Nhiều công ty Việt Nam đang bị nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm?
Theo Báo cáo “Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 10 tháng năm 2019” mà Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 28.10.2019 cho biết:
“Trong 10 tháng đầu năm 2019, đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,45 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 59,7% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông); Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,52 tỷ USD, chiếm 19% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,21 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư; Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản,... Trong đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kong có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể: đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 2 lần, từ Hong Kong tăng 3,94 lần so với cùng kỳ 2018”.
Trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Cục Đầu tư nước ngoài cho hay, tính lũy kế đến ngày 20.10.2019, cả nước có 30.136 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 358,53 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 208 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Đáng chú ý, về lĩnh vực đầu tư, trong 10 tháng đầu năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã chọn đổ vốn và nguồn lực vào 19 lĩnh vực, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 18,83 tỷ USD, chiếm 68,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,98 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Điểm đặc biệt trong báo cáo lần này của Cục Đầu tư nước ngoài chính là xu hướng chuyển dịch đầu tư, công nghệ sản xuất, đặc biệt là các đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc muốn tìm cơ hội dịch chuyển công việc kinh doanh sang Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ- Trung.
Nguy cơ Trung Quốc đưa công nghệ lạc hậu, nhà máy ô nhiễm sang Việt Nam
Việc các doanh Trung Quốc đổ xô đầu tư vào Việt Nam được cho là nhằm né tránh sự trừng phạt tăng thuế của Mỹ đối với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.
Thông tin về việc Việt Nam thu hút FDI từ quốc gia này, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay:
“Số liệu về tình hình đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, đầu tư khu vực châu Á tăng 86% và tính lũy kế đến hết tháng 6/2019 tăng 76%, trong đó có cả đầu tư của Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2,72 tỷ USD, đứng thứ 3/95 quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Tính lũy kế thì hiện đầu tư của Trung Quốc đứng thứ 7”.
Theo Phó Cục trưởng, hiện tượng giới nhà đầu tư Trung Quốc đổ sang Việt Nam với kế hoạch đầu tư, kinh doanh sản xuất nhằm né thuế quan của Mỹ thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thể kết luận chính thức, tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ dẫn tới sự chuyển dịch đầu tư.
Khi Mỹ áp thuế cao đối với một số mặt hàng của Trung Quốc thì các nhà đầu tư sẽ chuyển dịch sang khu vực châu Á trong đó có Việt Nam, một thị trường đầu tư rất hấp dẫn. Việt Nam sẽ đón nhận được những dự án đầu tư tốt, hạn chế được các dự án chất lượng không cao, song bên cạnh đó có chuyện gian lận xuất xứ, các dự án có tác động không tốt đến môi trường, cũng như đảm bảo an ninh và cần cẩn trọng ngăn chặn các dự án này.
“Vấn đề này cũng đã được Bộ KH&ĐT nêu trong Đề án tổng kết nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài và có thể sẽ có Nghị quyết về các giải pháp để giải quyết các vấn đề này và sau đó sẽ có các nghiên cứu, sửa đổi các nội dung liên quan tại Luật Đầu tư”, ông Nguyễn Nội khẳng định.
Công ty Chứng khoán SSI mới đây cũng đã đưa ra báo cáo nhận định xu hướng vốn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ghi nhận sự tăng trưởng đột biến số lượng các nhà đầu tư từ Trung Quốc và Hồng Kông.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, ngoài hệ lụy của chiến tranh thương mại, còn một nguyên nhân khác đến từ yếu tố môi trường.
Cụ thể, ngoài dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội, còn rất nhiều dự án có tác động lớn đến môi trường như: Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR, dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang, hóa chất dệt nhuộm Huanyu (60 triệu USD, cấp phép tháng 1) đều là những nhà máy, tổ hợp công nghiệp sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao.
Công ty Chứng khoán SSI cũng đề cập đến vấn đề khoảng thời gian chưa đầy 10 tháng kể từ thời điểm nổ ra thương chiến là rất ngắn để hiện thực hóa quyết định chuyển dịch đầu tư do áp lực gia tăng thuế quan từ Mỹ. Trong khi đó, những quy định ngày càng được chính quyền Trung Quốc siết chặt về môi trường hẳn nhiên tác động đến việc chuyển dịch sản xuất của doanh nghiệp nước này sang Việt Nam hay các quốc gia lân cận.
Việt Nam có nguy cơ thành ‘bãi rác công nghệ’ của Trung Quốc?
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người mong muốn thay thế ngành công nghiệp cũ, lạc hậu bằng công nghiệp mới, hiện đại. Họ dư thừa rất nhiều năng lực sản xuất và ông Tập cũng không muốn những ngành ô nhiễm tồn tại trong nước.
“Thế thì trong bối cảnh cả chính sách công nghệ và chính sách môi trường như vậy thì việc các doanh nghiệp Trung Quốc đi ra bên ngoài cũng không hoàn toàn liên quan đến chuyện thương chiến” – PLO trích lời TS. Thành khẳng định.
“Để giải quyết gánh nặng dư thừa sản lượng và tỷ lệ nợ gia tăng của các doanh nghiệp trong nước, Trung Quốc đã đẩy mạnh các sáng kiến kinh tế đối ngoại, thúc giục các nước phối hợp với Trung Quốc để xây dựng các mô hình hợp tác kinh tế chưa từng có tiền lệ. Về thương mại và sản xuất, Trung Quốc hiện đẩy mạnh hợp tác với nhiều nước với nhiều mô hình khác nhau. Những mô hình hợp tác mới mà Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ tại nhiều quốc gia thuộc phạm vi sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI), trong đó có cả Việt Nam, là mô hình “hợp tác năng lực sản xuất” và “khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới”.
Giống như Trung Quốc, Việt Nam đang trong quá trình mở cửa, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới. Quốc gia này nhập về một lô rác thải công nghiệp như đồ dệt, giày dép, điện nhiệt và khoáng sản. Sự cố môi trường năm 2016 Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây thiệt hại to lớn tới sinh vật biển vùng biển xung quanh bốn tỉnh miền Trung làm dấy lên những lo ngại về tác động môi trường từ các dự án của giới nhà đầu tư Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp hiện vì lợi nhuận và khả năng còn hạn hẹp vẫn đang sử dụng những công nghệ, máy móc lạc hậu. Do vậy, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ trở thành “bãi rác công nghệ” của Trung Quốc nếu như không đưa ra lựa ra một cách sáng suốt.