Chủ thầu trả lương bằng ma tuý cho cả công nhân chưa đến 15 tuổi
Ngày 5/1, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết đơn vị này đã triệt phá liên tiếp 2 tụ điểm kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất ma tuý. Đáng nói, cả hai tụ điểm này đều nằm trong các khu công trường đang xây dựng và đối tượng sử dụng, mua bán đều là công nhân lao động tự do tại các tỉnh phía Bắc đang lao động trong công trường.
Theo tài liệu điều tra, ngày 3/1, từ nguồn tin tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân, thông qua công tác rà soát, trinh sát địa bàn, Công an phường Hạ Đình phối hợp với Đội Cảnh sát phòng chống tệ nạn ma tuý Công an quận Thanh Xuân bất ngờ ập vào khu vực lán trại phía trong một công trình đang thi công trên địa bàn phường Hạ Đình. Tại đây, lực lượng chức năng xác định và đưa gần 20 người có biểu hiện sử dụng ma túy về trụ sở để đấu tranh.
Lời khai ban đầu của một số đối tượng trong nhóm cho thấy họ về đây lao động cho chủ thầu xây dựng được hơn hai tháng. Tuy nhiên, thay vì nhận tiền công, hàng ngày, họ được trả bằng ma túy và cùng nhau sử dụng tại công trường.
Vì nhận lương bằng ma tuý, nên nhiều công nhân vào công trường lao động này đã trở thành đối tượng nghiện nặng. Được biết, trong số những người này có cả em nhỏ chưa đủ 15 tuổi.
Việc quản lý lao động tự do đang có nhiều bất cập đáng báo động
Cuối tháng 12/2019, Công an phường Thượng Đình, Đội cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý Công an Quận Thanh Xuân đã tiến hành kiểm tra hành chính một công trình đang xây dựng trên địa bàn, tạm giữ đưa về công an phường gần 40 người không đăng ký tạm trú theo quy định. Kiểm tra nhanh cho thấy có 8 đối tượng dương tính với ma tuý.
Từ những vụ việc được lực lượng Công an quận Thanh Xuân đấu tranh, triệt xoá trong thời gian qua cho thấy, việc quản lý lao động tự do đang có nhiều bất cập đáng báo động, nhất là phái trong các công trình đang xây dựng, kín cổng, cao tường.
Chạy theo tiến độ, hầu hết các chủ đầu tư khoán trắng việc quản lý, xây dựng cho các nhà thầu thứ cấp, chính vì vậy họ đã không thực hiện đầy đủ các quy định của Pháp Luật trong việc sử dụng lao động, nhất là lao động thời vụ dẫn tới việc các đối tượng thuộc diện quản lý ở địa phương khác trà trộn vào sinh sống và lao động bất hợp pháp nhằm trốn tránh sự quản lý của lực lượng chức năng.