ERG có dấu hiệu lừa đảo?
Ngày 13.11, trên Cổng thông tin điện tử của mình, Bộ Công an Việt Nam đã ra cảnh báo, hình thức hoạt động của Công ty Tài chính công nghệ ERG thực chất là mô hình Ponzi (vay của người sau trả cho người trước) và mô hình này sẽ sụp đổ khi số tiền của nhà đầu tư mới không đủ trả lãi cho các nhà đầu tư trước.
Bộ Công an cho hay, Eagle Rock Global (ERG) được giới thiệu là Công ty Tài chính công nghệ thuộc Tập đoàn “tự xưng” ERG Group INC, là kênh đầu tư tài chính đến từ châu Âu. ERG tập trung vào 5 lĩnh vực của ngành công nghiệp 4.0 là Trading (thương mại), Mining (khai thác tiền ảo), Game (trò chơi trực tuyến), Paid to Click (trả tiền cho lượt nhấp chuột), Ecommerce (thương mại điện tử).
Công ty Tài chính công nghệ ERG thuộc Tập đoàn “tự xưng” ERG Group INC có địa chỉ tại quần đảo Virgin thuộc Anh; mục đích kinh doanh là thu hút và quản lý quỹ đầu tư, lợi nhuận bằng cách sử dụng sự biến động của tiền điện tử và tăng số lượng người dùng; được quảng cáo sẽ mang về lãi suất, lợi nhuận rất lớn là 180 %/năm.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, Bộ Công an được biết, Công ty này không được cơ quan nào của Anh cấp phép. Các trang web hoạt động kinh doanh của Tập đoàn ERG không đăng ký hoạt động tại Việt Nam và ứng dụng ERG do một công ty nước ngoài cung cấp.
Bộ Công an làm rõ hình thức hoạt động kinh doanh của Công ty Tài chính công nghệ ERG như sau:
“Nhà đầu tư khi muốn tham gia vào gói huy động tài chính của ERG thì phải cài đặt ứng dụng (thường gọi là app) do ERG cung cấp và thực hiện theo hướng dẫn đầu tư. Nhà đầu tư sẽ tham gia vào một trong 13 gói đầu tư khác nhau, từ 100 USD/gói đến 01 triệu USD/gói; lợi nhuận không phụ thuộc vào gói đầu tư mà phụ thuộc vào thời gian đầu tư (hình thức giống lãi suất gửi ngân hàng, gồm 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng), với lãi suất lần lượt từ 6 %/tháng đến 15 %/tháng, tương đương 180 %/năm”.
Theo đó, để đầu tư những gói trên, nhà đầu tư chỉ có hai hình thức chuyển tiền vào tài khoản của ERG thông qua giao dịch bằng tiền Việt Nam đồng chuyển vào tài khoản của người bán- các thành viên của ERG để mua được tiền đô-la áo (“USD ảo”) được hiển thị trên tài khoản ERG khởi tạo của mình hoặc chuyển các loại tiền điện tử (như Bitcoin, Ethereum, Bitcoin Cash, Litecoin) tích hợp được vào ví ERG để đầu tư.
ERG kinh doanh đa cấp?
Đáng chú ý, mỗi một gói đầu tư đều có gói hoa hồng giới thiệu, điều này theo Bộ Công an giống như mô hình đa cấp. Ví dụ, nếu nhà đầu tư trước mời được khách hàng khác đầu tư gói 50.000 USD vào hệ thống, thì người giới thiệu sẽ được nhận 6% hoa hồng cho F1, 5% cho F2 và 3% cho F3.
Theo đó, Bộ Công an Việt Nam cảnh báo, hình thức hoạt động của Công ty Tài chính công nghệ ERG thực chất là mô hình Ponzi, nghĩa là vay của người sau để trả cho người trước, và mô hình này sẽ sụp đổ khi tiền của nhà đầu tư mới không đủ trả lãi cho các nhà đầu tư trước.
Bộ Công an khuyến cáo: Hiện tại, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền điện tử và tiền mã hóa nào. Nhà đầu tư sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào gói huy động của ERG, vì nhà đầu tư không biết, không xác thực được tên công ty, trụ sở công ty này ở đâu; những nhà đầu tư thiếu hiểu biết về công nghệ sẽ đầu tư qua môi giới, sau khi gửi tiền thì không được nhận bất cứ giấy tờ hay biên lai gì”.
Sau một thời gian tham gia, nhà đầu tư chỉ được ERG trả lãi bằng tiền “USD ảo” có trong ứng dụng ERG được cài đặt trong điện thoại. Nếu muốn rút tiền chỉ có cách bán “USD ảo” này cho nhà đầu tư khác trong hệ thống ERG, không bán được ra ngoài hệ thống.
Còn trong trường hợp không có người mua hoặc ứng dụng ERG bị sập, nhà đầu tư sẽ mất tiền, tương tự như một số sàn tiền ảo bị sập hồi đầu năm 2018 khiến cho nhiều người tại Việt Nam bị mất trắng các khoản tiền đã đầu tư.
Bộ Công an khẳng định, hiện tại, các đồng tiền mã hóa không bị chi phối và kiểm soát bởi cơ quan quản lý nhà nước nào trên thế giới và Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại tiền điện tử nào. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn xây dựng hành lang pháp lý quản lý đối với tiền điện tử, tiền ảo và tài sản ảo; các giao dịch nộp tiền để tham gia bằng tiền mã hóa này có tính ẩn danh cao nên rất khó có thể xác thực danh tính của người sở hữu tiền mã hóa.
“Vì thế, quần chúng nhân dân cần nâng cao cảnh giác trước các loại hình hoạt động tương tự; cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tự mình quyết định tham gia đầu tư, tránh bị kẻ gian lợi dụng chiếm đoạt tài sản”, Bộ Công an nhấn mạnh.
Việt Nam chưa cấp phép cho bất kì sàn giao dịch tiền ảo nào
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định thông điệp:
“Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam”.
Năm 2017, Thủ tướng có Quyết định số 1255/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Trong đó, giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiền điện tử.
Thủ tướng giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án và tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề hoàn thiện khung khổ pháp lý về tài sản ảo và tiền ảo. Được biết, Bộ Tư pháp đã hoàn thành đề án, trình Chính phủ.
Ngày 11.11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định cơ quan này vừa hoàn thiện và đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế cho Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Đáng chú ý, trong dự thảo này, nội dung đáng chú ý là bổ sung các quy định về tiền điện tử. Đây chính là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng.
Ngoài ví điện tử, quy định về tiền điện tử còn có thêm hình thức tiền di động do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành, định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động và thẻ trả trước do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành, cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ.
Theo Ngân hàng nhà nước, tiền điện tử không phải là một loại tiền tệ mới mà chỉ là hình thái biểu hiện của đồng tiền dưới dạng công cụ hoặc phương tiện thanh toán được sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán.
Ở Việt Nam, thuật ngữ “tiền điện tử” dù được đề cập tại Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền nhưng chưa được giải thích tại một số văn bản dưới luật. Đến nay, tiền điện tử tại Việt Nam cũng mới được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật được thể hiện dưới hình thức là ví điện tử và thẻ trả trước.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc xem xét, bổ sung các quy định để làm rõ bản chất của tiền điện tử là thực sự cần thiết và đảm bảo thống nhất, đồng bộ:
“Việc quy định rõ bản chất, các hình thức thể hiện, đối tượng cung ứng tiền điện tử còn nhằm loại trừ các thể loại tiền ảo, các công cụ sử dụng như phương tiện thanh toán mà không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý; từ đó làm cơ sở pháp lý để Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan thực hiện có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước”, cơ quan này khẳng định.