Tiếp tay Vũ “nhôm” theo chỉ đạo của cấp trên
Ngày 3/1, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm 21 bị cáo trong vụ án bán đất công sản cho Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, gây thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng xảy ra tại Đà Nẵng. Trong số 21 bị cáo này, có 2 cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến. Ngay từ đầu phiên xét hỏi, bị cáo Phan Văn Anh Vũ bị cách ly trước khi thẩm vấn các bị cáo khác.
Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm vấn các bị cáo: Phan Xuân Ít (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng), Nguyễn Công Lang (nguyên Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng), Trần Phi (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Đà Nẵng), Huỳnh Tấn Lộc (nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ phẩm Đà Nẵng).
Trong phiên thẩm vấn, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng đã truy tố, nhưng cho rằng sai phạm có mức độ. Các bị cáo thực hiện hành vi vi phạm là do có sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng vào thời điểm đó.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, ông Phan Xuân Ít biết rất rõ Phan Văn Anh Vũ lợi dụng chính sách của Nhà nước để được mua chỉ định các nhà, đất công sản trái quy định của pháp luật và có mối quan hệ với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng.
Bị cáo Phan Xuân Ít khai, từ năm 2006 đến 2014, bị cáo đã đảm nhiệm nhiều vị trí tại Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, được phân công theo dõi lĩnh vực đất đai, giúp việc cho Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khi đó là Trần Văn Minh (nhiệm kỳ 2006-2011) và sau đó là Văn Hữu Chiến (từ năm 2011 đến 2014). Tại thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố là người ra chủ trương, quyết định giao nhà đất công sản; bị cáo Ít tiếp nhận nội dung rồi soạn thảo văn bản.
Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo bằng bút phê vào văn bản của những người có nhu cầu nhận chuyển nhượng. Bị cáo Ít khẳng định, những việc làm của bị cáo nêu trong cáo trạng truy tố là do thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.
Khi chủ tọa hỏi: "Những chỉ đạo của cấp trên là đúng hay sai?", bị cáo Ít đã không trả lời thẳng vào câu hỏi mà nói mình là cấp dưới nên chỉ làm theo chỉ đạo và bị cáo nghĩ “chỉ đạo của lãnh đạo là đúng”.
“Khi đã có chủ trương chỉ đạo, bản thân bị cáo phải chấp hành và nếu không làm thì là trái”, - ông ít nói.
Qua vụ việc này, ông Ít cũng khẳng định, mình không có động cơ, mục đích gì mà chỉ thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo.
Trong thời gian từ năm 2006 đến 2013, bị cáo Phan Xuân Ít đã trực tiếp tham mưu, đề xuất, soạn thảo các công văn, quyết định có nội dung trái pháp luật về quản lý công sản và pháp luật về đất đai để các bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và Nguyễn Ngọc Tuấn cho phép bán 20 nhà, đất công sản. Hành vi đồng phạm của bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 2.237 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại 4 dự án bất động sản khác, bị cáo Phan Xuân Ít đã cố ý thực hiện hành vi giúp sức tích cực cho bị cáo Trần Văn Minh trong việc giao quyền sử dụng đất các dự án đất cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 6.324 tỷ đồng.
Biết cấp trên chỉ đạo sai nhưng vẫn làm
Bị cáo Nguyễn Công Lang (cựu Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng) có sai phạm từ giai đoạn năm 2004-2013 đã tham mưu đề xuất cho cựu chủ tịch Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cho phép chuyển nhượng 21 nhà đất công sản cho Phan Văn Anh Vũ. Sai phạm của bị cáo đã khiến Nhà nước thiệt hại gần 2.300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo lời bị cáo Lang, việc ông này thực hiện các thủ tục bán và chuyển nhượng các nhà, đất công sản tại Đà Nẵng là do sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng, ông Lang bắt buộc phải làm theo và không được hưởng lợi gì hết.
Đối với Phan Văn Anh Vũ, ông Lang khai, ông không biết Vũ đứng sau các thương vụ chuyển nhượng vì các đơn vị nhận chuyển nhượng nhà, đất công sản đều đứng tên công ty.
Trong vụ án này, các bị cáo: Huỳnh Tấn Lộc, Trần Phi, Lê Anh Tuấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển Đà Nẵng) bị xem xét về vai trò giúp sức cho bị cáo Vũ “nhôm” trong việc mua các nhà, đất công sản.
Các bị cáo khai, mặc dù chưa hoàn thành thủ tục chuyển nhượng nhà, đất từ UBND thành phố nhưng các bị cáo đã đứng tên hoặc làm các thủ tục để giúp bị cáo Phan Văn Anh Vũ mua các nhà, đất công sản này và người trả tiền cho UBND thành phố là các công ty của Phan Văn Anh Vũ. Bị cáo Lộc còn cho biết, bị cáo quen biết bị cáo Phan Văn Anh Vũ do có sự giới thiệu của lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng.
Theo cáo trạng, lợi dụng việc được các bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) phê duyệt chủ trương cho mua chỉ định các nhà, đất công sản do các công ty này thuê làm trụ sở làm việc, các bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, Phan Ngọc Thạch, Trần Phi và Lê Anh Tuấn đã bàn bạc, thỏa thuận với bị cáo Phan Văn Anh Vũ để đứng tên xin mua chỉ định nhà, đất công sản, xin giảm giá, giảm hệ số sinh lợi, giảm 10% tiền sử dụng đất.
Sau đó, trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại các nhà, đất công sản, các bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, Phan Ngọc Thạch, Trần Phi và Lê Anh Tuấn đã ký văn bản đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng thay đổi tên người nhận quyền sử dụng đất để giúp bị cáo Phan Văn Anh Vũ đứng tên sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở tại 4 nhà, đất công sản không qua đấu giá, có giá trị cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trục lợi gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Theo cáo buộc, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc giúp sức cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ được mua nhà, đất số 37 Pasteur, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 112 tỷ đồng. Bị cáo Phan Ngọc Thạch gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 24 tỷ đồng. Bị cáo Trần Phi gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 141 tỷ đồng và bị cáo Lê Anh Tuấn gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 264 tỷ đồng.