất cảm động và vui, khi thấy nghề dệt zeng của A Lưới được biết tới. Tôi tự thấy là mình phải giữ gìn, phát triển nghề này hơn nữa, sẵn sàng tham gia các hội chợ, triển lãm. Tôi mong muốn các chị em có việc để làm nữa”, - Nghệ nhân Hồ Thị Hợp chia sẻ với phóng viên Sputnik.
“Cảm xúc đầu tiên khi lần đầu tiên mang lụa Bảo Lộc tới với nước Nga, khi thấy sự say mê, quan tâm của người Nga là thực sự xúc động, vui mừng, tự hào về nghề tơ tằm ngàn năm của Việt Nam, tự hào về lụa của đất Bảo Lộc. Tôi nghĩ, chắc một ngày gần thôi, chúng tôi sẽ giới thiệu lụa Việt Nam, lụa Bảo Lộc với người tiêu dùng Nga”, - Ông Huỳnh Tấn Phước, Chủ tịch “Viet Nam Silk House” phát biểu với Sputnik.
Người tạo dựng chính không gian văn hóa ấy – NTK Minh Hạnh. Sau khi “Phượng hoàng bí ẩn” vừa kết thúc chị đã dành thời gian cho Sputnik.
Sputnik: Xin chúc mừng chị và cảm ơn chị vì một chương trình văn hóa thất đặc sắc và độc đáo. Thưa chị, vì sao buổi trình diễn hôm nay lại mang một cái tên bí ẩn như chính cái tên của nó như vậy “Bí ẩn Phượng hoàng”?
NTK Minh Hạnh:
Phượng hoàng là loài chim tượng trưng cho ước mơ vượt không gian bất chấp giông tố thử thách, vươn lên cao rộng như khát vọng muôn đời chinh phục bầu trời. Phượng hoàng có ý nghĩa tích cực. Đó là biểu tượng của đức hạnh và vẻ duyên dáng, thanh nhã. Chim phượng hoàng còn là biểu trưng của hạnh phúc và vẻ đẹp cao quý của người phụ nữ trong hoàng cung. Người đó có thể là hoàng hậu, có thể là nữ hoàng. Tôi muốn diễn đạt những ý niệm này trong các bộ sưu tập được trình diễn tại Cung điện của Ekaterina Vĩ đại tại Tsaritsyno, bởi không gian ở đây tương thích tuyệt đối với hình tượng chim phượng hoàng.
Đó là sự mong ước và may mắn khi buổi diễn được ấn định vào một ngày nhiều ý nghĩa như vậy.
Sputnik: Cảm xúc của chị khi thấy những tà áo dài Việt Nam, tác phẩm của mình từ lụa và thổ cẩm truyền thống trong cung điện của hoàng gia Nga?
Mùa hè vừa qua, khi tới Nga trình diễn các bộ sưu tập lụa và thổ cẩm của mình tại Bảo tàng Quốc gia Phương Đông, tôi được một người bạn thân (là một người hiểu và yêu nước Nga một cách sâu sắc) giới thiệu tôi Lâu đài Tsaritsyno, tôi thật sự choáng ngợp vì sự hoàn hảo và tráng lệ của nó. Và lập tức, tôi mong ước một ngày nào đó áo dài, thổ cẩm, tơ lụa Việt Nam sẽ được xuất hiện tại lâu đài này. Không có gì hạnh phúc hơn khi nhờ sự phối hợp của 4 đơn vị là Bảo tàng-khu bảo tồn Tsaritsyno, Quỹ hỗ trợ bản quyền Nga, Bảo tàng Quốc gia Phương Đông và kênh Kultura, ước mơ đó của tôi được trở thành hiện thực trong không gian thần tiên này.
Trong lần này tôi chọn cách diễn đạt là thổ cẩm Zèng của người Tà Ôi, A Lưới Huế và Lụa của Bảo Lộc. Tôi tin rằng những chất liệu truyền thống của Việt Nam sẽ diễn đạt một cách thuyết phục giới mộ điệu thời trang Nga qua hình ảnh chim Phượng hoàng cùng âm hưởng phong cách của Sa hoàng. Tôi không phải là một người được đào tạo tại nước Nga, nhưng sự vĩ đại của văn hoá Nga, sự kiên trì, trung thực trong phong cách sống của người Nga đã cho tôi rất nhiều cảm xúc, sự kính phục và ngưỡng mộ. Trước khi thực hiện bộ sưu tập, tôi đã đọc nhiều, xem nhiều tranh và phim về Nữ hoàng Ekaterina Đệ nhị và thật đáng tiếc cho một nhà thiết kế khi giới thiệu bộ sưu tập trong lâu đài của bà mà không có tinh thần của Nữ hoàng dẫn dắt. Đó là tinh thần của người phụ nữ anh hùng.
Phượng hoàng vẫn bí ẩn như thế khi đến nước Nga bởi nước Nga còn quá nhiều điều để chiêm nghiệm, để khám phá. Tôi vẫn luôn mang ước mơ ấy, và tôi tin rằng thông qua những ý niệm của thời trang, hợp tác văn hoá Việt-Nga sẽ có thêm một trang mới đầy ắp tính nhân văn của thời đại mới.
Tìm kiếm những cách thức mới để kết hợp hài hòa các yếu tố và mô-tip của bộ trang phục truyền thống của Việt Nam với các hoa văn phong cách Nga, NTK Minh Hạnh không chỉ tạo nên những tác phẩm độc đáo, mà bằng cách đó chị còn thực hiện một sứ mệnh ý nghĩa: Quảng bá văn hóa truyền thống của đất Việt ở Nga, để làm sao “hợp tác văn hoá Việt-Nga sẽ có thêm một trang mới đầy ắp tính nhân văn của thời đại mới”, như lời chị đã nói.