Đại sứ quán Pháp phủ nhận tin đồn liên quan đến thủ tục xin visa Schengen
Theo thông cáo từ đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, phát đi ngày 26.11, việc cấp thị thực cho công dân Việt Nam vào EU hiện tại không có gì thay đổi.
Trên trang Facebook chính thức, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã đăng thông điệp viết bằng hai thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Pháp), với nội dung như sau:
“Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh xin thông báo với các công dân Việt Nam là gần đây không có thay đổi gì về thủ tục cấp thị thực Schengen, trái với một số tin đồn thổi”.
Về vấn đề thủ tục tham vấn liên quan đến việc cấp thị thực (visa) Schengen cho công dân Việt Nam, Đại sứ quán Pháp cũng khẳng định đây là thủ tục đã được quy định từ nhiều năm nay, là thủ tục thông thường trong tổng thể quy trình xử lý hồ sơ xin thị thực. Như vậy, thủ tục này cũng không có gì thay đổi.
Đại sứ quán Pháp cũng cho biết thêm, thời gian thẩm tra hồ sơ xin thị thực vào Pháp tại Việt Nam không vượt quá 15 ngày theo quy định Schengen.
Hiệp ước Schengen
Hiệp ước Schengen là hiệp ước về tự do đi lại được cac quốc gia châu Âu ký kết, thông qua. Cho đến nay, tổng cộng có 26 quốc gia châu Âu đã tham gia vào khối Schengen, bao gồm: Áo, Bỉ, Ba Lan, Czech, Hà Lan, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Slovenia, Thụy Sĩ, Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Iceland và Liechtenstein.
Sau khi nhận được thị thực Schengen, do bất kỳ quốc gia nào trong danh sách 26 nước đã liệt kê trên cấp, người xin thị thực được phép tự do nhập cảnh, đi lại trong toàn bộ khu vực Schengen.
Công dân Việt Nam bị siết chặt thủ tục xin visa Schengen?
Thời gian vừa qua, mạng xã hội lan truyền bài viết từ “một nhân viên Tổng lãnh sự quán Pháp”, theo đó quy trình xét thị thực (visa) Schengen cho công dân Việt Nam đã bị siết chặt sau vụ 39 người Việt Nam nhập cư trái phép thiệt mạng tại Anh.
Tác giả bài viết cho rằng, từ nay, công dân Việt Nam khi nộp hồ sơ xin thị thực ở cơ quan ngoại giao của một nước thuộc Schengen, ví dụ như tại Tổng lãnh sự quán Pháp, thì cơ quan ngoại giao đó phải có sự thông qua của 25 nước còn lại trong khối thì mới có thể cấp visa cho người nộp đơn.
Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này, Tổng lãnh sự Pháp tại TP. HCM Vincent Floreani cho biết: “Hiện Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM hay Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội không có bất kỳ thay đổi nào trong quy trình cấp visa Schengen. Vì đây là visa cấp để tự do đi lại trong lãnh thổ 26 nước có ký hiệp ước nên từ nhiều năm qua, giữa nội bộ những cơ quan ngoại giao của quốc gia Schengen trên khắp thế giới đã có việc chia sẻ thông tin hoặc thảo luận về hồ sơ của người xin cấp thị thực. Điều này cũng không có gì mới”.
Trong khi đó, Anh không nằm trong khối Schengen nên không tham gia vào việc bỏ phiếu kiểm soát biên giới. Ngoài ra, thị thực Schengen cũng không giúp một người được vào Anh như đối với 26 nước trong khối.
Như vậy, có thể thấy đây chỉ là tin đồn thất thiệt. Tuy vậy, thông tin này cũng làm xôn xao cộng đồng mạng thời gian qua. Có ý kiến nhận xét rằng, một số công ty du lịch hoặc thiết kế tour đang lợi dụng tin đồn này để gây hoang mang cho khách hàng nhằm trục lợi.
Công dân Việt Nam có thể trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người
Thảm kịch 39 người tử vong ở Anh cho thấy rõ những nguy hiểm mà công dân Việt Nam có thể phải trải qua khi cố gắng nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Những công dân này cũng có thể trở thành nạn nhân của những đường dây buôn người.
Tính đến nay, cảnh sát Anh đã bắt giữ 7 người vì liên quan đến thảm kịch này. Trong số các nghi phạm có tài xế xe tải Maurice Robinson, 25 tuổi, ở Bắc Ireland, đã nhận tội “hỗ trợ, tạo điều kiện” nhập cư bất hợp pháp trong phiên tòa diễn ra hôm thứ Hai, nhưng không thừa nhận 39 tội ngộ sát mà bản thân bị cáo buộc.
Liên quan đến vụ việc này, hiện, Công an Việt Nam cũng đã bắt giữ 11 nghi phạm liên quan đường dây môi giới đưa lao động sang Anh trái phép, trong đó có 9 người ở Nghệ An và hai người ở Hà Tĩnh.
Thi thể của 16 công dân Việt Nam tử vong trong xe tải đông lạnh ở Anh đã được đưa về Việt Nam sáng thứ Tư, ngày 27.11 để mai táng theo phong tục địa phương. Việc hồi hương thi thể/tro cốt 39 người Việt tử vong ở Anh sẽ được chia làm nhiều đợt. Trong đó, đợt đầu sẽ là những nạn nhân từ các địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Sáng 27.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân, đồng thời yêu cầu Bộ Công an và các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách Anh khẩn trương điều tra xử lý nghiêm những kẻ phạm tội trong vụ này.