Thủ tướng trình Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

© Ảnh : An Đăng - TTXVNBộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Sáng 22.11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Quốc hội bỏ phiếu kín miễn nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Nguyễn Khắc Định

Mở đầu phiên làm việc về công tác nhân sự, Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy trình Tờ trình đề nghị miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIV Nguyễn Khắc Định.

Tại phiên họp sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, Bộ Chính trị đã có quyết định điều động Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIV Nguyễn Khắc Định về làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2015-2020. Được biết, ông Định đã nhận nhiệm vụ mới chỉ sau vài ngày Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ 8. Chủ tịch Quốc hội lý giải, khi chưa miễn nhiệm, ông Nguyễn Khắc Định phải đảm nhận đồng thời vị trí Chủ nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội và Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, rất vất vả.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Sputnik Việt Nam
Quốc hội sẽ miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ Chính trị cũng nhất trí cho miễn nhiệm chức Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

Thực hiện quy định của luật Tổ chức Quốc hội theo chương trình Kỳ họp thứ 8 đã báo cáo, hôm nay Quốc hội tiến hành miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIV đối với ông Nguyễn Khắc Định.

Đồng thời Quốc hội cũng tiến hành phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.

Sau khi nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình đề nghị miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV Nguyễn Khắc Định và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở Đoàn về hai nội dung này.

Trong phiên làm việc buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn về công tác nhân sự. Tiếp đó, Quốc hội thành lập Ban Kiểm phiếu và thực hiện miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV Nguyễn Khắc Định cũng như phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhiệm kỳ 2016-2021 bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Bà Tiến và ông Định được dành thời gian phát biểu (nếu có) trước khi Quốc hội bầu ban kiểm phiếu và bỏ phiếu kín quyết định việc miễn nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu. - Sputnik Việt Nam
Quốc hội sẽ miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Việc kiểm phiếu và công bố kết quả kiểm phiếu được tiến hành ngay sau đó. Các nghị quyết miễn nhiệm và phê chuẩn miễn nhiệm hai chức danh này cũng được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Trước đó, Bộ Chính trị đã giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách Ban Cán sự đảng Bộ Y tế lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Bộ Y tế. Theo đó, trước hết tập trung vào công tác cán bộ, bảo đảm sự đoàn kết trong toàn ngành để phát triển toàn diện các mặt công tác, đồng thời làm tốt công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng được bổ nhiệm giữ chức Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Tâm sự của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trước khi rời nhiệm kỳ

Đánh giá về 8 năm nhiệm kỳ của mình, bà Tiến chia sẻ:

“Tôi có 1 nhiệm kỳ làm thứ trưởng, 8 năm làm bộ trưởng, điều ưng ý nhất trong 13 năm là chính sách ngành y tế được cán bộ toàn ngành hưởng ứng, thực hiện và đã có những kết quả đo đếm được”, Bộ trưởng Bộ Y tế trải lòng với Tuổi trẻ.

Theo phân tích của bà Tiến, điều đầu tiên dễ dàng nhận thấy nhất chính là thái độ của cán bộ y tế cải thiện rõ rệt. Tình trạng nằm ghép ở bệnh viện cải thiện. Trước kia có những lúc 3 - 4 người, thậm chí 6 bệnh nhân phải nằm ghép một giường. Điều tiếp theo chính là đã nhiều bệnh viện, khoa điều trị được đầu tư xây mới, mở ra với điều kiện khang trang, hiện đại, trang thiết bị không kém so với các nước trong khu vực. Nhiều kỹ thuật cao trong ngành y tế đã sánh ngang tầm khu vực, quốc tế, được ứng dụng để phòng chữa bệnh cho người dân. Ngoài ra, vấn đề đổi mới tài chính, giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ, đúng với giá trị thật. Khi giá dịch vụ cao, bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn, hưởng các dịch vụ tốt hơn, cái đó người dân được hưởng lợi trong khi không phải bỏ thêm viện phí do bảo hiểm đã chi trả.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Sputnik Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến: 'Tôi có thể làm tốt hơn nữa'

Theo lời bà Tiến, 8 năm nhiệm kỳ ghi nhận nhiều sự thay đổi tích cực. Đó là, cán bộ y tế có thu nhập tốt hơn, cơ sở của bệnh viện có đủ kinh phí để mua drap trải giường, mua ghế ngồi chờ cho bệnh nhân, máy lạnh, rồi đầu tư thay đổi cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, nhà vệ sinh xanh - sạch - đẹp. Thêm nữa, ở thời điểm này, người dân đã sử dụng phổ biến rộng rãi bảo hiểm chứ không phải tự bỏ tiền túi ra.

“Cuối cùng, ý kiến đánh giá làm chúng tôi vui nhất, hạnh phúc nhất, đó là tỉ lệ hài lòng của người dân, trong khảo sát độc lập hơn 80% hài lòng, làm chúng tôi rất phấn khởi. Rồi trước đây đi thăm bệnh viện gặp bệnh nhân thì bị nói không ra gì, còn bây giờ gặp họ cười, chụp ảnh, đó cũng là niềm vui, hạnh phúc của chúng tôi. Một vấn đề nữa là hình ảnh, cơ sở vật chất bệnh viện các tuyến thay đổi nhiều. Những điều người dân ưng ý thì ngành y tế ưng, tôi cũng ưng ý”, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.

Nêu quan điểm về những đợt bão dư luận trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận xét, nghề y là một nghề liên quan mật thiết đến sức khỏe, tính mạng người dân nên luôn được người dân quan tâm, theo sát. Nhiều lúc người dân ốm đau hoặc có những gia đình mất mát, nên cũng có những điều không hài lòng. Ngoài ra, không chỉ là sức khỏe và cả những vấn đề khác nữa có trách nhiệm của Bộ Y tế được người dân quan tâm, dư luận quan tâm, truyền thông quan tâm nên “bão dư luận” thứ nhất có thể do người ta chưa hiểu hết, thứ hai cũng do chính ngành y tế chưa chủ động cung cấp thông tin.

“Giai đoạn đầu tôi mới nhận nhiệm vụ, có thể truyền thông của ngành y tế lúc đó rất hạn chế, thậm chí không muốn tiếp nhà báo, từ chối đề nghị phỏng vấn cho nên dẫn tới thông tin có thể không chính xác, có thể bị sai lệch, thậm chí không đúng mà ngành y tế gánh chịu, Bộ Y tế gánh chịu và bộ trưởng cũng có lúc phải gánh chịu”, bà Tiến thừa nhận.

Giải thích về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, một phần cũng có lỗi của ngành ở thời điểm đó như thực tế tai biến y khoa dẫn tới tử vong, tai biến tiêm chủng, rồi thái độ của đội ngũ cán bộ y tế trong lúc con cái, người thân của các gia đình ốm đau, rồi vấn đề cấp các giấy phép cho doanh nghiệp, rồi vấn đề sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Bão dư luận giúp kích thích lòng tự trọng của cán bộ y tế?

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, có những lúc bản thân bà hay cán bộ ngành Y tế phải chịu sự phản biện từ báo chí hết sức mạnh mẽ. Bộ trưởng lấy ví dụ về chương trình “Gặp nhau cuối năm” có lấy hình ảnh nhét đồng xu vào miệng Táo Y tế khiến bà và cán bộ ngành rất chạnh lòng.

“Thời điểm đó gần giao thừa, tôi biết có nhiều cán bộ y tế đang trực trong bệnh viện, có bác sĩ đã khóc nói với tôi sao ngành mình bị đối đãi bạc bẽo vậy. Mọi người được xem và chuẩn bị đón giao thừa, còn chúng tôi vật lộn trong bệnh viện, nhiều bác sĩ đã nuốt nước mắt. Tôi đã nghĩ cuộc sống phải chấp nhận, bao giờ cũng có thị phi và những điều không như mong muốn. Bây giờ nghĩ lại, những người khen mình cũng cảm ơn, chê mình cũng cảm ơn, kể cả phản bác mạnh mẽ hay xúc phạm đến ngành... mình cũng cảm ơn. Bởi vì những ý kiến mạnh mẽ, quyết liệt đã giúp cho mình nhìn lại ngành mình, nhìn lại các dịch vụ ngành cung ứng. Cá nhân tôi cũng nhìn lại xem đã làm tốt chưa để khi thực hiện công việc phải thật chuẩn mực”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, chính những ý kiến đó đã kích thích lòng tự trọng của cán bộ y tế.

“Bản thân tôi cũng khó tính, làm việc với tôi nhân viên cũng chịu áp lực, nhưng tôi cũng nói thẳng thắn rằng đa số cán bộ ngành y là tốt, có xuất phát điểm là học giỏi, chăm chỉ, thời gian đào tạo lâu, có nền tảng trí thức, tính tự trọng cao, vì thế nên khi bị xúc phạm như gáo nước lạnh giội vào mặt, tính tự trọng trỗi dậy để nỗ lực hơn. Lúc đó tôi đã với nói anh em không có bệnh nhân thì cán bộ y tế chả để làm gì, vậy nên phải yêu lấy bệnh nhân, phải quay trở lại như vậy, yêu bệnh nhân trước rồi dần dần sẽ làm tốt hơn, kể cả những lúc bệnh nhân có bức xúc, xúc phạm thì đó cũng là động lực để mình phấn đấu”, Bộ trưởng cho biết.

Họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV - Sputnik Việt Nam
Lý do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bị miễn nhiệm
Theo lời vị tư lệnh ngành, đó là những thời điểm hết sức căng thẳng và nhạy cảm như khi xảy ra tai biến vắc-xin, vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, ăn bớt vắc-xin, thuốc, “nhân bản”xét nghiệm Hoài Đức, rồi vụ ba trẻ em mất ở Quảng Trị, rồi sau này là VN Pharma. Bà Tiến khẳng định, cái gì sai đã có cơ quan chức năng xét xử đúng người, đúng việc, đúng tội.

“Và sai thì phải sửa, phải chịu trách nhiệm, tuy nhiên trước những việc đó có dư luận trái chiều nhau, nhưng tôi cảm ơn, vì nếu không có những phản biện sâu sắc thì anh em trong ngành cũng chưa thay đổi được như hôm nay”, Bộ trưởng Y tế giãi bày.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói về việc bị tín nhiệm thấp

Bà Tiến cũng chia sẻ về trải nghiệm “suýt mất ghế Bộ trưởng” vì quyết định tăng viện phí gây tranh cãi trong dư luận.

“Lúc đó không những người dân, báo chí nói tăng giá dịch vụ thì khổ cho người nghèo. Lúc đó có lãnh đạo nói chị điều chỉnh giá dịch vụ thì chị mất ghế bộ trưởng. Rồi có lãnh đạo cấp trên nói thôi ngưng lại. Khi lãnh đạo cao cấp nói ngưng lại, lúc đó tôi đang đi hội nghị quốc tế. Nghe điện thoại bảo ngưng việc tăng giá lại tôi choáng váng cả người” bà Tiến nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích, nếu mấu chốt giá dịch vụ không được điều chỉnh, mỗi lần khám có 2.000 đồng, vào khám không có ghế ngồi chờ, lương cán bộ y tế thấp, rồi vật tư tiêu hao cũng phải đi mua ngoài, người dân không hài lòng.

“Tôi nghĩ đã làm là phải chấp nhận, phải làm để thay đổi, chấp nhận mất ghế hoặc nhường ghế để cho người khác. Còn nếu mình ngồi đây mà mình vẫn để thế thì ghế đó không có ý nghĩa gì. Rất may khi đó bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, phó thủ tướng Vũ Văn Ninh động viên cứ bình tĩnh. Các anh ấy cũng nói nếu không thay đổi thì không bao giờ thay đổi được. Cuối cùng, tôi quyết định giải quyết vấn đề mấu chốt này, vì đây là nút thắt của những khó khăn của ngành y tế trong thời điểm đó”, bà Kim Tiến khẳng định.

Tâm sự về cảm xúc khi từng là một trong hai Bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm thấp nhất, bà Tiến nhớ lại:

“Lúc đó phiếu tín nhiệm thấp là đúng thôi, vì lúc đó phản ánh đúng thực trạng, dịch vụ y tế chưa đáp ứng được người dân. Sau này tốt hơn vì ngành tốt hơn, người dân đã bớt kêu ca hơn, HĐND các tỉnh, Quốc hội cũng bớt ý kiến về các vấn đề của ngành y tế, những tiến bộ của ngành, phiếu thấp của ngành chứ không phải của cá nhân. Các chính sách thay đổi từ năm 2012, từ cơ chế tài chính, thái độ có thời gian thấm, đi vào cuộc sống, không phải mình tốt hơn mà là ngành phục vụ tốt hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu. - Sputnik Việt Nam
Ai sẽ thay Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến?
Hôm 21.10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng trải lòng về những trăn trở của bản thân trước khi rời cương vị, bà Nguyễn Thị Kim Tiến liệt kê, đó là nhiều công trình xây dựng bị vướng, chưa xong sớm để phục vụ người dân tốt hơn. Đồng thời, bà cũng chia sẻ câu chuyện “thị phi” mà mình vướng vào.

“Một số vấn đề về dược đang giải quyết, mình vẫn bị thị phi đấy. Nhưng có những thông tin không trung thực, không chính xác qua những mạng trái, mạng ngoài lề. Tôi nghĩ rằng những cơ quan chức năng sẽ làm mọi cách để đảm bảo công minh, chính xác, đúng người đúng tội, đúng việc. Không bỏ sót, oan sai, để xây dựng một nền y tế phục vụ dân tốt hơn”, bà Tiến khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến năm nay 60 tuổi và là nữ Bộ trưởng duy nhất của Chính phủ đương nhiệm, đã làm Bộ trưởng Y tế 8 năm. Không phải đại biểu Quốc hội, bà chỉ xuất hiện ở một số phiên họp toàn thể trong tư cách khách mời.

“Trong khuôn khổ nhiệm vụ của mình, mình phải nỗ lực hết sức, phải có những sản phẩm dù bé nhỏ nhưng có ích, chứ mình không buông trôi, cũng đấu tranh, cũng áp lực, cũng làm việc, phải hy sinh, đó là cuộc đời”, Bộ trưởng Tiến tâm sự trước khi rời cương vị lãnh đạo ngành Y tế.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала