Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã tham dự Lễ hạ thủy tàu tìm kiếm, cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316 mang tên Yết Kiêu và số hiệu 927.
Hạ thủy tàu tìm kiếm, cứu nạn tàu ngầm đa năng Yết Kiêu MSSARS 9316
Sáng 4.12, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ hạ thủy tàu tìm kiếm, cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316 số hiệu 927 trang bị cho Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Sự kiện quan trọng này diễn ra tại Nhà máy 189, Tổng Cục Công nghiệp Quốc phòng. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham dự và chủ trì Lễ hạ thủy tàu tìm kiếm, cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316.
Ngoài ra, còn có sự hiện diện của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam như: Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Phó tổng Tham mưu trưởng cùng lãnh đạo Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển và đại diện các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng.
Trước đó, vào giữa tháng 11, những hình ảnh đầu tiên về tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn- Tàu Yết Kiêu 927 đang được đóng tại Nhà máy Z189, Tổng cục Công nghiệp Bộ Quốc phòng theo đơn đặt hàng của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam đã xuất hiện trên nhiều diễn đàn quân sự và các phương tiện báo chí truyền thông của Việt Nam.
Đây là loại tàu cứu hộ tàu ngầm lần đầu tiên đóng mới tại Việt Nam và trang bị cho Quân chủng Hải quân. Theo báo QĐND, lượng giãn nước của tàu Yết Kiêu đạt tới 3.950 tấn, được trang bị hệ thống động lực, năng lượng điện, khí tài hàng hải, thông tin liên lạc, thiết bị y tế, cứu sinh, cứu hộ, hệ thống định vị.
Ngoài ra, tàu 927 Yết Kiêu còn là tàu cứu hộ tàu ngầm hết sức tối tân với các trang thiết bị lắp đặt trên tàu đều thuộc thế hệ mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhập khẩu từ các nước phát triển. Một ưu thế đáng kể của tàu Yết Kiêu chính là nó có thể hoạt động liên tục trên biển 30 ngày đêm, khả năng chịu sóng cấp 9, gió cấp 12.
Quyết định phê duyệt dự án đầu tư đóng mới tàu tìm kiếm, cứu nạn tàu ngầm đa năng Yết Kiêu của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đáp ứng yêu cầu cấp thiết của nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tàu ngầm, các tàu mặt nước, khảo sát, thăm dò, nghiên cứu đáy biển và tìm kiếm, hỗ trợ trục vớt các vật thể dưới nước và thực thi các nhiệm vụ khác được giao.
Nhà máy Z189 ngoài đảm trách việc sửa chữa tàu thuyền cỡ nhỏ và vừa còn thực hiện đóng mới nhiều loại tàu chở quân, tàu tuần tra, tàu vận tải, tàu cá, đồng thời, tập trung nghiên cứu và đưa vào sản xuất nhiều loại tàu, xuồng mới hiện đại, đáp ứng yêu cầu quốc phòng và an ninh. Đặc biệt, nhiều dự án mang tính lưỡng dụng quốc phòng an ninh và các sản phẩm tàu hiện đại xuất đi nước ngoài, khẳng định tiềm năng của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Tàu 927 Yết Kiêu là minh chứng, khẳng định việc chế tạo thành công tàu cứu hộ tàu ngầm cỡ lớn là một thành tựu đáng kể của nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu đảm bảo hậu cần cũng như duy trì năng lực tác chiến cho hạm đội tàu ngầm tấn công Kilo 636.
Tham dự và thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát biểu tại buổi Lễ hạ thủy, Thượng tướng Bế Xuân Trường đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của cán bộ, công nhân Nhà máy Z189, Tổng cục CNQP đã hoàn thành nhiệm vụ đóng tàu bảo đảm chất lượng, thời gian tiến độ đúng quy định và quy trình quy phạm về an toàn lao động của tổ chức đăng kiểm quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường nhấn mạnh, sau khi Bộ Tư lệnh Quân chủng hải quân nhận bàn giao, phải tiếp tục chỉ đạo đơn vị trực tiếp quản lý, tổ chức huấn luyện chặt chẽ, nhanh chóng khai thác và làm chủ phương tiện.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cũng tạo điều kiện thuận lợi để Nhà máy Z189 bàn giao cho đơn vị đưa vào sử dụng đúng thời gian, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Khi nào tàu Yết Kiêu được biên chế cho Hải quân Việt Nam?
Dự kiến sau khi hoàn thiện những khâu cuối cùng gồm hạ thủy và bắt đầu chạy thử nghiệm trên biển, dự kiến tàu 927 Yết Kiêu sẽ được đưa vào biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam trong năm 2020.
Chắc chăn, trong tương lai với xu hướng phát triển lớn mạnh của Hải quân Việt Nam, Hà Nội sẽ có thêm ít nhất một tàu cứu hộ tàu ngầm tương tự được chế tạo và hướng đến tiếp tục xuất khẩu sản phẩm này cho nước ngoài.
Tàu 927 Yết Kiêu có chiều dài 93 m, chiều rộng 16 m, cao mạn 5,85 m. Tàu có vỏ làm bằng hợp kim thép, lượng giãn nước tiêu chuẩn 2093 tấn và tối đa lên tới 3.950 tấn khi đầy tải. Tàu có thể di chuyển với tốc độ tối đa lên tới 16 hải lý giờ tương đương với khoảng 28 km/h.
Trước đó, các tàu cứu hộ tàu ngầm được Việt Nam đóng cho Australia mang tên Besant và Stoker - tên của hai vị Chỉ huy tàu ngầm đầu tiên trong biên chế Hải quân Hoàng gia Australia.