“Hát sáng chế”
Tại triển lãm Thiết bị và Công nghệ Nông - Lâm - Ngư nghiệp – Growtech Vietnam 2019, gian trưng bày của anh Phạm Văn Hát thu hút sự chú ý của khách tham quan trong và ngoài nước. Gian hàng trưng bày nhiều máy móc hiện đại như máy phun thuốc trừ sâu, máy gieo hạt, máy đặt hạt trên khay, máy đóng bầu … Ít tai biết, người sáng chế ra những chiếc máy này là một anh nông dân mới chỉ học hết lớp 7. Đó chính là anh Phạm Văn Hát sinh năm 1972 ở Tứ Kỳ, Hải Dương. Anh Hát còn có biệt danh là “Hát sáng chế”.
Hàng trăm sáng chế của anh này đã được bán ra thị trường Việt Nam và xuất khẩu đi nhiều nước.Theo anh Hát, yếu tố quan trọng nhất trong các sản phẩm của “Hát sáng chế” đều được dựa trên các yêu tố tiên quyết như hữu dụng - có thể áp dụng trực tiếp trên thực địa. Hiệu quả cao với giá thành phải chăng, phù hợp với túi tiền của người làm nông Việt Nam.
Sinh ra trong gia đình làm nông, có đông anh em nên anh Hát phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Anh Phạm Văn Hát kể tình cờ đến với nghề cơ khí khi phụ việc tại xưởng Bông Sen. Ở đây anh được phân công nghiên cứu cơ chế hoạt động và sửa chữa máy nổ. Năm 2001 anh mở xưởng tại nhà nhưng không thành công.
Anh Hát cho biết, từ năm 2007 đến 2010 anh đầu tư hơn 3 tỷ đồng để làm trang trại nhưng bị thất bại do thời điểm đó người dân chưa quan tâm nhiều đến rau an toàn. Sau đó anh sang Israel làm để trả nợ, đồng thời học hỏi cách làm nông nghiệp.
“6 tháng đầu thu hoạch, 6 tháng sau đến mùa trồng mới, họ giao việc cho tôi đi rải phân nhưng cả trăm héc ta phải đi rải phân bằng tay. Lúc đó tôi mới đề xuất chế tạo máy. Sau khi thành công, họ bán bản quyền được mấy tỷ và tăng lương cho tôi. Tôi bắt đầu có “lửa” sáng chế từ đó”, - anh Hát kể.
Nhận thấy khả năng của anh Hát, chủ doanh nghiệp ưu đãi tăng lương cho anh từ 1.000 đô lên 2.500 đô. Anh không phải đi làm đồng nữa mà chỉ ngồi nghiên cứu, sáng chế.
Năm 2012, anh Hát trở về mở lại xưởng cơ khí với tham vọng sau này sẽ sáng chế máy móc phục vụ cho chính người nông dân Việt Nam. Được sự động viên, giúp đỡ từ gia đình bạn bè, anh nghiên cứu chuyên sâu hơn về lĩnh vực cơ khí tự động hóa nông nghiệp.
Từ những kinh nghiệm thực tế, trí thông minh và đôi tay khéo léo, chỉ sau 3 năm anh đã chế tạo được hơn 30 nông cụ và máy móc giúp đỡ hiệu quả trong công việc đồng áng như máy làm đất 3 lưỡi cày, máy ép luống, lò sấy đa năng, máy thu hoạch nông sản, máy lên luống, máy trồng khoai và mới đây nhất là rô-bốt gieo hạt tự động, máy phun thuốc trừ sâu thế hệ mới.
“Máy gieo hạt tự động của tôi đã có mặt tại 63 tỉnh thành và 14 nước trên thế giới. Những khác biệt của sản phẩm do tôi tạo ra là giá thành hợp lý, dễ sử dụng, độ bền và hiệu quả cao. Chẳng hạn như chiếc máy gieo hạt có thể thay thế hơn 40 người trên một công làm việc. Vì đạt được những tiêu chí đó nên sản phẩm đến với bà con rất nhanh chóng”, - anh Hát chia sẻ.
Nói về chiếc máy phun thuốc sâu tự động, anh Phạm Văn Hát cho biết chiếc máy này hoạt động được 10 phút/mẫu ruộng, thay thế sức lao động của khoảng 50 người. Dù công năng rất hiệu quả nhưng giá thành của máy chỉ ở mức 80 triệu đồng, trong khi đó cùng công năng này mà máy phun thuốc sâu tự động của Úc có giá lên tới 800 triệu đồng.
Cấu tạo chiếc máy khá đơn giản với những nguyên liệu có sẵn và dễ làm như một bộ khung thép hình chữ nhật, đầu ô tô cũ, hai bánh xe cỡ lớn, máy nổ 10 ngựa, hộp số, côn, phanh, bình chứa 500 lít. Bánh xe của máy được thiết kế với đặc trưng riêng, khi hoạt động dưới ruộng không chèn lên lúa và có thể vượt qua các chướng ngại vật một cách dễ dàng. Hệ thống điều khiển cánh tay phun được thiết kế bằng thủy lực nên vận hành rất nhẹ nhàng, thuận tiện.
Anh Hát vui vẻ nói: “Tôi nói thật là trên máy có 1-2 chi tiết để sử dụng vĩnh cửu, không bị hỏng. Muốn bắt chước thì phải tháo ra nhưng nếu tháo ra thì không lắp lại được nữa. Vì thế bước sang năm thứ 7 nhưng chưa có ai ăn cắp sáng chế này”.
Anh Hát phấn khởi cho biết tính đến hiện tại anh sáng chế được 40 chiếc máy, mỗi chiếc máy này đem đến cho anh hơn 1 tỷ đồng/năm. Chính vì thế mà anh từ chối các lời mời làm việc từ tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài để làm ông chủ, làm giàu trên chính quê hương mình. Hiện tại anh đã thành lập công ty, vừa làm giám đốc đồng thời cũng trực tiếp sáng chế, chế tạo ra từng chiếc máy.
Triển lãm Thiết bị và Công nghệ Nông - Lâm - Ngư nghiệp
Từ ngày 31/10 đến 2/11, Triển lãm chuyên ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp thường niên có uy tín - Growtech Vietnam 2019 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm I.C.E., Hà Nội. Triển lãm này do Cục phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (NATEC) và Công ty Cổ phần ADPEX, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (AGROTRADE) phối hợp tổ chức, quy tụ hơn 250 gian hàng đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hà Lan, Isarael, Pháp, New Zealand, Ý, Chile, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Indonesia, Ấn Độ.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho hay, sự kiện này góp phần tạo ra môi trường liên doanh, liên kết trong hoạt động khoa học và công nghệ với các đối tác nước ngoài giúp cho các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp nông nghiệp, hội nông dân, các hợp tác xã Việt Nam có cơ hội tiếp cận với khoa học và công nghệ cao ứng dụng vào nông nghiệp để mang lại hiệu quả cao nhất cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tại Triển lãm Growtech Vietnam 2019, các doanh nghiệp và đối tác khách mời có thể tham quan và tham dự các diễn đàn, hội thảo chuyên đề tập trung giới thiệu sự phát triển thị trường, công nghệ mới, ứng dụng phổ biến và hiện đại nhất trong ngành nông nghiệp như: Hợp tác Việt Australia nhằm tăng cường thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; Nâng cao năng lực chế biến, bảo quản nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường.
Song song với các hoạt động trưng bày, dịch vụ kết nối giao thương là một phần quan trọng không thể thiếu nhằm kết nối các đơn vị tham dự và khách thăm quan triển lãm với mục đích tìm kiếm sản phẩm, làm đại lý, nhà phân phối, đầu tư, hợp tác phát triển kinh doanh trong nước và quốc tế.