Biển Đông: Mỹ và Trung Quốc chỉ trích lẫn nhau là kẻ bắt nạt
Cả Mỹ và Trung Quốc đều cáo buộc lẫn nhau thực thi chính sách ‘bắt nạt’ trên Biển Đông. Những cuộc chiến ngôn từ được hai bên sử dụng triệt để. Nhưng hoàn toàn có cơ sở cho những lời buộc tội lẫn nhau này.
Tác giả Mark J. Valencia, nhà phân tích chính sách hàng hải, nhà bình luận và tham vấn chính trị chuyên về châu Á có những bình luận, đánh giá về vấn đề này trên diễn đàn chính sách Phương Đông (East Asia Forum, Australia).
Bắt nạt là lối hành xử, chính sách gây ảnh hưởng đến một bên khác bằng cách sử dụng các mối đe dọa hoặc vũ lực để đạt được lợi ích mình mong muốn. Những từ đồng nghĩa mang sắc thái chính trị trong trường hợp này bao gồm cưỡng chế và đe dọa. Tất cả các quốc gia đều có nghĩa vụ pháp lý “kiềm chế mọi hình thức cưỡng ép về quân đội, chính trị, kinh tế hoặc bất kỳ hình thức o ép nào khác nhằm chống lại sự độc lập chính trị hoặc toàn vẹn lãnh thổ của bất kỳ Nhà nước, chính phủ nào trong các mối quan hệ quốc tế”. Mọi sự ép buộc leo thang thành mối đe dọa sử dụng vũ lực chống lại vùng lãnh thổ hoặc nền hòa bình và an ninh của bất kỳ quốc gia nào đều sẽ vi phạm trực tiếp Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Vào ngày 21 tháng 7 năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố cáo buộc Trung Quốc “bắt nạt một số nước Đông Nam Á và đe dọa an ninh năng lượng khu vực” bằng cách ngăn cản những quốc gia này khai thác tài nguyên dầu khí trên Biển Đông. Trong khi chính bản thân Trung Quốc cũng đã và đang thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu khoa học hàng hảng ngay tại vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp những phản đối và thái độ cương quyết của chính quyền Hà Nội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus tuyên bố bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, và khẳng định việc triển khai các tàu thăm dò thuộc sở hữu của Chính phủ cùng với nhóm tàu hộ tống có vũ trang là “sự leo thang của Bắc Kinh trong những nỗ lực đe dọa các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền đang tiến hành nhiều hoạt động khai thác tài nguyên trên Biển Đông”.
Việc Bắc Kinh triển khai nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) được hộ tống bởi lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu Hải cảnh cũng cho thấy rằng Trung Quốc đang sử dụng vũ lực để đe dọa các nước láng giềng và biện minh cho hành động xâm nhập vùng biển chủ quyền nước khác bất hợp pháp của mình. Thủ tướng Australia Scott Scottison cũng lên tiếng về vấn đề này, kêu gọi các nước láng giềng của Trung Quốc chống lại lối hành xử ‘cưỡng ép, bắt nạt’ người khác. Ông Scott Morrison khẳng định, cả Australia và Việt Nam đều cùng ủng hộ nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhằm duy trì ổn định trong khu vực.
“Các nguyên tắc như tự do hàng hải, hàng không phải được đảm bảo để các quốc gia có thể cùng theo đuổi những cơ hội phát triển hiện có trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Đồng thời, tiến hành công việc khai thác phù hợp với luật pháp, công ước quốc tế cho phép”, ông Morrison nhấn mạnh.
Trung Quốc có lịch sử đe dọa cả Philippines, Việt Nam và Australia cùng các công ty dầu khí quốc tế đã ký hợp đồng với hai nước này đều phải ngừng hoạt động tại các khu vực nằm trong “đường chín đoạn, đường lưỡi bò” theo yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Cả Việt Nam và Philippines đều cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế EEZ của nước mình.
Những sự cố này là chuỗi hành xử coi thường pháp luật quốc tế của Trung Quốc với những hành vi gây hấn khác gần đây - như việc chiếm giữ bãi cạn Scarborough hay việc đâm chìm hàng loạt tàu cá tại vùng biển tranh chấp do Philippines kiểm soát.
Nếu còn bất kỳ nghi ngờ nào về việc Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực trong tranh chấp trên biển thì hãy nhớ đến việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi tháng 5.2017 từng tố cáo Bắc Kinh đe dọa chiến tranh nếu Philippines thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực - được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) – chống lại Trung Quốc, bằng việc khoan khai thác dầu ở các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 xử Philippines thắng kiện, bác tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông.
FONOP, ngoại giao tàu sân bay, đâu chỉ có mình Trung Quốc mới đi bắt nạt?
Vào ngày 29 tháng 8, sau hoạt động tuần tra tự do hàng hải gần đây nhất của Hoa Kỳ (FONOP), Trung Quốc đã cáo buộc chính Mỹ cũng đi bắt nạt và có tham vọng khẳng định bá quyền hàng hải tại khu vực này. Các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ thách thức yêu sách về lãnh thổ và quyền tài phán của Trung Quốc với việc cử hàng loạt tàu chiến và tiêm kích chiến đấu tới Biển Đông, phương thức mà các chuyên gia thường gọi là “ngoại giao pháo hạm, tàu chiến”. Bắc Kinh luôn coi chiến dịch FONOP của Mỹ chỉ đạo chống lại yêu sách của hầu hết các quốc gia ven biển Biển Đông. Còn Hoa Kỳ cho rằng việc điều tàu chiến tuần tra vùng biển chiến lược không có gì là bất thường, bắt nạt hay hù dọa ai.
Vào tháng 3 năm 2018, tàu tấn công đổ bộ USS Carl Vinson đã được triển khai đến Biển Đông. Nhiệm vụ của kinh hạm này là thể hiện chính sách “Mỹ luôn quan tâm đến vấn đề tranh chấp tại biển Đông và nhất quán trong quan điểm bảo vệ tự do hàng hải”. Nói cách khác, Chính quyền Washington muốn thuyết phục Trung Quốc không can thiệp vào việc điều hướng tàu chiến tự do đi lại trên vùng biển chung và hủy bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Quan trọng, Mỹ ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và hướng tới hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, có tính ràng buộc pháp lý.
Trung Quốc hiểu rất rõ, không một quốc gia nào chấp nhận các khiếu nại tài phán mà họ cho là bất lợi hoặc phi lý với đất nước mình.
Theo tác giả bài viết Mark J Valencia, cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đang bắt nạt các nước Đông Nam Á nhỏ hơn. Mỹ cũng đang bắt nạt Trung Quốc - ít nhất là trong mắt Trung Quốc. Chính sách này là một phần cuộc đấu tranh của Hoa Kỳ đối với sự thống trị về quân sự, kinh tế và chính trị trong khu vực. Nhưng như Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, Ng Eng Hen nhận xét, “thách thức đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc là đưa ra sự chấp nhận sự thống trị vượt quá sức mạnh quân sự. Nếu chính sách của họ bị chệch hướng so với các quốc gia khác, những nước này sẽ tìm kiếm các đối tác phù hợp. Malaysia, Indonesia và Philippines cũng bày tỏ lo ngại với sức mạnh cũng như sự đáng tin của Mỹ và các hành động không mong muốn khác của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, bắt nạt là một phần của lịch sử quan hệ quốc tế.
Giáo sư Mỹ: Trung Quốc sẽ còn gây sức ép với Việt Nam trên Biển Đông
Giáo sư John Rennie Short thuộc trường Đại học Maryland, Mỹ khi bình luận với VOV về những căng thẳng gần đây đã cho rằng, cần công khai những sai trái của Trung Quốc.
Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy việc truyền bá quan điểm đúng đắn trong việc xử lý vấn đề Biển Đông ra khắp thế giới:
“Trung Quốc là quốc gia có tầm ảnh hưởng không nhỏ và có thể dễ dàng áp đặt quan điểm của nước này ra khắp khu vực và trên toàn thế giới. Chính vì thế, Việt Nam cần thông qua các hội thảo, diễn đàn khoa học bày tỏ chính kiến của mình chống lại những hành vi sai trái của Trung Quốc. Việt Nam cần đặc biệt nêu cao việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại ở Biển Đông bằng cách đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật để chống lại những hành động đơn phương và phi pháp của Trung Quốc trong khu vực”, Giáo sứ Short khẳng định.
Đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, “Việt Nam sẽ thành công trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự hướng tới những vấn đề thời sự cũng như giúp ASEAN có được chính sách chung để vượt qua các bất đồng hay tìm phương hướng phù hợp cho những vấn đề lớn”, Giáo sư Short tin tưởng.
“Vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và tôi tin chắc rằng, Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội này để thúc đẩy giải quyết những vấn đề trong khu vực có tác động tới Việt Nam và các quốc gia trong khối vì lợi ích chung. Việt Nam cần nêu bật được khả năng giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trong đó có việc tuân thủ luật pháp quốc tế”, GS. Short khẳng định.
Bên cạnh đó, Trung Quốc dù bị dư luận quốc tế lên án và chỉ trích nhưng vẫn đơn phương thực thi những hành vi sai trái ở Biển Đông trong suốt thời gian qua, như việc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc chính là nguyên cớ và Bắc Kinh luôn tự tin vào sức mạnh về quân sự của mình so với các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc muốn chiếm Biển Đông bởi vùng biển này không chỉ có ý nghĩa chiến lược về địa chính trị mà còn có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào phục vụ cho nhu cầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Giáo sư Short cũng chỉ ra một thách thức khác, đó là, trong nhiều năm qua, tranh chấp trên Biển Đông thường được coi là “câu chuyện riêng” giữa Mỹ và Trung Quốc và thế giới thường chú tâm vào phản ứng của hai quốc gia này. Chỉ trong vài năm trở lại đây, thế giới mới bắt đầu quan tâm hơn đến phản ứng của các quốc gia trực tiếp bị ảnh hưởng bởi những diễn biến phức tạp ở Biển Đông trong đó có Việt Nam, Philippines hay Indonesia.
Chính vì thế, Giáo sư Short nhắc lại quan điểm rằng, các nước trong khu vực cần đẩy mạnh hơn nữa việc lên tiếng chống lại các hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông và điều này cần được công khai trên các diễn đàn quốc tế.
“Không nhiều người Mỹ biết đến quan điểm của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông so với những gì họ có thể tiếp cận được từ Trung Quốc. Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, điều này sẽ thay đổi khi mà Việt Nam đang ngày càng chủ động hơn trong việc truyền bá quan điểm đúng đắn của mình ra thế giới để nhận được sự ủng hộ rộng lớn của cộng đồng quốc tế”, vị chuyên gia nêu rõ.
Theo Giáo sư Short, nếu cộng đồng quốc tế đồng loạt lên tiếng chỉ trích những hành vi sai trái, gây mất an toàn, an ninh ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy tham vọng của mình bởi khi đó, các nước trong khu vực và trên thế giới chắc chắn sẽ có phản ứng quyết liệt hơn khiến Trung Quốc ít nhiều phải cẩn trọng lối hành xử của mình.
Biển Đông là “chiến trường” giữa Mỹ và Trung Quốc?
“Thời gian qua chính quyền Trump đã tích cực can dự vào vấn đề biển Đông, thậm chí có thể coi Washington đã biến biển Đông thành một trong những “chiến trường” của cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc. Điều này không chỉ thể hiện qua việc chính quyền Trump nhấn mạnh vấn đề biển Đông trong các văn bản chính sách về quốc phòng, chiến lược, ngoại giao mà còn cả trên thực địa, cả trong các diễn đàn quốc tế cũng như các mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, điểm hạn chế là Mỹ khó có thể có hành động hiệu quả trên thực tế để ngăn chặn các hành vi của Trung Quốc trên biển Đông nếu không muốn xảy ra xung động nóng”, PLO dẫn lời chuyên gia khẳng định.
Vị chuyên gia đang làm việc tại Singapore cho rằng, đây cũng là thách thức không chỉ của Mỹ mà còn của cả các nước khác, trong đó có Việt Nam: Làm thế nào để ngăn chặn được sự bành trướng, hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông, vừa giữ được hòa bình và ổn định khu vực.
“Mỹ cũng cần tiếp tục “kiềm chế” Trung Quốc ở tầm cao, làm nước này suy yếu thông qua nhiều biện pháp khác nhau như chính quyền Trump đã làm trong thời gian qua. Một khi tổng thể Trung Quốc suy yếu, Bắc Kinh có khả năng sẽ phải bớt hung hăng, phải “lơi tay” ít nhiều trong các vấn đề như biển Đông. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể cần phải gắn vấn đề biển Đông với các vấn đề khác trong các cuộc đàm phán chiến lược với Trung Quốc” - TS Lê Hồng Hiệp nói