Lễ đón máy bay thứ 100 của Vietnam Airlines
Theo đó, “đôi cánh” thứ 100 trong đội tàu bay của VNA là chiếc Boeing 787-10 thứ ba trong tổng số 8 chiếc được hãng tiếp nhận từ tháng 8/2019 đến tháng 3/2021.
Chủ tịch HĐQT VNA Phạm Ngọc Minh cho biết, sự kiện chào đón chiếc máy bay thứ 100 là dấu mốc quan trọng, khẳng định vị thế dẫn đầu của VNA với đội tàu bay có quy mô lớn nhất Việt Nam và mang tầm cỡ khu vực. Đây là cánh cửa mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo của VNA trên hành trình nâng tầm hàng không Việt sánh vai với hàng không khu vực và thế giới.
VNA là hãng hàng không lớn thứ hai tại Đông Nam Á
Trải qua gần 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển, sự lớn mạnh của đội tàu bay đã đánh dấu quá trình phát triển mạnh mẽ của VNA, từ đơn vị bay vận tải quân sự-dân dụng đầu tiên tại Việt Nam trở thành hãng hàng không có quy mô lớn trong khu vực. Ban đầu, thành lập với đội tàu bay chủ yếu gồm các loại máy bay do Liên Xô sản xuất phục vụ chiến đấu, đến nay, VNA đã tiếp nhận và đưa vào khai thác các dòng máy bay hiện đại nhất, mới nhất của Boeing và Airbus để đáp ứng nhiệm vụ vận chuyển thương mại cũng như nhu cầu ngày càng cao của hành khách.
Vẫn theo ông Phạm Ngọc Minh, VNA là hãng hàng không có đội tàu bay thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 lớn thứ hai tại Đông Nam Á, thuộc top đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuổi trung bình toàn đội tàu bay là 6 năm, thuộc nhóm trẻ không chỉ trong khu vực mà cả trên thế giới.
Không chỉ đóng vai trò là lực lượng hậu bị vững chắc cho an ninh-quốc phòng đất nước, đội tàu bay thế hệ mới đã giúp VNA nâng cao năng lực khai thác nhờ khả năng tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường, cũng như đảm bảo an toàn bay tuyệt đối và nâng cấp chất lượng dịch vụ để trở thành hãng hàng không quốc tế 4 sao trong 4 năm liên tiếp, sánh ngang với các hãng hàng không lớn trên thế giới theo đánh giá của Skytrax.
Chúc mừng VNA, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự phát triển ngày càng lớn mạnh của VNA nói riêng và ngành hàng không Việt Nam nói chung, là cánh cửa mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo của VNA trên hành trình nâng tầm hàng không Việt sánh vai với hàng không khu vực và thế giới.
“Chúng ta rất phấn khởi và tự hào, không phải bất cứ một hãng hàng không nào cũng có thể thay đổi, cải tiến đội bay nhanh và hiệu quả như VNA”, Phó Thủ tướng nói và đánh giá VNA đã bước vào đội ngũ số ít các hãng hàng không trong khu vực và thế giới đầu tư, khai thác đội bay vừa trẻ, vừa mạnh mẽ và hiện đại, theo kịp những bước phát triển mới nhất của thế giới trong công nghệ hàng không.
Những bước đi chắc chắn, mang tính chiến lược và định hướng lâu dài của VNA trong kế hoạch đầu tư trực tiếp, mở rộng đội bay bằng những thế hệ máy bay mới nhất, hiện đại nhất, thân thiện với môi trường cho thấy một tư duy chủ động và tầm nhìn xa của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của hãng.
Sức mạnh của hãng hàng không
Phó Thủ tướng cũng lưu ý VNA, số lượng máy bay chỉ là một trong những yếu tố cấu thành sức mạnh của hãng hàng không. Chất lượng dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, trình độ nghiệp vụ ngày càng nâng cao của đội ngũ phi công, tiếp viên, cán bộ, nhân viên ở tất cả các khâu, các mắt xích trong toàn bộ quá trình hoạt động cũng là những yếu tố then chốt nhất đối với sự phát triển hiệu quả, bền vững và thành công của VNA.
“Hàng không Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, có thêm những hãng bay mới, để phục vụ mục tiêu đến năm 2020 là đạt 17 đến 20 triệu khách quốc tế, 82 triệu khách nội địa và cao hơn trong những năm tiếp theo với chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng lên. Trong đó, VNA đóng vai trò trụ cột với tư cách là hãng hàng không quốc gia”, Phó Thủ tướng Thường trực kỳ vọng.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm của VNA là vừa nâng cấp đội bay cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và chiến lược phát triển kinh doanh, vừa kiện toàn năng lực, phẩm chất của đội ngũ phi công và cán bộ kỹ thuật; đồng thời thực hiện nhiệm vụ chính trị cung cấp dịch vụ bay chuyên cơ, làm nhiệm vụ quốc tế và phục vụ dân sinh.
“Nhiệm vụ của VNA còn là định hướng chiến lược phát triển bền vững cho toàn ngành hàng không dân dụng nước ta, không chỉ là đảm bảo nhiệm vụ kinh doanh hiệu quả, có lợi nhuận, mà còn phải tham gia vào quá trình quy hoạch, xây dựng chính sách, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường hàng không nội địa và cạnh tranh quốc tế”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để VNA ngày càng phát triển, mở rộng, hiện đại hóa hơn nữa đội tàu bay trong thời gian tới, phát huy vai trò lực lượng vận tải hàng không nòng cốt của hãng hàng không quốc gia theo Quyết định 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.