Giống lúa ST25 được khởi nguồn nghiên cứu từ cách đây gần 10 năm
Vừa qua, tại Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 diễn ra ở Manila (Philippines), gạo ST25 của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua nhiều giống gạo của các nước khác và lần đầu tiên giành Giải Nhất cuộc thi gạo ngon thế giới 2019. Hội nghị này đã quy tụ hơn 20 công ty kinh doanh gạo quốc tế cùng hơn 100 thương gia xuất nhập khẩu gạo và 20 nhà khoa học đến từ 5 châu lục.
Giống lúa ST25 nằm trong dòng lúa thơm ST gồm nhiều dòng khác nhau đến từ tỉnh Sóc Trăng do nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sỹ Trần Tấn Phương và thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hương tại tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu lai tạo. Đây là giống lúa cao sản có thể trồng 2-3 vụ/năm, trong khi gạo thơm Thái Lan là lúa mùa dài ngày chỉ trồng được 1 vụ/năm. Gạo có hạt dài trắng tinh, dẻo, có mùi thơm dứa được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Đây là cuộc thi nhằm mục đích tuyển chọn các giống gạo ngon trong nước để tham dự cuộc thi Gạo ngon thế giới (World's Best Rice). Hai năm trước, gạo ST25 cũng từng được xếp là 1 trong 3 loại gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo được tổ chức tại Macao, Trung Quốc vào tháng 11/2017.
Lúa ST25 được lai tạo và nhân rộng từ khoảng 2010, đến nay đã được sản xuất rộng rãi trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương khác trong cả nước. Lúa được sản xuất theo quy trình sạch và chế biến gạo theo dây chuyền hiện đại với công nghệ của Thụy Sĩ, với mục tiêu “3 không” là: Không hàm lượng: cadimi, aflatoxin; Không dư lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ; Không dùng hóa chất tạo mùi.
Hiện nay, giá gạo ST25 tại Sóc Trăng đang tạo sức hút mạnh tại thị trường trong nước với nhiều mức giá, trong đó gạo ST25 hữu cơ có giá tới 65.000 đồng/kg, còn giá phổ biến gạo ST24 thường ở mức từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Giống lúa ST ngày càng được nông dân nhân rộng. Trong đó, giống ST25 hàng năm được gieo cấy khoảng hơn 10.000 ha.
Với thương hiệu được vinh danh lần này, sắp tới tỉnh Sóc Trăng sẽ quy hoạch vùng trồng lúa ST, chú trọng việc nhân rộng mô hình lúa hữu cơ ST25 ở các địa phương có ưu thế như thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị và vùng tôm-lúa huyện Mỹ Xuyên.
Kỹ sư Hồ Quang Cua, tác giả của dòng lúa ST
Kỹ sư Hồ Quang Cua sinh ra ở xã nghèo thuần nông Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Tuổi thơ gắn liền với ruộng đồng, làng quê, vì thế sau khi học xong phổ thông, ông Cua thi vào Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ.
Tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt của trường này vào năm 1978, chàng kỹ sư trẻ trở về Sóc Trăng. Thời gian đầu, ông Cua làm việc tại Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên, về sau được đề bạt làm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng.
Cách nay 27 năm, kỹ sư Hồ Quang Cua tham gia nhóm nghiên cứu của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Trường ĐH Cần Thơ sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan. Cũng trong thời gian này, người kỹ sư của đất Sóc Trăng có ý tưởng làm lúa thơm cao cấp cho Việt Nam, mà trước hết là cho quê hương Sóc Trăng.
Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, công trình lúa thơm ST là cả một quãng thời gian dài và nó được bắt đầu bằng sự tình cờ của chuyến thăm đồng vào một buổi sáng mùa đông năm 1996. Khi ngắm nghía những hạt lúa VĐ20 no tròn, bằng cặp mắt “nhà nghề”, ông Cua phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, dạng hạt thon dài rất đẹp. Từ sự tình cờ đó, công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên “ST” ra đời.
Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, sự phát hiện này tình cờ nhưng rất có ý nghĩa đối với công tác lai tạo, nhân giống lúa thơm của Sóc Trăng. Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được ông cùng các cộng sự thu thập, sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất. Đồng thời, kỹ sư Hồ Quang Cua đã tiên phong trong việc đưa chế phẩm sinh học vào quy trình sản xuất lúa thơm ST, để sản phẩm không chỉ ngon mà còn an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.
Năm 2017, tổng sản lượng lúa toàn tỉnh đạt trên 2 triệu tấn; trong đó, lúa thơm và lúa đặc sản chiếm trên 50%. Cây lúa Sóc Trăng trở thành một trong những chỉ dẫn địa lý hấp dẫn về lúa thơm trong cả nước; vươn lên tốp đầu những tỉnh sản xuất lúa lớn nhất trong khu vực ĐBSCL, giúp hàng chục nghìn hộ dân thoát nghèo.