Tuy nhiên, thông tin về sự phá sản sắp xảy ra của một trong những công ty đi tiên phong trong cuộc cách mạng dầu khí đá phiến - tập đoàn Chesapeake Energy - đã gây sốc cho dư luận.
Gas giá rẻ
Báo cáo tài chính quý III của Chesapeake Energy, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ hai tại Hoa Kỳ, khiến các nhà đầu tư khiếp sợ. Khoản lỗ ròng của công ty đạt 101 triệu USD.
Không chỉ vậy, Chesapeake Energy còn cảnh báo Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch rằng, nếu giá dầu và khí đốt hiện tại vẫn tồn tại hoặc giảm trong suốt năm 2020, thì công ty sẽ có nguy cơ phá vỡ một giao ước đối với khoản vay quay vòng và có thể gây nghi ngờ về khả năng tiếp tục tồn tại.
Chesapeake Energy lưu ý: "Trong tình huống này, chúng tôi nghi ngờ về khả năng tiếp tục làm việc như một doanh nghiệp".
Cổ phiếu của công ty ngay lập tức giảm 30% xuống mức tối thiểu trong 25 năm qua. Bây giờ vốn hóa của công ty là khoảng 1,3 tỷ USD, ít hơn bốn mươi lần so với thời kỳ đỉnh cao của cuộc cách mạng đá phiến năm 2008. Khi đó, lãnh đạo công ty là ông vua dầu đá phiến Aubrey McClendon, đồng sáng lập của tập đoàn năng lượng Chesapeake Energy. Trong năm 2016, ông đã tử nạn trong một tai nạn xe hơi. Và ban lãnh đạo mới đã bắt đầu mở rộng kinh doanh bằng cách mua lại các công ty dầu đá phiến. Nhưng, vấn đề là ở chỗ, tất cả các công ty đó đều gánh chịu những khoản nợ khổng lồ. Và khi giá dầu giảm 40% so với cuối năm ngoái (từ 75 USD/thùng xuống còn 45 USD/thùng), tập đoàn Chesapeake gặp vấn đề nghiêm trọng với việc trả nợ. Kết quả là, hiện nay các khoản nợ của công ty cao gấp 7 lần giá trị thị trường của nó.
Cuộc đấu tranh không thành công của Chesapeake chống lại giá dầu khí thấp, cùng với việc giảm khối lượng sản xuất sau khi buộc phải bán một phần tài sản, là thêm một ví dụ về việc các công ty dầu khí gây vấn đề cho các nhà đầu tư, theo Bloomberg.
Bắt đầu một kết thúc
Năm nay, 26 nhà sản xuất dầu khí của Mỹ bao gồm Sanchez Energy Corp, Halcón Resources Corp, Bristow Group, PHI, Jones Energy và Rex Energy đã nộp đơn xin phá sản. Gần đây, một trong những nhà cung cấp dịch vụ khoan hàng đầu - Weatherford International - cũng thông báo về việc mở thủ tục phá sản.
Bloomberg nhấn mạnh: "Các công ty này không có sức sống, điều đó tiết lộ mặt trái của cuộc cách mạng dầu khí đá phiến: các nhà sản xuất có chi phí cao và số dư nợ ở mức cao không thể thu hút các nhà đầu tư quan tâm chủ yếu đến lợi nhuận, chứ không phải đến việc mở rộng sản xuất".
Các nhà phân tích của Bloomberg lưu ý: sự bùng nổ dầu khí đá phiến của Mỹ đã dẫn đến sự thất bại của ngành này. Các nguồn dự trữ khí trở nên dễ tiếp cận, điều đó đã gây ra tình trạng thừa cung và dẫn đến việc giá dầu đá phiến sụp đổ. Nếu trong năm 2005, giá khí tự nhiên là 16 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (BTU), thì cuộc cách mạng đá phiến đã đẩy giá xuống dưới 3 USD.
Theo dự báo của IHS Markit, trữ lượng lớn khí đốt tự nhiên ở Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá cả, và trong năm 2020 giá trung bình sẽ là 1,92 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (BTU). Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng, "thời điểm cực kỳ khó khăn" đã đến với ngành công nghiệp đá phiến. Theo IEA, đây không phải là điểm cuối của làn sóng phá sản trong ngành này, bởi vì sau một vài tháng nữa, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng dư cung, tương đương với những gì đã được quan sát trong những năm 2014-2015.
Vào thời điểm đó, sự phát triển của các công nghệ cao và giá dầu cao đã làm gia tăng dòng vốn đầu tư vào các mỏ đá phiến. Nhưng, vào năm 2015, giá vàng đen đã giảm mạnh, và hơn một trăm công ty đã bị phá sản với tổng dư nợ khoảng 70 tỷ USD.
Hiện có một tình hình tương tự: các công ty đá phiến đang mắc nợ và không có khoản đầu tư mới nào. Năm ngoái, các khoản đầu tư vào ngành này chỉ bằng một nửa so với năm 2017. Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ và thế giới - Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho rằng, đến năm 2025, việc khai thác dầu đá phiến sẽ mất đi ý nghĩa kinh tế.
Còn có một xu hướng đáng báo động khác: các công ty đang giảm không chỉ quy mô sản xuất, mà cả dòng vốn đầu tư. Ví dụ, Diamondback Energy Inc., Callon Oil Co. và Cimarex Energy Co., tức là các công ty hoạt động trên các mỏ đá phiến của Permian Basin, đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng, trong năm tới họ không có ý định tăng đầu tư. Chesapeake Energy và EQT Corp tuyên bố sẽ giảm sản lượng trong nỗ lực giảm nợ và tránh kích hoạt giao ước.
Trong cuộc họp với các nhà đầu tư, ông Scott Sheffield, giám đốc điều hành của công ty Pioneer Natural Resources Co., nhà sản xuất dầu đá phiến hàng đầu của Mỹ, đã nói:
"Tôi không nghĩ các nước OPEC nên tiếp tục lo lắng quá nhiều về sự gia tăng sản xuất dầu đá phiến trong dài hạn".
Như vậy, chưa chắc là Mỹ có thể thực hiện kế hoạch trở thành nhà xuất khẩu tài nguyên năng lượng lớn nhất vào năm 2024.