Hà Nội vào top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Sáng 11.12, hàng loạt điểm đo của hệ thống quan trắc môi trường ở Hà Nội cho thấy chất lượng không khí đang ở mức xấu (đỏ) hoặc rất xấu (ngưỡng tím), rất có hại cho sức khỏe con người. Một số điểm thậm chí đạt đến ngưỡng nâu, ngưỡng cao nhất trong thang báo động ô nhiễm không khí.
Theo số liệu của hệ thống quan trắc từ Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường) tại 556 Nguyễn Văn Cừ, chất lượng chỉ số chất lượng không khí (AQI) lúc 7h là 199 (cuối “ngưỡng đỏ” – xấu). Từ số liệu này, Tổng cục môi trường đưa ra cảnh báo “những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn”.
Nhiều điểm đo khác ở mức tím như Hàng Quạt (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có AQI là 279, điểm đo Phạm Tuấn Tài (Cầu Giấy, Hà Nội) với AQI là 261...
Đặc biệt, không chỉ riêng Hà Nội, hều hết các điểm quan trắc của PamAir đặt tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình đều cho kết quả ở ngưỡng đỏ và tím, cho thấy mức độ ô nhiễm không khí cao, có hại cho sức khỏe.
Toàn miền Bắc chỉ có 2 điểm quan trắc duy nhất ở Cổ Đông, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc), chỉ số AQI ở ngưỡng cam (kém), dao động từ 106-132.
Trong khi đó, AirVisual ghi nhận, trong sáng 11/12, Hà Nội đứng thứ 3 trong top các thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI là 297.
Đây là đợt ô nhiễm không khí tiếp theo trong nhiều đợt ô nhiễm không khí từ cuối tháng 8 đến nay. Trước đó, đợt ô nhiễm giữa tháng 11 ghi nhận chỉ số AQI lên ngưỡng nâu, mức nguy hại cao nhất trong thang ô nhiễm không khí, với khuyến cáo tất cả mọi người nên ở trong nhà.
Vì sao không khí Hà Nội lại ô nhiễm như vậy?
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có nhiều nguyên nhân như giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp và dân sinh, trong đó việc đốt rác, rơm rạ.
Đặc biệt, sáng sớm là khoảng thời gian lặng gió nên các chất ô nhiễm khó phát tán. Vào các thời điểm còn lại trong ngày, khi ánh sáng Mặt Trời làm nóng lớp không khí gần mặt đất, bụi được phát tán, chất lượng không khí sẽ được cải thiện.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Theo đó, Bộ cho rằng, với đặc điểm thời tiết giao mùa, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao.
Từ nguyên nhân trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra đường. Mọi người cũng nên dừng hoạt động tập thể dục buổi sáng ngoài trời, đóng các cửa lưu thông gió, nếu phải ra đường cần đeo khẩu trang, kính mắt.
Khoảng ba tháng nay, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Thậm chí, có thời điểm Hà Nội đứng đầu thế giới với mức AQI lên tới hơn 300. Để theo dõi thông tin về chất lượng không khí, người dân có thể cập nhật qua website của Tổng cục Môi trường như: cem.gov.vn; trang aqicn.org của Đại sứ quán Mỹ, hoặc sử dụng các ứng dụng online như PAMAir, Air visual.
Đặc biệt là thói quen đốt rơm rạ theo mùa của người dân gây hiện tượng sương mù quang hóa. Đây là dạng ô nhiễm đặc biệt do sự tương tác giữa các bức xạ cực tím của mặt trời và khí thải ô tô, xe máy, khói bụi.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí chủ yếu gây ra bởi bụi mịn PM2.5. Trong số các đô thị, giá trị trung bình 24 giờ của PM2.5 tại Hà Nội có cao nhất. Thời điểm hàm lượng PM2.5 cao vẫn là từ đêm đến đầu giờ sáng, đạt cực đạt lúc 5-6 giờ sáng.
Cùng đồng tình với quan điểm của Tổng Cục Môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường) cho rằng, hạt bụi mịn PM2.5 vào lúc đêm và sáng sớm sẽ đạt mức cao nhất. Đặc biệt là sáng sớm, trời lặng gió, các chất ô nhiễm khó phát tán. Tuy nhiên, khi trời hửng nắng, không khí gần mặt đất được đốt nóng, bụi mịn được phát tán nhanh hơn nên ô nhiễm không khí từ đó sẽ giảm dần.
“Không khí không thể bốc lên cao theo hoạt động đối lưu, không có hiện tượng ngưng kết mây, gây mưa làm bớt nhiễm bẩn. Ở phương ngang thì không có gió thổi vào để di chuyển khối khí ô nhiễm đi nơi khác”, VnExpress trích nhận định của ông Hải cho biết.
Ngoài ra, cơ quan khí tượng thủy văn nhận định hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng không khí thấp. Ban đêm bức xạ nhiệt từ mặt đất phát tán vào khí quyển tạo ra lớp sương mù tầng thấp. Trong ngày không khí luôn ô nhiễm, chỉ trừ một chút vào buổi chiều mặt trời bị hun đốt nóng, tạo nên lớp không khí nóng bốc lên cao rồi tỏa ra xung quanh.
Phát biểu tại một hội thảo về ô nhiễm không khí ở Hà Nội, nhận định về tình trạng chất lượng không khí tại thủ đô thời gian gần đây, GS.TS Hoàng Xuân Cơ (Giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cho rằng đây là thực trạng chung của các nước trong quá trình phát triển “nóng”.
“Về nguyên lý, có mối quan hệ tương quan giữa các các điều kiện bất lợi gây ra bởi quá trình tăng trưởng GDP ở các quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta phát triển, bắt buộc phải đánh đổi, nhưng đánh đổi ở mức độ chấp nhận được”, GS. Cơ cho hay.
“Chúng ta đang trong giai đoạn phát triển thì nguồn thải không ổn định, các nguồn vẫn tăng. Theo tôi, sắp tới các nhà máy nhiệt điện than sẽ không giảm đi do đòi hỏi nhu cầu tăng trưởng, lượng xe cộ gia tăng”, ông Cơ cho biết.
Theo đó, chỉ khi nào Việt Nam đạt đến mức độ GDP nhất định, thì các chỉ số ô nhiễm mới có thể giảm, chất lượng môi trường có điều kiện cải thiện do kinh tế được nâng cao.
Nhà nước nói chung và TP. Hà Nội nói riêng, theo vị chuyên gia, đã có hành động tích cực trong thời gian qua trong việc hạn chế nguồn phát thải ô nhiễm ra môi trường, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế.
“Nhà nước đã không quy hoạch các nhà máy phát thải gần các TP lớn, loại bỏ được xăng pha chì, nâng cao được tiêu chuẩn phương tiện giao thông Euro 3, Euro 4, ủng hộ thúc đẩy năng lượng sạch”, GS. Cơ nhận định.