Đồng thời, qua chuyến thăm này, Mỹ tái khẳng định lập trường không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông và cản trở hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper
Nhận lời mời của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Thomas Esper có chuyến thăm và làm việc chính thức tại Việt Nam trong hai ngày, từ ngày 19 đến 21.11.
Sáng 20.11, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã chủ trì Lễ đón chính thức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Cùng tham dự Lễ đón còn có nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink.
Mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Thomas Esper là nhằm triển khai các nội dung, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã được ký kết giữa hai Bộ Quốc phòng và sự đồng thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa Quân đội và nhân dân Việt Nam- Hoa Kỳ.
Theo lịch trình, sau Lễ đón chính thức, Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch làm trưởng đoàn đã hội đàm với Đoàn Bộ trưởng Quốc phòng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ do Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper dẫn đầu để thảo luận những vấn đề quan trọng trong hợp tác quân sự-quốc phòng giữa hai nước.
Lần đầu tiên ông Esper thăm Việt Nam: Tăng hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ
Tại buổi Hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước, Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu chào mừng ngài Mark Esper, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ có chuyến thăm lần đầu tiên trên cương vị mới đến Việt Nam.
Hai bên đã cùng thảo luận, chia sẻ các vấn đề cùng quan tâm và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, đồng thời cả Việt Nam và Mỹ đều nỗ lực đưa quan hệ quốc phòng song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần tích cực vào khuôn khổ Đối tác toàn diện giữa hai nước.
Đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ thời gian qua, hai Bộ trưởng nhìn nhận, hai bên đã đạt nhiều thành tựu, quan hệ quốc phòng Việt Nam- Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tích cực, với hiệu quả thiết thực, phù hợp với mối quan hệ Đối tác toàn diện, đồng thời đáp ứng được nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, nhất là trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh như: Tìm kiếm quân nhân mất tin, mất tích, rà phá bom mìn, xử lý chất độc da cam/dioxin, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, công tác đào tạo, quân y, cứu nạn cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo, trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.
Đồng thời, tại buổi Hội đàm, cả Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đều thống nhất tiếp tục đẩy mạnh các nội dung hợp tác đã xác định trong Bản Ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng ký năm 2011, Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng ký năm 2015 và Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2018 – 2020, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường cơ chế tham vấn, đối thoại, hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh.
Nhiệm vụ đầu tiên hai nước đang tập trung phối hợp thực hiện triển khai Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo, an ninh biển, quân y, đào tạo tiếng Anh, nghiên cứu nhu cầu hợp tác về công nghiệp quốc phòng và gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đáng chú ý, sau Hội đàm, hai Bộ trưởng còn trao kỷ vật, tư liệu quý giá. Phía Mỹ trao cho Việt Nam hồ sơ về quân nhân hy sinh ở tỉnh Quảng Trị, Việt Nam trao cho phía Hoa Kỳ hiện vật gồm hai thẻ quân nhân và giấy ra vào của phi công Mỹ hy sinh trong chiến tranh Việt Nam.
Hôm 9.10, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Randall Schriver tiết lộ qua chuyến thăm này của ông Esper, Việt Nam và Mỹ sẽ đưa ra nhiều hoạt động, chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, phù hợp với quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Trước khi đến Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper đã thăm Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines từ ngày 13.11.
Hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ ngày càng thiết thực
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có buổi tiếp bà Bonnie Glick, Tổng Giám đốc toàn cầu cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) hôm 1.11 nhằm thảo luận các vấn đề hợp tác an ninh quốc phòng Việt- Mỹ, đồng thời dự lễ bàn giao mặt bằng 37ha dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa.
Bên cạnh cuộc gặp này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng thông tin về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang Việt Nam. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định:
“Đây là chuyến thăm thông thường của các bộ trưởng khi hai bên cam kết trao đổi các đoàn cấp cao. Hai bộ trưởng sẽ trao đổi các vấn đề về hợp tác quốc phòng dựa trên bản ghi nhớ Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2011 và Tầm nhìn chiến lược quốc phòng hai nước”.
“Trong hợp tác quốc phòng hai nước, vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh luôn được đưa lên hàng đầu. Không có hợp tác này sẽ không có nền tảng cho hợp tác hiện tại và tương lai. Chúng ta đã cam kết với Mỹ về hoạt động tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, là sẽ cùng Mỹ tìm đến người cuối cùng. Ngược lại Mỹ cam kết sẽ cùng chúng ta khắc phục đến điểm cuối cùng còn bị nhiễm dioxin”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ.
Hợp tác quốc phòng Việt Nam- Hoa Kỳ không ngừng được tăng cường trong thời gian gần đây và hiện đang phát triển theo hướng hết sức tích cực.
Hợp tác an ninh - quốc phòng được duy trì trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ 2011 và Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ 2015.
Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam (tháng 5.2016).
Điển hình nhất là năm 2017 Việt Nam đã tiếp nhận một tàu tuần tra 3.250 tấn của lực lượng Tuần duyên Mỹ và đưa vào biên chế cho Cảnh sát biển. Hai bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, duy trì các cơ chế đối thoại song phương và tiếp xúc tại các diễn đàn khu vực (Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch thăm Hoa Kỳ tháng 8.2017, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh thăm Mỹ và dự Đối thoại chính sách quốc phòng tháng 10.2017, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis thăm Việt Nam tháng 01.2018). Hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động 3 năm về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018 – 2021. Tàu sân bay USS Carl Vinson lần đầu tiên thăm cảng Việt Nam (03.2018).
Bên cạnh đó, trong năm 2018 và năm 2019, Mỹ đã chuyển giao tổng cộng 12 xuồng tuần tra Metal Shark cho Cảnh sát Biển Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hàng hải.
Chuẩn Đô đốc Phil Davidson, Chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ- Thái Bình Dương cho biết, phía Mỹ hoàn toàn có thể chuyển giao cho Việt Nam thêm tàu tuần duyên, các máy bay trinh sát không người lái hay phi cơ huấn luyện sơ cấp T-6 Texan II.
Đáng chú ý, Việt Nam còn nhận 6 UAV trinh sát ScanEagle của Hoa Kỳ. Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo cung cấp 6 máy bay không người lái (UAV) ScanEagle cho Việt Nam với tổng trị giá hơn 9,7 triệu USD. Hợp đồng do công ty con của Boeing phụ trách còn bao gồm phụ tùng thay thế và sửa chữa, thiết bị hỗ trợ, các dịch vụ thực địa cùng quá trình huấn luyện và hỗ trợ kỹ thuật.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì và tăng ngân sách cho các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có dự án tẩy độc các điểm nóng nhiễm chất dioxin, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Năm 2017, Hoa Kỳ đã hoàn thành các hạng mục chính trong công tác tẩy độc sân bay Đà Nẵng; cam kết tiếp tục triển khai dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng tài trợ cho Việt Nam các dự án về khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh với tổng viện trợ 94 triệu đô la thông qua các NGO từ năm 1993 đến nay.
Ở quy mô lớn hơn, đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, Việt Nam và Mỹ tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực như APEC, ARF, ADMM+, LMI, EAS, trong đó có các vấn đề khu vực như an ninh an toàn hàng hải, củng cố đoàn kết ASEAN, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, triển khai Đối tác chiến lược Hoa Kỳ - ASEAN, cũng như các vấn đề toàn cầu như chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng và nguồn nước, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Tăng tự do hàng hải, Mỹ sẽ không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông
Trước khi đến Hà Nội, ngày 19.11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có chuyến thăm và làm việc gói gọn trong một ngày tại Manila, thủ đô Philippiné và hội đàm với người đồng cấp Delfin Lorenzan. Theo đó, hai bên đã tiến hành thảo luận về các phương thức tăng cường quan hệ hợp tác cũng như mở rộng liên minh quân sự Mỹ- Philippines được duy trì và củng cố nhiều thập niên vừa qua.
Trong buổi họp báo sau cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo hai Bộ Quốc phòng Mỹ và Philippines, ông Esper khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do lưu thông hàng hải ở biển Đông, bất chấp cảnh cáo từ Trung Quốc. Ông Esper nhấn mạnh hành động này của Mỹ gửi một thông điệp rõ ràng rằng tất cả các nước đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
“Tôi nghĩ tất cả chúng ta có trọng trách phải đưa ra quan điểm công khai, xác nhận quyền chủ quyền của mình và nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế mà các nước đều phải tuân thủ” - ông Esper nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, năm vừa qua là năm Mỹ thực hiện nhiều cuộc tuần tra hàng hải nhất so với 20 năm vừa qua.
“Thông điệp rõ ràng mà chúng tôi cố gắng truyền tải không phải là Mỹ phản đối Trung Quốc, mà là tất cả chúng ta phải hiểu và tuân thủ mọi quy định và luật pháp quốc tế. Hiển nhiên, chúng tôi nghĩ Trung Quốc cũng nên tuân thủ, Bắc Kinh không phải ngoại lệ. Cùng hợp tác hành động là cách tốt nhất để truyền tải thông điệp và khiến Trung Quốc có phương thức hành xử đúng đắn hơn”, lãnh đạo Lầu Năm Góc khẳng định.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 17.11, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN- Mỹ đã có bài phát biểu về quan hệ Mỹ - ASEAN trong đó chỉ trích mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông nhất là việc Trung Quốc tăng cường yêu sách đường Lưỡi bò.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã đưa ra những quan điểm về những mối quan ngại an ninh chủ yếu tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm, các vấn đề liên quan tới an ninh hàng hải, chương trình hạt nhân của Triều Tiên, các tổ chức khủng bố quốc tế và những thách thức trong tuân thủ luật pháp quốc tế.
Chỉ trích hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, Bộ trưởng Mark Esper nhấn mạnh:
“Lối hành xử của Trung Quốc không chỉ gây nên mối đe dọa với các nước khác có cùng tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, mà còn với những quốc gia là đối tác thương mại - những thành viên luôn tôn trọng tự do hàng hải, cũng như với các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp. Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, nhất là chính sách “đường lưỡi bò, đường chín đoạn” phi pháp, không chỉ trái pháp luật và phi lý, mà còn đi ngược lại phán quyết của tòa trọng tài thường trực UNCLOS ở Hague hồi tháng 7-2016”.
Theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung Quốc đã thúc đẩy chính sách “tàu dân quân biển” để đánh đuổi tàu cá và ngư dân Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, đồng thời triển khai lực lượng Hải cảnh để ngăn các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, khai thác nguồn tài nguyên dầu khí trên biển theo đúng chủ quyền của họ.
“Thông qua các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại để khẳng định yêu sách đường chín đoạn, Trung Quốc đang cản trở các thành viên ASEAN tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng có thể tái tạo trị giá hơn 2.500 tỉ USD. Không những thế, hành động của Trung Quốc còn làm gia tăng bất ổn và rủi ro xung đột” ông Esper nói, đồng thời khẳng định hành vi của Trung Quốc là hoàn toàn “đi ngược lại trật tự được thiết lập dựa trên các quy tắc mà tất cả chúng ta đã cùng nhau xây dựng trong suốt hơn 70 năm”.
Đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Hoa Kỳ và ASEAN đang có một lập trường chung về Biển Đông, và Washington tin rằng tuyên bố của ASEAN sẽ là một phương tiện mạnh mẽ để thể hiện tinh thần đoàn kết.
“Hãy cùng đoàn kết, chúng ta phải ủng hộ chính sách tự do hàng hải, sử dụng hợp pháp không gian trên biển và trên không để chống lại những hành động cưỡng ép, bắt nạt và đe dọa”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố.
Bên cạnh đó, đã không ít lần, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh cáo việc Trung Quốc “liên tục duy trì chiến thuật bắt nạt, đe dọa”, cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc không thể giành được niềm tin của các nước láng giềng lẫn sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế.