Người nước ngoài đầu tư dưới nhiều hình thức “núp bóng” khác nhau
Mới đây, trong văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết:
“Cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm doanh nghiệp (DN) do người Việt đứng tên cho DN, cá nhân nước ngoài đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực bất động sản, du lịch… tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”.
Cụ thể, thông qua một số cá nhân người Việt để lập doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản dưới hình thức bên ngoại quốc góp 49% vốn điều lệ trở xuống, bên Việt Nam góp 51% vốn điều lệ trở lên.
Hình thức thứ hai là thông qua cá nhân, tổ chức Việt Nam, hoặc dùng các pháp nhân nước khác để đầu tư tại các lô đất, vị trí liên quan đến quốc phòng, an ninh có thời hạn sử dụng đất lâu dài để lách Luật Đầu Tư và Luật Đất Đai, sau đó mua lại phần góp vốn của phía Việt Nam. Hoặc thông qua việc cho cá nhân người Việt Nam vay tiền để thành lập doanh nghiệp nhưng mọi quyết định đều phải thông qua bên cho vay.
Ngoài ra, người nước ngoài còn đầu tư “núp bóng” thông qua việc kết hôn với người Việt, lập DN do vợ hoặc chồng người Việt đứng tên nhưng mọi hoạt động điều hành đều do người nước ngoài đảm nhiệm.
“Đối với các dự án vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ xem xét thu hồi giấy phép, tạm dừng hoặc điều chỉnh một số dự án trên cơ sở mức độ vi phạm”, - Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.
Để tiếp tục ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng trên, bảo đảm giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đưa ra cơ chế cấm người Việt đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.
Các địa phương cũng được yêu cầu chấn chỉnh, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động của các DN, người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam ngay từ khâu thẩm định, cấp phép kiểm tra, giám sát các dự án. Chính phủ cũng sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến năng lực, điều kiện hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khắc phục tình trạng dự án "treo", nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, chuyển nhượng trái phép.
Bất động sản chờ mùa “gặt hái” cuối năm
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp địa ốc như CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI), CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), CTCP Bất động sản Điện lực miền Trung (LEC) báo cáo kết quả kinh doanh sụt giảm.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LDG Group cho biết việc bàn giao và ghi nhận doanh thu hàng loạt dự án vào thời điểm cuối năm sẽ đảm bảo doanh nghiệp vượt chỉ tiêu lợi nhuận 600 tỷ đồng của năm nay.
CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest cũng xác định “điểm rơi” doanh thu và lợi nhuận vào quý IV. Ba tháng cuối năm, Công ty dự kiến ghi nhận doanh thu bán hàng từ hàng loạt dự án trọng điểm như The Terra - An Hưng, Grandeur - Palace Giảng Võ, The Terra - Hào Nam và doanh thu cho thuê khu căn hộ dịch vụ cao cấp Oakwood Residences Tây Hồ, Hà Nội.
Theo Công ty, tại thời điểm 15/10 dự kiến Dự án The Terra - An Hưng sẽ ghi nhận doanh thu khối thấp tầng hơn 500 tỷ đồng và khoảng 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tại CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.324 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương giảm 1.410 tỷ đồng; lãi sau thuế đạt 412 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
So với kế hoạch doanh thu 3.485 tỷ đồng và lợi nhuận 956 tỷ đồng, Nam Long mới thực hiện được 38% chỉ tiêu doanh thu và 47% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Bên cạnh đó, các công ty nghiên cứu thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh cũng cho hay, từ tháng 8 đến tháng 10/2019, lượng sản phẩm nhà ở tăng đột biến, tình hình bán hàng rất khả quan.
Xu hướng tìm kiếm mua nhà và tính thanh khoản cao sẽ tiếp diễn trong các tháng cuối năm, giúp các doanh nghiệp bất động sản có kỳ vọng tăng trưởng.