Du lịch Việt Nam bội thu năm 2019: Lượng khách quốc tế cao kỷ lục
Tổng Cục Du lịch ngày 5.12 vừa cho biết, trong tháng 11.2019 Việt Nam đã đón 1,81 triệu lượt khách quốc tế, tương đương mức tăng 39,0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là lượng khách cao kỷ lục trong một tháng, gấp 1,5 lần so với tháng 11.2017 và cao gấp 2 lần so với tháng 11.2016. Đồng thời, đây cũng là tháng có tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay trong năm 2019, tăng hơn 34,3% trong tháng 10 và tăng 28,8% so với tháng 9.
Ngoài ra, ngành Du lịch Việt Nam cũng đang đạt được tốc độ thu hút khách quốc tế vào top hàng đầu thế giới. Cụ thể, trong 11 tháng của năm 2019, Việt Nam đã đón khoảng 16,3 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018. Đó là mức tăng trưởng ấn tượng so với mức tăng trưởng bình quân từ 4% đến 5% của du lịch thế giới (theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới).
Ngoài ra, cũng phải kể đến những biện pháp kịp thời ứng phó, khôi phục đà tăng trưởng cho ngành du lịch Việt Nam. Đơn cử như trong 8 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng chậm do ảnh hưởng chiến tranh thương mại giữa một số nước gia tăng, nhiều nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái, tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Một số thị trường khách quan trọng của du lịch Việt Nam thậm chí còn bị sụt giảm, kéo theo tốc độ tăng trưởng chung thấp so với các năm trước.
Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chỉ đạo quyết liệt nhằm kịp thời triển khai thực hiện các giải pháp thu hút khách quốc tế. Tổng Cục Du lịch chủ động tổ chức nhiều hội nghị, các cuộc gặp gỡ, tọa đàm nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn, kịp thời điều chỉnh kế hoạch xúc tiến quảng bá ở các thị trường nước ngoài và phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức hàng loạt chương trình nhằm kích cầu du lịch.
“Nhờ đó, tổng lượng khách quốc tế đến trong 3 tháng qua (từ tháng 9 đến tháng 11) có sự bứt phá, tăng 34,1% so với cùng thời gian này năm trước, trong khi 8 tháng đầu năm chỉ tăng 8,7%”, Tổng Cục Du lịch cho biết.
Trung Quốc vẫn là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam
Theo báo cáo của Tổng Cục Du lịch, động lực tăng trưởng chính của Du lịch Việt Nam đến từ: thị trường Trung Quốc tăng trưởng cao, nhóm các thị trường trọng điểm ở Đông Bắc Á gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan tăng từ cao đến rất cao, và nhóm các thị trường lớn ở Đông Nam Á gồm Malaysia, Philippines, Indonesia tăng cao, riêng Thái Lan tăng rất cao.
Cụ thể, thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam là Trung Quốc sau thời gian đầu năm 2019 tăng trưởng chậm, có thời điểm sụt giảm, thì đã lấy lại đà tăng rất mạnh 3 tháng gần đây với những con số ấn tượng như: tháng 9 tăng 48,6%, tháng 10 tăng 60,9% và tháng 11 tăng 77,1% so với cùng kỳ. Theo Tổng Cục Du lịch, sau 11 tháng, thị trường Trung Quốc lần đầu tiên đã vượt qua mốc 5 triệu lượt, tăng 15,1% so với cùng kỳ.
Khách Hàn Quốc đến Việt Nam cũng duy trì đà tăng trưởng rất cao (22,3%) đạt 3,87 triệu lượt trong 11 tháng đầu năm. Mức tăng này vô cùng ấn tượng trong khi xu thể chung trong 10 tháng đầu năm là khách Hàn Quốc đi nước ngoài giảm rõ rệt, tổng chỉ đạt 24,3 triệu lượt, chỉ tăng 1,6%. Tổng Cục Du lịch Việt Nam dẫn minh chứng từ Tổng cục Du lịch Hàn Quốc cho biết, lượng khách Hàn giảm liên tục trong 3 tháng qua: tháng 8 giảm 3,7%; tháng 9 giảm 7,9%; tháng 10 giảm 8,3%.
“Thị trường Nhật Bản trong 11 tháng đạt 872 nghìn lượt, tăng trưởng cao 15,4% so với cùng kỳ, gần gấp đôi so với mức trung bình 8,1% giai đoạn 2010-2018. Thị trường Đài Loan tăng tới 30,2%, là một trong vài thị trường tăng mạnh nhất trong năm 2019”, Tổng Cục Du lịch cho biết.
Ở Đông Nam Á, các thị trường quan trọng của Việt Nam đều tăng trưởng tốt: Malaysia tăng 12,9%, Indonesia tăng 20%, Philippines tăng 19,6%. Đặc biệt, Thái Lan liên tục duy trì tốc độ tăng kỷ lục trong năm nay, cao nhất trong các thị trường nguồn (tăng 47,1%).
Đặc biệt, Việt Nam vẫn đang là điểm đến lý tưởng đối với du khách Thái Lan nhờ kết nối hàng không thuận tiện, các hoạt động xúc tiến, trao đổi hợp tác du lịch được tăng cường giữa hai bên.
Ngoài ra, nhóm các quốc gia châu Âu và Mỹ cũng tiếp tục duy trì đà tăng cưởng tích cực trong tháng 11, riêng Ấn Độ được kỳ vọng sẽ giúp du lịch Việt Nam đạt được mức tăng trưởng đột phá với luồng khách đến từ quốc gia Nam Á này trong thời gian tới.
Du lịch Việt Nam đạt hàng loạt danh hiệu tầm cỡ thế giới và khu vực
Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam gặt hái được rất nhiều thành công, đặc biệt là những danh hiệu có giá trị tầm cỡ thế giới và trong khu vực.
“Đây là lần đầu tiên du lịch Việt Nam được nhận giải thưởng tầm cỡ thế giới với hai danh hiệu Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019 và Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019”, Tổng cục nhận xét.
Ngoài ra, 2019 là năm thứ hai liên tiếp du lịch Việt Nam đạt được danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á và là năm thứ ba liên tiếp đạt được danh hiệu Điểm đến Golf tốt nhất châu Á.
Trước đó, Việt Nam cũng lần đầu tiên được công nhận là “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019”. Bên cạnh đó, giải thưởng Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á 2019 cũng mang lại niềm tự hào cho ngành du lịch Việt.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Việt Nam được đề cử trong nhiều hạng mục phạm vi toàn cầu, chứ không chỉ ở phạm vi khu vực như những năm trước.
Đây là minh chứng hết sức rõ ràng, rằng sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên thế giới và chất lượng, thương hiệu điểm đến Việt Nam ngày càng được khẳng định. Ông Siêu nhấn mạnh, đây là kết quả nhờ đầu tư mạnh cho việc xây dựng điểm đến, xúc tiến, quảng bá hình ảnh, đa dạng hóa dịch vụ với tiêu chuẩn ngày càng cao hơn.
Việt Nam cũng nhận được hàng chục giải thưởng quốc tế khác dành cho các hãng hàng không, đơn vị doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch với những điểm đến nức lòng khách quốc tế như Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc…
“Tác động ngược lại, những giải thưởng danh giá mà ngành Du lịch Việt Nam đạt được không chỉ là sự ghi nhận nỗ lực của ngành, của doanh nghiệp, địa phương mà còn là điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam sâu, rộng hơn tới bạn bè quốc tế”, báo Hà Nội mới trích phát biểu của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) khẳng định, việc Du lịch Việt Nam nhận các giải thưởng danh giá như “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019”, “Điểm đến golf tốt nhất thế giới 2019” cho thấy năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam đã được nâng lên rất nhiều. Ông Đức cũng cho tằng, sự công nhận ấy đã nâng tầm vị thế du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
“Vấn đề đặt ra thời gian tới là xây dựng kế hoạch gìn giữ và phát huy giá trị danh hiệu, từ đó nâng tầm thương hiệu điểm đến, tăng sức hấp dẫn đối với du khách”, ông Đinh Ngọc Đức bổ sung thêm.
Theo nhiều chuyên gia quốc tế, lợi thế của Việt Nam thu hút lượng lớn khách nước ngoài không chỉ ở phong cảnh thiên nhiên hữu tình, hàm lượng văn hóa di sản đậm đặc, ẩm thực hấp dẫn, chi phí du lịch phải chăng mà còn nằm ở chính sự thân thiện của con người Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ, ban ngành đều cũng nỗ lực tạo sự chuyển biến về cơ sở hạ tầng, giúp kết nối các điểm du lịch dễ dàng và tiện nghi hơn.
Bệnh thành tích: Thống kê số du khách quốc tế không thực chất?
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ đã đạt được, cũng có nhiều chuyên gia bày tỏ ý kiến nghi ngờ về con số thống kê lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có đúng hay không, thực trạng phát triển ngành du lịch Việt Nam như thế nào, phương hướng cần tính đến trong thời gian tới là gì đòi hỏi có sự chung tay phối hợp của các bên liên quan để tăng cường hiệu quả quảng bá cũng như cải thiện môi trường du lịch.
Đơn cử như ý kiến của PGS. TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch TP. Đà Nẵng đến năm 2030” ngày 5.12 thể hiện một góc nhìn rất khác về “bệnh thành tích” và thực trạng phát triển ngành du lịch Việt Nam.
“Thống kê hiện nay trên phạm vi cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng là vẫn theo cách truyền thống, nhưng cái đó không đủ, ít nhất là đối với ngành du lịch. Chính vì vậy, chúng tôi đã nhờ Cộng đồng châu Âu (EU) có dự án để chuyển giao việc thống kê ngành du lịch theo cái gọi là “tài khoản vệ tinh” đúng với thông lệ quốc tế hiện nay khi thống kê ngành du lịch thì mới chuẩn được!”- PGS.TS Phạm Trung Lương nhận xét.
“Chuẩn ở đây theo nghĩa có những con số thống kê của chúng ta sẽ bị giảm đi, ngược lại có những con số sẽ tăng lên. Tôi nói ví dụ con số giảm: Đó là con số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Thực hiện thống kê đúng theo thông lệ quốc tế hiện nay thì chắc chắn con số này phải giảm đi chứ không phải như con số chúng ta công bố đâu!”, Infonet trích phát biểu của ông Lương lý giải thêm.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam hiện nay được công bố chỉ dựa trên số khách cứ vào đến Việt Nam qua biên giới, “đóng dấu bụp một cái thì đấy là khách du lịch quốc tế và con số chúng ta công bố hàng năm của ngành du lịch cũng chính là đây”.
“Nhưng xin thưa, trong con số đấy lại có cả khách quốc tế vào Việt Nam nhưng để đi lao động. Theo định nghĩa của ngành du lịch thì đấy không phải là khách du lịch quốc tế, mà con số này rất lớn, lên đến hàng triệu người chứ không phải ít đâu”, ông Lương nói.
Theo vị chuyên gia, tiếp theo, phải kể đến những người vào Việt Nam học tập, như sinh viên, chưa kể những người này một năm đi ra đi vào nhiều lần chứ không phải ít.
“Vậy thì nếu tính đúng, con số khách du lịch quốc tế đúng nghĩa vào Việt Nam chắc chắn phải tụt đi. Nhưng chúng ta hiện nay đang chạy theo bệnh thành tích nên cứ thích con số lớn thôi. Việc này tôi cũng đã từng báo cáo tại hội nghị liên quan do Thủ tướng chủ trì rồi. Chính phủ khi đặt ra các mục tiêu phát triển cho ngành cũng cứ đưa ra năm tới đây phải đón được bao nhiêu khách. Là những người nghiên cứu, chúng tôi cho rằng chuyện đó không quan trọng. Không quan trọng là bao nhiêu khách mà quan trọng là chúng ta thu về được vào nhiêu? Đó mới là con số quan trọng”, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam nhấn mạnh.
Việt Nam đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc, các nhà làm chính sách ở Việt Nam phải hướng đến du lịch chất lượng cao, khai thác phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời cũng như nhanh chóng khắc phục những tồn tại, trở ngại để tìm hướng đi bền vững không chỉ hút được khách đến mà còn kéo được khách quay lại tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp của Việt Nam cũng như đem lại nhiều giá trị về kinh tế và nguồn thu.