Ngày 09/12 vừa qua, Cơ quan chống doping thế giới (WADA) nhất trí thông qua quyết định tước quyền tham gia của Nga vào các sự kiện thể thao quốc tế lớn trong bốn năm liên tiếp, bao gồm cả Thế vận hội Mùa Hè 2020 tại Nhật Bản và Giải vô địch bóng đá thế giới 2022 tại Qatar. Ngoài ra, trong bốn năm WADA cũng quyết định tước quyền của Nga tổ chức các giải vô địch thế giới và nộp đơn đăng ký tổ chức các sự kiện đó.
Hiện tại, chỉ có Nga và Trung Quốc lên tiếng chính thức phản đối việc chính trị hóa thể thao, các sự kiện thể thao, ủng hộ bảo vệ lợi ích hợp pháp của các vận động viên trong sạch, bảo đảm chính đáng sự công bằng và trong sạch của những sự kiện thể thao quốc tế.
Có nhiều ý kiến và bình luận khác nhau về quyết định của WADA, nhưng cái nhìn chung là vắng bóng các vận động viên Nga thì nhiều sự kiện thể thao quốc tế sẽ không còn hấp dẫn nữa.
Những bằng chứng để WADA đưa ra quyết định
Quyết định của Ủy ban chống doping quốc tế được đưa ra sau một quá trình dài nhiều năm, dựa vào rất nhiều bằng chứng. Chẳng hạn như lời tố cáo vào năm 2014 của một cựu thành viên ủy ban chống doping của Nga Vitaly Stepanov và vợ của ông này, vốn là một cựu vận động viên điền kinh chạy 800m và cũng đã từng bị cấm thi đấu vì sử dụng chất kích thích. Hay lời tố cáo năm 2016 của Grigory Rodchenkov, từng làm việc tại một phòng thí nghiệm chống doping, ông này khẳng định đã đánh tráo mẫu xét nghiệm tại Thế vận hội Olympic 2014. Tháng 2 năm 2018, hai vận động viên Nga thi đấu tại Olympic mùa đông ở Hàn Quốc cũng bị xét nghiệm dương tính với chất kích thích.
Kết quả của những lời tố cáo và bằng chứng này là thể thao Nga đã phải hứng chịu một loạt các biện pháp trừng phạt như không được thi đấu với tư cách một quốc gia tại Olympic mùa đông ở Hàn Quốc hay các vận động viên điền kinh Nga từ năm 2015 đã bị cấm tranh tài tại các cuộc thi đấu quốc tế.
Việc một số vận động viên có sử dụng doping đã được chứng minh. Và họ đã bị trừng phạt bằng cách cấm tham gia các cuộc thi đấu quốc tế.
Nhưng, còn một yếu tố khách quan quan trọng cần được chú ý tới. Đó là việc nhiều vận động viên Nga, và ngay cả các bác sĩ của họ, không theo dõi kịp nên không biết tên những loại thuốc y tế bị liệt vào danh mục doping vì WADA thường xuyên cập nhật danh mục này. Như vài năm trước, 2 nữ vận động viên trượt tuyết nổi tiếng của Nga giữ nhiều kỷ lục thế giới bị tước huy chương vàng và cấm thi đấu hai năm. Sau quá trình đấu tranh và làm rõ thì được biết hai cô ấy uống thuốc cảm vào ngày trước khi thi đấu, và thuốc này mới chỉ vài ngày trước đó được đưa vào danh sách doping. Hoặc như trường hợp của nữ quần vợt Nga Maria Sharapova bị tai tiếng dùng doping khi cô ta chỉ uống thuốc giảm cân do bác sĩ chỉ định trong mấy tuần trước khi thi đấu. Và vấn đề là WADA có thực sự trong sạch trong việc cứ cập nhập liên tục danh sách doping hay không và trên cơ sở nào?
Nhưng liệu những sai phạm của một số vận động viên Nga có đủ cơ sở để WADA đưa ra một quyết định khắc nghiệt như vậy hay không với tất cả các vận động viên Nga? Và thực chất của quyết định này là gì?
Đằng sau quyết định của WADA là gì?
Việc Nga và Trung Quốc lên tiếng phản đối việc chính trị hóa các sự kiện thể thao, ủng hộ bảo vệ lợi ích hợp pháp của các vận động viên trong sạch, cho ta hiểu ngay rằng đằng sau quyết định của WADA là những mưu đồ chính trị. Trước hết, việc trừng phạt cả một tập thể là phạm luật và mâu thuẫn với những nguyên tắc của Điểu lệ Olympic quốc tế. Chính WADA cũng đã nói rằng không có yêu cầu gì với Ủy ban Olympic Quốc gia của Nga. Mà nếu không có đòi hỏi gì, thì theo Điều lệ của phong trào Olympic, Nga phải có quyền tham gia dưới ngọn cờ quốc gia của mình.
“Như Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp báo ngày 10/12 tại Paris thì quyết định của WADA mâu thuẫn với những nguyên tắc của Điều lệ Olympic. Tôi cho rằng, Nga hoàn toàn có quyền nộp đơn kháng cáo lên Tòa trọng tài thể thao quốc tế và kiện WADA ra tòa”, - Một luật sư Việt Nam nói với Sputnik.
Nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thông qua Cơ quan chống doping của Nga (RUSADA), Nga có 21 ngày để quyết định có đồng ý hay không với quyết định của WADA, nếu không thì có thể nộp đơn kháng cáo lên Tòa trọng tài thể thao quốc tế, chỉ mang tính vớt vát, và rất khó thay đổi lệnh trừng phạt thể thao Nga.
Vấn đề không phải những sai phạm của một số vận động viên Nga là một quá trình lâu dài, mà là WADA thực hiện mục đích chính trị của ai và để làm gì.
Chúng ta cũng phải nhận thấy một điều là từ lâu phương Tây sử dụng bất cứ lý do nào để đẩy Nga ra khỏi thể thao thế giới hiện nay.
"Một quyết định không thể chấp nhận được, chưa từng có trong lịch sử thể thao thế giới. Không một quốc gia nào bị tước quyền tham gia các cuộc thi quốc tế tới 4 năm. Điều này họ làm được là do chính Bộ quy tắc mới của WADA. Cơ quan chống doping tự đặt mình vào vị trí của Thượng đế, để có thể quyết định bất kỳ số phận nào”, - Một nhà bình luận chính trị Việt Nam nói với Sputnik.
“Tôi cho rằng đây là một cách loại bỏ cạnh tranh. Trong những năm gần đây, thể thao Nga đạt được những thành tích rất rực rỡ. Ví dụ như giải Grand – Prix trượt băng nghệ thuật vừa qua ở Turin, Ý và giải châu Âu về bơi 4-8 tháng 12 ở Glasgo, Anh và nhiều giải khác”, - Một bình luận viên thể thao nói.
“Việc tiếp tục trừng phạt Nga như vậy có vẻ là quá nặng bởi các lỗi cũ hoặc đang được điều tra, hoặc các vận động viên Nga đã phải trả giá cho những lỗi đó. Sự vắng mặt của các vận động viên Nga, một cường quốc thể thao, tại các sự kiện thể thao quốc tế là một sự thiệt thòi cho chính sự kiện đó cũng như quốc gia đăng cai”, - Nhà báo Hồng Quân bình luận với Sputnik.
Thể thao Nga sau quyết định của WADA: Những gì tiếp theo
Quyết định phải làm gì với môn thể thao của Nga hiện nay là nằm trong tay của hai tổ chức hùng mạnh và khá khép kín – đó là Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và FIFA. Hai tổ chức này sẽ phải phản ứng trước “bản án” của WADA đối với các vận động viên Nga.
“Đối với IOC, việc Nga bị loại sẽ là một tổn thất lớn. Nga là một trong những trụ cột của phong trào Olympic. Nhiều khả năng, IOC sẽ tìm kiếm một sự thỏa hiệp, nghĩa là, Nga có thể sẽ không bị trừng phạt và bỏ lại phía sau. Tôi cho rằng, điều quan trọng là Nga phải hợp tác với nhóm điều tra, nghĩa là phải liên tục liên lạc với IOC. Nhưng tình huống rất phức tạp, vị thế của Nga ngay cả trong Ủy ban Olympic quốc tế là khá yếu. Nga không có một đại diện nào trong ủy ban điều hành của IOC”, - Một luật sư Hà Nội không muốn được nêu tên nói quan điểm của mình với Sputnik.
“Theo nhìn nhận của tôi, lý do không nhỏ để Nga bị lâm vào tình trạng này là chính sách của TT Nga V.Putin về thể thao không có hiệu quả, thậm chí phần nào đem lại tác hại cho thể thao Nga trong cả chục năm liền”, - Facebooker Dmitry Tran bình luận trên trang của mình.
Việc chống lại những lời buộc tội sẽ không đủ. Nga phải xác định nền thể thao của mình sẽ như thế nào trong tương lai. Vai trò của nhà nước trong việc phát triển thể thao sẽ như thế nào? Làm thế nào để lấy lại cái tên danh dự của mình?
Trong khi chúng ta chờ đợi những gì diễn ra tiếp theo, thì các vận động viên Nga vẫn đang tích cực chuẩn bị cho những sự kiện thể thao quốc tế trong năm 2020.